Hàng cây bị chặt nhường chỗ cho dự án mở đường và khu công nghiệp ở làng. Ập vào tôi là cảm giác nắng nóng trong xốn xang vô bờ. Đường đi học năm nào vẫn đây nhưng mà sao xa lạ, dù học trò trường làng vẫn hàng ngày qua lại.
Tôi đứng lặng, tìm lại tuổi mình như đã bị cuốn theo thời gian. Tôi muốn tìm lại hàng cây mà ngày xưa nhiều họa sĩ đã về điền dã, ngồi vẽ hàng giờ. Quê hương tôi cứ thế mà vào tranh, vào ảnh. Tôi lại nhớ đến những câu thơ của nhà thơ Phạm Đình Ân: “Trời nắng như lửa đốt/ Mà cây xanh cứ phơi/ Làm bóng râm che đất/ Làm bóng râm che người. Cây điều hòa khí thở/ Hoa quả thơm say mê/ Óng vàng vân thớ gỗ/ Cây xả thân quản gì”.
Cây bao giờ chả là lá phổi của xóm làng, là hình ảnh thân thương ở bất cứ nơi nào trên quả đất này. Chỉ ở phía cuối con đường này thôi, là làng tôi đó. Một góc của xã vùng trung du. Một khoảng trời của tôi cũng bồi đắp cho tôi bao kỷ niệm.
Chỉ cần đi về phía đó, núp dưới bóng mát của cây, tôi đã bồi hồi nhớ lại những kỷ niệm của tuổi thơ, ùa về một cách gần gũi, chân thực. Kỷ niệm tôi cùng lũ bạn thả diều, chăn trâu, hay chơi đồ hàng dưới gốc cây đa, những âm thanh rộn rã, tiếng cười nói nô đùa, chạy nhảy, thậm chí là những giọt nước mắt giận hờn của đám trẻ con tụi tôi đã mãi xa. Tôi cùng bố mẹ và chị ngồi dưới tán cọ, tán keo nghỉ ngơi sau những giờ gặt dưới cái nắng oi ả của mùa hè.
Kỷ niệm về tình yêu mới chớm đầu đời cùng anh hàng xóm, tôi có những buổi tối hẹn hò vội vã, kịp trao nhau những bức thư tay, những món quà đơn giản mà ấm áp, những cái nắm tay vội vàng…
Tất cả những cảm xúc vừa bình yên, vừa ấm áp đến lạ lùng ấy đã theo tôi đến giảng đường đại học, những hành trình trải nghiệm cuộc sống và cả bao chuyến đi xa. Tôi khao khát được quay lại ngày ấy, cái ngày tôi còn hồn nhiên tận hưởng cuộc sống, vô lo vô nghĩ.
Khi rời xa quê hương, đi học, ở nơi phố xá đông đúc, cây xanh cũng gợi cho tôi bao cảm xúc thân thương. Những hình ảnh quê được gợi lại. Dưới những bóng cây, những đứa trẻ thành phố không phải thu mình trong bốn bức tường, được hoà mình vào thiên nhiên, được thỏa sức chạy nhảy, nô đùa, đạp xe cùng bố mẹ trong khuôn viên của công viên, của khu vui chơi ngoài trời.
Hình ảnh những gia đình nhỏ, chiều chiều sau giờ làm việc căng thẳng, trở về nhà trở thành những ông bố, bà mẹ của gia đình. Họ dành cho nhau những ánh mắt trìu mến, những cái ôm ấm áp, những sự quan tâm. Phải chăng đó là khoảng thời gian yên bình, hạnh phúc nhất, nó gắn kết các thành viên trong gia đình. Cũng dưới bóng mát của cây xanh những cụ ông, cụ bà, các bạn trẻ đi bộ, tập luyện sức khỏe, nơi bà hàng nước tiếng cười, nói xôn xao.
Trong không khí rộn rã tôi cảm thấy tâm hồn mình chậm lại nhường chỗ cho những khoảng lặng riêng, để rồi có lúc tôi núp vào bóng cây như núp vào bóng mẹ. Như núp vào sự thân thương cho vơi bớt những nhọc nhằn của cuộc sống mưu sinh học hành. Cũng có lúc cảm giác tôi núp vào bóng một người bạn, lạ lùng, cho tôi những kỷ niệm, mở cho tôi một bóng mát khác.
Ở phố xá, có lúc những cây cổ thụ bị chặt nhường chỗ cho các dự án, các khu công nghiệp. Cảnh tượng đau đến nhói lòng! Đó là sự đánh đổi, đôi khi xót xa. Nhưng dòng đời mà, có những thứ ta phải chấp nhận, song có những điều chúng ta có thể chủ động. Là thương lấy những hàng cây. Để có lúc ta được thảnh thơi núp vào đó, như để được che chở, như để được hưởng bóng mát bình yên. Cuộc đời cần lắm những bóng cây, như cần lắm những điều nhân nghĩa.