Khám phá được rút ra tiếp sau những phát hiện trước đây về sự liên quan giữa nạn ô nhiễm giao thông với tỉ lệ trẻ em bị tự kỷ cao.
Trong một loạt thử nghiệm mới, các nhà khoa học Mỹ đã cho chuột tiếp xúc với những mức độ ô nhiễm thường thấy ở các thành phố quy mô trung bình trong 2 tuần đầu tiên sau sinh. Họ sau đó đã tiến hành kiểm tra những con chuột thí nghiệm 24 giờ đồng hồ sau lần tiếp xúc ô nhiễm cuối cùng.
Kết quả hé lộ, tình trạng viêm lan tràn khắp bộ não của những con chuột. Các khoang não thất chứa đầy dịch ở cả hai bên bộ não cũng bị giãn rộng gấp 2 – 3 lần kích cỡ thông thường của chúng.
Giáo sư Deborah Cory-Slechta đến từ Đại học Rochester (Mỹ), người đứng đầu nghiên cứu, giải thích: “Khi quan sát cận cảnh các não thất của chuột, chúng tôi có thể nhìn thấy chất trắng, vốn thường bao quanh chúng, không phát triển hoàn toàn. Dường như, chứng viêm đã làm tổn hại các tế bào não và ngăn chặn vùng này của bộ não phát triển. Các não thất đơn giản đã giãn rộng để lấp đầy chỗ trống”.
Nhóm nghiên cứu phát hiện, cũng giống như ở người, các cá thể đực ở chuột bị ảnh hưởng nhiều nhất do tiếp xúc với ô nhiễm không khí.
Các chuyên gia tuyên bố, khám phá mới đã củng cố thêm bằng chứng cho thấy, tình trạng ô nhiễm không khí có thể là yếu tố tác động trong trường hợp bệnh tự kỷ và các rối loạn phát triển thần kinh khác.