Giá trị PM10 ((là các hạt bụi có đường kính động học ≤ 10µm)) trung bình ngày (24h) cao nhất vào ngày 29/2 là 160 µg/m3 và vượt Quy chuẩn QCVN 05:2013/BTNMT (150 µg/m3).
Giá trị PM2,5 trung bình ngày của các ngày từ 27/2 đến 02/3/2016 đều vượt giá trị giới hạn cho phép tại Quy chuẩn QCVN 05:2013/BTNMT (50 µg/m3); trong đó, ngày 29/2 có giá trị bụi PM2,5 cao nhất là 89 µg/m3, vượt 1,78 lần.
Mặc dù đối với PM10, PM2,5 không quy định quy chuẩn trung bình giờ, tuy nhiên qua các giá trị quan trắc liên tục cho thấy nồng độ trung bình giờ của các thông số này thường cao vào giờ cao điểm khi mật độ phương tiện giao thông tăng cao.
Tại các đô thị thì nguyên nhân chủ yếu gây ô nhiễm bụi cao là do các hoạt động giao thông, hoặc từ các hoạt động sản xuất công nghiệp xung quanh.
Đặc biệt, trong những ngày qua, điều kiện thời tiết tại Hà Nội khá hanh khô, độ ẩm không khí trung bình khoảng 74% và có thời điểm chỉ là 62%, đây cũng là một trong những nguyên nhân góp phần dẫn đến nồng độ bụi PM2,5 tăng cao.
Để đánh giá chất lượng và mức độ ảnh hưởng đến sức khỏe con người do ô nhiễm môi trường không khí, bên cạnh việc so sánh với Quy chuẩn QCVN thì chỉ số chất lượng không khí (AQI) tính từ các giá trị quan trắc liên tục đối với các thông số đặc trưng như PM10 và PM2,5, SO2, NOx, O3 cũng thường được sử dụng.
Như vậy có thể thấy, trong những ngày từ ngày 27/02 đến 2/3/2016, chất lượng không khí Hà Nội đã bị ô nhiễm bởi thông số PM10 (ngày 29/2) và đặc biệt là ô nhiễm PM2,5 (các ngày từ 27/2 đến 2/3). Vấn đề ô nhiễm bụi này cần được tiếp tục theo dõi, đánh giá để kịp thời có các biện pháp kiểm soát, cảnh báo và phổ biến thông tin cho cộng đồng về chất lượng không khí trong khu vực.