Cũng không rõ nghề làm hoa giấy, hoa lụa ở Hà Nội có tự bao giờ. Khó mà nói được hoa nào đang lấn át hoa nào trên thị trường cũng như trong thú thưởng ngoạn hoa của người Hà Nội. Trong dòng hoa lụa, được biết đến nhiều nhất là hoa của nghệ nhân trẻ tuổi Mai Hạnh ở phố Chả Cá.
Con người ta có hai cái thú, hai thứ trên đời được quan tâm, ấy là ăn ngon và thưởng lãm cái đẹp. Hai cái thú thanh tao ấy là sự hài hòa vật chất, tinh thần tự nhiên của con người sành điệu. Con phố Chả Cá, trung tâm phố Cổ Hà Nội đem đến cho dân Hà thành hai vẻ đặc sắc ấy. Và một điều lý thú nữa, chính gia đình sinh thành nghệ nhân Mai Hạnh đã cống hiến cho con phố cả hai giá trị đó là quán Chả cá Lã Vọng và cửa hàng hoa lụa hàng đầu danh tiếng Hà Nội.
Cụ thân sinh nghệ nhân làm hoa lụa Mai Hạnh là nghệ nhân Đoàn Thị Thái, đã được Hội Mỹ thuật Việt Nam tôn vinh là đôi bàn tay vàng vì đã gìn giữ, bảo tồn và mở mang loại hình hoa giấy, hoa lụa đặc sắc này: Hoa lụa Mai Hạnh.
Mai Hạnh vào nghề từ giữa thập kỷ sáu mươi của thế kỷ trước trong một hoàn cảnh khá đặc biệt. Ấy là khi chị xuống hầm theo tiếng còi báo động máy bay Mỹ đến oanh kích Hà Nội. Tiếng còi rú lên dồn dập, thúc bách khiến chị không may gặp tai nạn. Vậy là suốt nhiều tháng, bà mẹ chăm sóc cô con gái út và tỉ mẫn truyền nghề cho cô. Và cũng từ lúc nào, chính Mai Hạnh cũng không nhớ, niềm say mê, tài hoa của người mẹ đã truyền sang người con gái để cô say mê với công việc tỉ mẩn cắt tỉa, uốn gấp từng mảnh giấy màu, vải màu, lụa màu. Khi chấn thương không còn giữ chân Mai Hạnh tại nhà nữa, cũng là lúc cô thành thạo đôi tay, cùng mẹ thử sức trên nhiều loại hoa quen thuộc. Thoạt đầu là hoa dâm bụt rồi dần dà sang hoa sen, hoa lan, hoa lay ơn… Chị nhớ lại:
- Những năm tháng ấy khó quên lắm. Hai mẹ con chúng tôi tìm vào những hợp tác xã may mặc, những hiệu may nhỏ lẻ để nhặt lấy từng mảnh lụa nhỏ, thừa thẹo. Về nhà hai mẹ con lại giặt giũ, phơi phóng, là thẳng và lựa chọn. Rồi từ những mảnh lụa nhỏ bé vô nghĩa ấy hiện dần lên những cánh hoa hồng, hoa sen qua đôi bàn tay hai mẹ con. Đôi khi chính mình cũng ngỡ ngàng với công việc của mình nữa đấy.
Nhưng cô con gái út đã sớm hé lộ những ý tưởng riêng. Học mẹ, nhưng hoa của Mai Hạnh có nét riêng khó lẫn vào đâu được. Điều này đã đem đến niềm vui thầm lặng trong đôi mắt người nghệ nhân già. Vậy là nghề cổ của gia đình đã được trao gửi lại cho thế hệ trẻ, cô con gái nhỏ tài hoa. Bà không còn nỗi áy náy riêng về sự thất truyền một nghề sang trọng của gia đình, cũng như của đất Hà Nội yêu dấu của bà nữa.
Từ những năm đầu xuất hiện trong làng hoa lụa Hà Nội, những chùm hoa păng xê, phong lan, dâm bụt với nét riêng của mình, Mai Hạnh đã thu hút đôi mắt người sành điệu. Ấy là sự nuột nà của lụa, sự duyên dáng, mềm mại của những cánh hoa, sự hấp dẫn đặc sắc của màu. Hoa lụa Mai Hạnh trở thành địa chỉ lui tới của nhiều vị khách yêu và trân trọng tài nghệ của hoa lụa. Trong số đó có cả những vị mang quốc tịch nước ngoài. Nhiều người muốn biết bí quyết mang dấu ấn nghề nghiệp gia truyền. Nhưng chị lại nói giản dị:
- Cứ nghĩ là bí quyết cao siêu, nhưng chẳng có gì nhiều đâu. Tỉ mỉ, sáng ý một chút là học được những thao tác cơ bản để tạo nên hoa. Nhưng còn để hoa có sắc thái riêng của mình thì ấy là tài hoa, tư chất của mỗi người. Mình có sống mãi được đâu mà phải giấu nghề. Tôi cứ nghĩ, còn mắt, còn tay, còn ý tưởng gì trong mình, tôi chỉ muốn nhanh chóng truyền lại cho lớp trẻ để giữ lấy một nét tinh hoa của người Hà Nội mình.
Ngày nay trên thị trường có vô vàn hoa từ nhiều miền đổ về Hà Nội. Hoa giấy, hoa lụa tinh xảo của Thái, của Trung Hoa tràn ngập trên các quầy bán hoa. Những nhành hoa đó được sản xuất trên dây chuyền công nghệ bắt mắt, lại rẻ. Nhưng Mai Hạnh không ham nghĩ đến công nghệ trong công việc tinh xảo này. Chị nói, nét tinh tế, mềm mại nằm ở trong đôi bàn tay. Nó cho phép người nghệ sĩ tạo ra nhiều sắc thái, dáng nét hoa để không một bông nào lặp lại nhàm chán một khuôn mẫu. Ấy mới đích thực là nghệ thuật.
Ừ nhỉ. Trong tự nhiên nào có bông hoa nào giống y nhau đâu. Bởi vậy lò hoa của Mai Hạnh bắt chước thiên nhiên đa dạng lại có nét duyên, mềm mại từ bàn tay mẫn cảm của con người tài hoa tạo nên. Hoa lụa mà rất thực, thực như hoa trong vườn, trên đồng nội. Thực đó nhưng vẫn là hoa làm từ vải lụa nuột nà, duyên dáng. Đó là những bông hoa đã được con người kín đáo gửi hồn vào trong đó.
Học trò của Mai Hạnh đến từ nhiều nơi. Và thật thú vị, trong số học viên trẻ có cả các cô gái đến từ Pháp, Thụy Điển, Canada, Anh, Mỹ... Một cô gái Pháp, khi về nước đã mở lớp dạy làm hoa tại thành phố quê hương mình. Cô đã tự làm vòng hoa lụa cài trên mái tóc óng ả trong ngày hôn lễ. Bức ảnh sang trọng cùng vòng hoa lụa duyên dáng, cô dâu đã gửi về Việt Nam. Đó là quà tặng gửi đến cô giáo làm hoa Mai Hạnh. Nghệ nhân thú vị tỏ bày:
- Mẹ tôi biết chuyện này hẳn không còn thấp thỏm lo nghề thất truyền. Nghề làm hoa lụa không mất đi, mà vốn tài hoa đất Việt này còn có dịp đến với người yêu hoa lụa ở nhiều vùng lãnh thổ khác nhau trên thế giới.
Như Nguyễn