Theo TCMT, các TP ở khu vực miền Bắc có giá trị trung bình 24 giờ của thông số PM2.5 cao hơn các khu vực khác, trong đó Hà Nội có giá trị cao nhất.
Kết quả tính toán chỉ số chất lượng không khí (AQI) ngày cho thấy, tại các đô thị khu vực miền Bắc, số ngày trong tháng có chất lượng không khí ở mức trung bình và mức kém chiếm tỷ lệ khá cao; trong một số ngày đã ghi nhận chất lượng không khí ở mức xấu.
Với Hà Nội, tỷ lệ số ngày có AQI ở mức trung bình chiếm 29%; mức kém chiếm 48,4%; mức xấu 22,6%. TP Việt Trì (Phú Thọ) có tỷ lệ số ngày AQI ở mức tốt chiếm 11,5%; mức trung bình 46,2%; mức kém 26,9%; mức xấu 15,4%. TP Hạ Long (Quảng Ninh) tỷ lệ số ngày AQI mức tốt chiếm 4,8%; mức trung bình 47,6%, mức kém 42,9%; mức xấu 4,8%.
Tại các đô thị khu vực miền Trung, chất lượng không khí phổ biến ở mức tốt và trung bình. TP Huế có tỷ lệ số ngày có AQI mức tốt 67,7%; mức trung bình 29%; mức kém 3,2%. TP Đà Nẵng có tỷ lệ AQI ngày mức tốt 74,2%; mức trung bình 22,6%; mức kém 3,2%.
Tại TP HCM, chất lượng không khí phổ biến ở mức trung bình (83,9%), mức tốt 3,2%; mức kém 12,9%.
“Tại Hà Nội, trong tháng 12, ô nhiễm không khí có xu hướng gia tăng cả về số ngày và mức độ nghiêm trọng so với tháng 11. Trong hầu hết các ngày, giá trị trung bình 24 giờ của thông số PM2.5 đo được tại các trạm quan trắc đều vượt QCVN”, TCMT cho hay.
Trong đợt cao điểm ô nhiễm, khoảng thời gian ghi nhận giá trị AQI giờ ở mức kém đến rất xấu thường tập trung khoảng từ 22h tối hôm trước đến 8h sáng hôm sau. Đây là khoảng thời gian lặng gió và thuận lợi cho hiện tượng nghịch nhiệt, làm tích tụ các chất ô nhiễm trong không khí xuống tầng sát mặt đất.
TCMT khẳng định, môi trường không khí tại một số đô thị lớn của Việt Nam đã bị ô nhiễm bởi thông số bụi PM2.5 ở các mức độ khác nhau, trong đó, Hà Nội có giá trị PM2.5 đo được là cao nhất, còn Huế là thấp nhất.