"Hiện tượng mặt cầu Thăng Long bị lún, nứt chỉ sau chưa đầy ba tháng sửa chữa có thể do độ cứng của mặt đường chưa được đảm bảo, trong quá trình thi công đầm chưa chặt lớp bê tông rải phía trên, nên khi các phương tiện có trọng tải lớn hoạt động gây ảnh hưởng đến chất lượng công trình".
PGS. TSKH Nguyễn Văn Hùng, nguyên Hiệu trưởng trường ĐH Xây Dựng trao đổi xung quanh hiện tượng nứt, lún ở cầu Thăng Long.
Ông đánh giá như thế nào về những vết nứt, lún ở mặt cầu Thăng Long hiện nay?
Những vết nứt, lún xuất hiện chỉ mới sau chưa đầy ba tháng kể từ khi sửa chữa xong là không thể cho phép đối với một công trình cầu đường. Như vậy, công trình chưa đáp ứng được yêu cầu kĩ thuật, mỹ thuật đặt ra ban đầu.
PGS. TSKH Nguyễn Văn Hùng |
Có thể có những nguyên nhân nào dẫn đến hiện tượng trên ?
Để xảy ra hiện tượng như vậy phải đặt câu hỏi đối với vật liệu, công nghệ, quy trình thực hiện liệu có được đảm bảo hay không?
Lớp bê tông phía dưới đã ổn định, vì vậy khi cán lớp bê tông thứ hai thì vấn đề quan trọng là phải đảm bảo được độ cứng và sự kết dính của hai lớp bê tông với nhau.
Nguyên nhân dẫn đến hiện tượng trên có thể là do độ cứng của mặt đường chưa được đảm bảo từ mọi phía. Khi có lực nén sẽ dẫn đến hiện tượng nở hông, đùn vật liệu ra hai bên, tạo ra những vết nứt do bề mặt bê tông không chịu được sức kéo khi các phương tiên giao thông có trọng tải lớn hoạt động.
Còn nữa, thời gian hoàn thành việc sửa chữa mặt đường chỉ trong vòng hai tháng. Với thời gian gấp rút như vậy cũng không ngoại trừ những sai sót trong thi công.
Nếu hiện tượng trên không được sửa chữa kịp thời thì dẫn tới hệ quả gì?
Một trong những nguyên nhân làm cho mặt đường ở nước ta nhanh xuống cấp chính là nước. Nước mưa bị ô nhiễm chứa nhiều axit, nếu không được khắc phục kịp thời nước sẽ thẩm thấu và gây hư hỏng lớp bản thép, ảnh hưởng tới chất lượng và tuổi thọ của cầu.
Những vết nứt cũng có thể xấu hơn do việc hấp thụ nhiệt lớn của mặt đường.
Biện pháp khắc phục triệt để đối với những sự cố này?
Để khắc phục triệt để những vết nứt, lún ở cầu Thăng Long hiện nay thì cần phải tiến hành kiểm tra, xác định được nguyên nhân một cách cụ thể, sau đó mới có cách giải quyết thích hợp.
Trước mắt, cần phải tiến hành cào bóc, thảm lại những vùng bị ảnh hưởng để nó gây ảnh hưởng đến những khu vực khác cũng như đảm bảo được an toàn cho các phương tiện khi tham gia giao thông qua cầu.
Có ý kiến đổ lỗi cho việc nắm bắt công nghệ nước ngoài của lực lượng lao động ở nước ta hiện nay còn kém?
Được biết, việc sửa chữa mặt cầu Thăng Long được sử dụng công nghệ SMA nhập từ nước ngoài. Lao động xây dựng ở nước ta ngày càng có tay nghề cao và học hỏi cũng rất nhanh, việc chuyển giao công nghệ cũng phải trải qua một quá trình chặt chẽ.
Quan trọng nhất đối với một công trình xây dựng là kỉ luật lao động và các quy trình thực hiện phải được đảm bảo.
Xin cảm ơn ông !
Rút ngắn tới 40% thời gian thi công |
Sau 2 tháng tiến hành sửa chữa, cầu Thăng Long đã chính thức thông xe vào sáng 23/12, vượt dự tính ban đầu hơn 1 tháng. Như vậy so với tiến độ kế hoạch đã ký hợp đồng vượt được 1 tháng 8 ngày (vượt khoảng gần 40% thời gian so với kế hoạch). |
Dương Hưng
Theo Khoa học đời sống online