Khi nuôi con không còn là bản năng
Theo các chuyên gia, một trong những khó khăn lớn nhất hiện nay trong việc giáo dục kỹ năng cho con trẻ chính là bố mẹ cũng thiếu kỹ năng trầm trọng. Cũng như họ thiếu định hướng trong việc giáo dục con cái, không bắt nhịp kịp với sự thay đổi của cuộc sống, lúng túng giữa phương pháp giáo dục truyền thống và các phương pháp hiện đại.
Giữa những tác động phức tạp của cuộc sống ngày nay, cha mẹ không thể chỉ yêu thương con bằng bản mà đòi hỏi phải có kỹ năng, phương pháp. Việc cha mẹ tìm đến các lớp học dạy con là điều đáng khuyến khích, ít nhiều cho thấy phụ huynh đã quan tâm đến việc giáo dục con một cách khoa học hơn, hoặc họ thấy “lỗ hổng” của mình trong việc dạy con. Nắm được vấn đề này nhiều lớp học dạy nuôi con của các trung tâm giáo dục ngày càng nở rộ.
Từ các lớp học tiền sản cho tới việc nuôi dạy con vị thành niên. Các lớp học này đề cập tới tất cả những vấn đề lớn nhỏ liên quan tới việc nuôi con, từ cách cho con uống sữa tới kiểm soát lời ăn, tiếng nói khi giao tiếp với con, dạy con thành người tài giỏi…
Chị Nguyễn Quỳnh Liên (quận Đống Đa, TP Hà Nội) đang mang bầu đứa con đầu lòng ở tháng thứ 5, theo lời giới thiệu của một người bạn mới đây chị vừa đăng kí tham gia một lớp học trực tuyến có tên “Thai giáo và Yoga cho mẹ khỏe, bé thông minh”. Thậm chí, trung tâm này còn cấp bằng chứng nhận đã hoàn thành khóa học cho các học viên.
Theo quảng cáo của trung tâm, khóa học này sẽ có tới 47 bài giảng bao gồm việc hướng dẫn các bà bầu tập yoga, dạy về thai sản, dinh dưỡng cho mẹ và bé, phòng bệnh cho con… tất cả những bài học này đều được dạy trực tuyến. Tuy nhiên, chị Quỳnh Liên chỉ theo học một nửa vì nhận ra khóa học không hữu ích và an toàn như những lời quảng cáo.
Cha mẹ cũng cần biết lắng nghe con |
Bởi việc tập Yoga đòi hỏi nhiều kỹ năng rất khó, người bình thường nếu không cẩn thận cũng dễ gặp chấn thương chứ không nói gì đến mẹ bầu. Do lớp học online không được giáo viên hướng dẫn tận nơi, nhìn thấy những động tác khá nguy hiểm cho mình và thai nhi như vặn hông, uốn lưng… chị Liên đã đành bỏ dở dù đã đăng kí cả năm. Đã có hai cậu con trai đang học lớp 4 và 1 tại quận Tây Hồ (TP. Hà Nội), anh Trần Hoàng Chung cho biết, lúc đầu rất quan tâm tới các lớp học được quảng cáo nuôi dạy con tốt, giúp con học giỏi.
Cuối cùng vợ chồng anh đã lựa chọn một lớp học với tên gọi “Cha mẹ giỏi con sẽ thành công”. Khóa học đó có giá là 3 triệu đồng cho 4 buổi học. “Sau tìm hiểu, tôi biết đa số các chuyên gia dạy mình toàn là người… chưa có con. Học xong mới thấy những bài học đó toàn là lý thuyết và rất khó áp dụng ở VN. Tôi nhận ra do nền tảng của mình không như thế, chính mình cũng không được giáo dục như vậy nên khó có thể áp dụng cho con mình. Hơn nữa, môi trường xung quanh khó giúp cho mình có cơ hội giáo dục con như vậy”, anh Hoàng Chung chia sẻ.
Anh Hoàng Chung cho rằng, những lớp học ngày càng được quảng cáo tràn lan trên mạng, đánh trúng vào tâm lý của phụ huynh, thường là luôn muốn con mình giỏi, ngoan ngoãn, đạt điểm cao, lớn lên thành công trong cuộc sống… Mọi phụ huynh khi tham gia các lớp học dạy nuôi con đều khao khát về nhà có thể áp dụng thành công.
Tuy nhiên, chính anh Hoàng Chung lại nhận ra rằng: “Không có lý thuyết nào có thể áp dụng cho mọi đứa trẻ. Mỗi đứa trẻ sẽ có một tố chất, năng lực riêng, học giỏi và thành công hay không sẽ phụ thuộc vào nhiều yếu tố chứ không riêng gì cha mẹ. Việc của cha mẹ là quan tâm, khuyến khích, động viên tinh thần con là đủ”.
Cần nhưng phải tỉnh
Các kết quả nghiên cứu thực tiễn ở Việt Nam cho thấy, hỗ trợ làm cha mẹ vẫn còn là khoảng trống rất lớn. Trước khi bước vào hôn nhân hầu như thanh niên chua được trang bị kiến thức, kỹ năng và thái độ cần thiết để làm cha, mẹ. Trong quá trình chăm sóc, nuôi dạy con, cha mẹ cũng thiếu thông tin khoa học và thiếu sự hỗ trợ cần thiết để giải quyết các vấn đề liên quan đến sự phát triển toàn diện của trẻ. Kiến thức, kỹ năng của cha mẹ về đặc điểm, nhu cầu phát triển của con, cách tác động phù hợp đến trẻ tạo cơ hội cho trẻ phát triển, cũng như ảnh hưởng của việc làm cha mẹ đối với kết quả phát triển của trẻ còn rất hạn chế.
Nhà giáo nhân dân, PGS.TS. Nguyễn Võ Kỳ Anh, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Giáo dục Phát triển tiềm năng của con người (IPD) chia sẻ, từ năm 1986 ông đã thực hiện công trình nghiên cứu về giáo dục cha mẹ ở Thanh Hóa và một số tỉnh lân cận. Đây là một chương trình khá công phu, cũng đánh giá được thực trạng rằng kiến thức, kỹ năng của cha mẹ kém. Kể từ thời điểm đó, đã nhiều năm trôi qua nhưng thực tế hiện nay cũng không hơn được mấy.
Từ những thực tế đó có thể thấy rằng các lớp học dạy kỹ năng cho các bậc làm cha mẹ là vô cùng cần thiết tại Việt Nam. Tuy nhiên, với ngay cả phụ huynh có ý thức đi học thì việc chọn lựa chương trình, việc áp dụng sao cho bài học phù hợp và hiệu quả đối với đặc trưng của nhà mình không phải là bài toán dễ giải. Trên thực tế, đội ngũ các chuyên gia được giới thiệu tại các trung tâm kỹ năng tại Việt Nam rất phong phú cả về số lượng và trình độ.
Có rất nhiều người không có chuyên môn về lĩnh vực đào tạo phát triển bản thân, giáo dục gia đình… vẫn tự xưng là chuyên gia. Rất nhiều người nổi tiếng là chuyên gia ở lĩnh vực khác, nhưng có chút duyên ăn nói, có ngoại hình đẹp, xuất bản được vài tác phẩm “bỗng dưng” trở thành chuyên gia để rao giảng những bài học về nuôi con cho người khác.
Theo Thạc sĩ Xã hội học Phạm Thị Thúy (Học viện Hành chính TP HCM), những bài học, lời khuyên của chuyên gia đủ kiểu ấy, nếu phụ huynh không tỉnh táo và vội nghe lời quảng cáo mà tin là lời vàng ý ngọc thì sẽ rất nguy hiểm. Khi áp dụng những bài học đó vào việc nuôi dạy con cái sẽ rất dễ đi sai đường. Phụ huynh chỉ nên xem những khóa học này là tài liệu tham khảo bởi mỗi gia đình có một nền tảng và truyền thống khác nhau, con trẻ cũng mỗi người một nết.
Nguy hại hơn khi có nhiều cha mẹ khi tham gia xong các lớp học sẽ có xu hướng “ép” con mình vào những điều mình được nghe, được học mà không biết có hợp với tính cách, tâm lý của đứa trẻ hay không. Chính việc tiếp cận với nhiều phương pháp giáo dục hiện đại bên ngoài của các bậc làm bố làm mẹ, trong gia đình cũng rất dễ phát sinh các mâu thuẫn về việc dạy con.
Thực tế, công tác quản lý của Việt Nam với các lớp học này vẫn còn hạn chế, do đó chưa lấy gì làm đảm bảo chất lượng cho chúng. Chính vì thế, phụ huynh phải tỉnh, tìm hiểu thông tin kỹ lưỡng, nhiều chiều để chọn lọc và chắt lọc, không nghĩ đơn giản “tiền nào của nấy” để tránh đầu tư vào chương trình không xứng đáng.