Những vấn đề môi trường luôn “nóng” này là những hệ lụy chưa thể giải quyết trong quá trình phát triển, khi tốc độ đô thị hóa đang khiến số lượng đô thị tăng tỷ lệ nghịch với chất lượng sống ở các đô thị.
Người dân đô thị sống trong… bụi và rác
Theo Báo cáo hiện trạng môi trường quốc gia năm 2016 - chuyên đề “Môi trường đô thị”, hầu hết các đô thị lớn của nước ta đang phải đối mặt với tình trạng ô nhiễm không khí ngày càng gia tăng, trong đó ô nhiễm không khí do bụi vẫn là vấn đề nổi cộm nhất ở các đô thị.
Ghi nhận cục bộ tại một số thời điểm, ô nhiễm NO2 xuất hiện tại khu vực giao thông trong một số đô thị lớn như Hà Nội, TP HCM, Hạ Long và có xu hướng tăng.
Theo TS Hoàng Dương Tùng, nguyên Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Môi trường (Bộ TN&MT), áp lực ô nhiễm chủ yếu đối với môi trường không khí tại các đô thị là do hoạt động giao thông vận tải, xây dựng, từ các cơ sở sản xuất công nghiệp nội đô; hoạt động đun nấu, sinh hoạt của dân cư; quá trình xử lý rác thải và các nguồn ô nhiễm từ ngoại thành chuyển vào, đốt rác rơm rạ khi vụ mùa xong...
Việc xây mới, cải tạo, nâng cấp đô thị làm phát sinh lượng bụi lớn vào môi trường. Giao thông phát triển nhanh song hạ tầng kỹ thuật chưa đáp ứng được nhu cầu; mật độ phương tiện giao thông cá nhân quá cao gây ra tình trạng ùn tắc giao thông; chất lượng phương tiện kém, nhiều phương tiện cũ đã quá hạn sử dụng làm gia tăng lượng phát thải bụi và khí thải.
Cùng với đó là ô nhiễm rác thải từ các hoạt động dân sinh, y tế, thương mại, cơ sở công nghiệp đơn lẻ nằm xen trong các khu đô thị với công nghệ lạc hậu... Ô nhiễm môi trường đô thị, nhất là ô nhiễm không khí, nước và chất thải rắn (CTR) gây nhiều ảnh hưởng đến sức khỏe cộng đồng, thiệt hại về kinh tế cũng như các vấn đề xã hội.
Ô nhiễm là nguồn cơn của bệnh tật
Báo cáo hiện trạng môi trường quốc gia năm 2016 chỉ rõ, ô nhiễm môi trường không khí gây ra những tác động trực tiếp tới sức khỏe cộng đồng. Tỷ lệ người dân ở các đô thị lớn mắc các bệnh liên quan đến ô nhiễm không khí chiếm tỷ lệ khá cao, trong đó, trẻ em là nhóm đối tượng chịu tác động lớn nhất.
PGS.TS Vũ Văn Giáp - Tổng Thư ký Hội Hô hấp Việt Nam, Phó Giám đốc Trung tâm Hô hấp Bệnh viện Bạch Mai cho biết: Bụi ô nhiễm (PM 2,5 và PM 10) ảnh hưởng tới sức khỏe của cộng đồng, kể cả người khỏe cũng dễ bị mắc bệnh về đường hô hấp trên.
Thực tế tại Bệnh viện Bạch Mai cho thấy, bệnh nhân mắc bệnh hô hấp mãn tính, trong thời điểm ô nhiễm không khí, tần suất nhập viện vì tiếp xúc với ô nhiễm tăng hơn so với những ngày bình thường. Tỷ lệ người mắc bệnh hô hấp ở các đô thị lớn như Hà Nội, TP HCM cao hơn các đô thị khác.
Ô nhiễm không khí cũng gây ra những thiệt hại về kinh tế do những chi phí bỏ ra để chữa trị bệnh tật và các chi phí gián tiếp do mất ngày công lao động của người bệnh và người chăm sóc.
Ô nhiễm môi trường nước tại các đô thị tập trung chủ yếu ở khu vực nội thành, nội thị, thường gây mùi hôi thối, ảnh hưởng tới đời sống sinh hoạt của người dân, làm mất mỹ quan đô thị và ảnh hưởng tới chất lượng nước của các nguồn tiếp nhận. Ô nhiễm môi trường nước còn gây ra những thiệt hại về kinh tế do những chi phí bỏ ra để khắc phục, cải thiện tình trạng ô nhiễm.
Công tác thu gom, vận chuyển, các trạm trung chuyển CTR không đảm bảo vệ sinh ở nhiều đô thị đã và đang gây ra những tác động xấu tới đời sống sinh hoạt người dân, gây mất mỹ quan đô thị. Tại các khu vực có hoạt động du lịch phát triển, ô nhiễm CTR gây ấn tượng xấu tới du khách, làm giảm lượng khách du lịch tới tham quan, nghỉ dưỡng.
Việc thu gom, xử lý CTR cũng đang là gánh nặng kinh tế cho ngân sách nhà nước do phần kinh phí trả cho các hoạt động này chủ yếu vẫn do Nhà nước bao cấp. Phần thu phí vệ sinh tại các hộ gia đình, cơ sở sản xuất kinh doanh mới chỉ đủ hỗ trợ cho hoạt động thu gom tại chỗ.
Kiểm soát ô nhiễm từ việc nâng cao ý thức cộng đồng
TS Nguyễn Văn Sơn – Phó Viện trưởng Viện Sức khỏe nghề nghiệp và môi trường (Bộ Y tế) cho rằng, nếu mọi người hiểu rõ sự nguy hiểm của ô nhiễm không khí thì sẽ cải thiện tình hình ô nhiễm không khí ở các đô thị và có biện pháp phòng tránh bệnh để bảo vệ sức khỏe cho chính bản thân và cộng đồng.
Trong đó, người dân cần có ý thức khi tham gia giao thông, định kỳ bảo dưỡng phương tiện, dùng nhiên liệu sạch, tiết kiệm năng lượng, tích cực đi bộ; vận động người dân không đốt rác, rơm rạ, không xả rác thải... Phát động chương trình trồng cây xanh trong đô thị là biện pháp bảo vệ môi trường rất hiệu quả, nâng cao nhận thức bảo vệ môi trường cho cộng đồng.
Bên cạnh đó, để giải quyết vấn đề ô nhiễm môi trường cho các đô thị, các chuyên gia trong lĩnh vực môi trường, y tế và quản lý nhà nước chia sẻ, Nhà nước cần đưa ra các quy chuẩn cụ thể đối với các cơ sở sản xuất, giao thông, các công trình xây dựng, đồng thời tiến hành nhiều biện pháp kiểm soát ô nhiễm không khí hơn từ nguồn “di động” như giao thông, nguồn “điểm” từ nhà máy nhiệt điện, thép, nguồn đốt rơm rạ và ô nhiễm không khí xuyên biên giới...
Nghị định số 155/2016/NĐ-CP đã quy định rõ các điều khoản và mức xử phạt đối với các cá nhân, tập thể có hành vi hủy hoại môi trường, gây ô nhiễm môi trường, đồng thời các cơ quan có trách nhiệm tiến hành thanh, kiểm tra, đánh giá tác động đối với môi trường trước khi các cấp phép thi công các công trình xây dựng.
Nhưng theo PGS.TS.BS Vũ Văn Giáp, điều quan trọng nhất là phải thay đổi ngay từ trong quan điểm, nhận thức của người dân, tất cả mọi người cần chung tay ngăn chặn các hành vi gây ô nhiễm không khí, đó không chỉ là việc “nên” hay “không nên”, mà đó là trách nhiệm!