Nhà giáo dục người Pháp Rousseau từng nói: “Bạn có biết phương pháp giáo dục nào khiến đứa trẻ trở nên bất hạnh không? Đó chính là việc đáp ứng mọi yêu cầu của chúng”.
Vì sao những đứa trẻ trở nên ương bướng
Hàng ngày, chúng ta vẫn được nghe một người mẹ, người bố, ông bà nào đó nói về tính “ương bướng” của em bé. Nhiều phụ huynh đều tự nhận “con nhà mình bướng lắm”, không chịu nói lời xin lỗi khi làm chuyện sai với người xung quanh, càng không biết nói lời cảm ơn khi được giúp đỡ.
Chị Phương có cô con gái nhỏ Liên Anh (4 tuổi, Ý Yên, Nam Định) than vãn trên mạng xã hội rằng, con chị rất bướng, không chịu xin lỗi. Bố đánh bao nhiêu roi cũng nhất định không xin lỗi, dọa nạt bao nhiêu cũng không sợ. Chỉ đến khi bố bế bỏ ra ngoài cửa nhà đóng cửa lại bảo đuổi đi mới chịu xin lỗi. Còn chị Trần Thu (Cầu Giấy, TP. Hà Nội) dạo gần đây vô cùng buồn lòng vì cậu con trai đang bước sang tuổi 15, vào dịp sinh nhật con vợ chồng chị mua cho con một chiếc điện thoại Iphone 6 làm quà.
Khi mở quà ra, con trai chị liền tỏ ra không thích, giận dỗi và nói “Giờ ai còn dùng điện thoại đời cũ này nữa” rồi vứt món quà trước sự ngỡ ngàng của người thân. Vợ chồng chị Thu đều làm công việc kinh doanh nên khá bận rộn, từ nhỏ hai vợ chồng đã không có nhiều thời gian chăm sóc con. Mọi việc nuôi dưỡng đều nhờ vào ông bà, hai vợ chồng đều cố gắng chu cấp đầy đủ nhất cho con về vật chất, không để con thiếu thốn.
Dạy trẻ biết yêu thiên nhiên, biết nâng niu những mầm xanh |
Đáp ứng mọi yêu cầu của con trai là việc tốt nhất mà vợ chồng chị Thu nghĩ rằng có thể bù đắp cho sự thiếu thốn khi bố mẹ không thường xuyên ở bên cạnh. Từ nhỏ đã không phải làm việc gì nên con chị Thu lớn lên đúng nghĩa “công tử bột”. Những công việc tối thiểu như quét nhà, phơi quần áo, nấu cơm… cậu đều không biết.
Thái độ tồi tệ của con trai vào buổi sinh nhật mới chợt khiến vợ chồng chị Thu giật mình suy xét lại cách nuôi dạy con của mình. Trong quá trình nghiên cứu, tiến sĩ Tim Elmore (Quốc tịch Mỹ), chuyên gia lãnh đạo, tác giả của nhiều cuốn sách tâm lý học bán chạy nhất đã phát hiện ra một số sai lầm chính mà các bậc cha mẹ thường mắc phải khi nuôi dạy con cái.
Những việc làm này có thể làm giảm sự tự tin của con, hạn chế cơ hội để thành công trong sự nghiệp và cuộc sống. Trong đó, ông cho rằng những bậc cha mẹ hiện đại thường mắc sai lầm ở việc quá nuông chiều con. Theo ông, các bậc cha mẹ nên nhớ rằng “con cái có thể nhanh chóng vượt qua sự thất vọng, nhưng không thể vượt qua được hậu quả của việc được nuông chiều”.
Vì vậy, khi cần thiết, hãy học cách nói “Không”, “Không phải bây giờ” để con tự biết phấn đầu và cố gắng cho những gì chúng muốn. Cha mẹ thường động viên và khích lệ con bằng cách thưởng cho con mọi thứ chúng muốn. Như vậy, bạn đã bỏ lỡ cơ hội cho con thấy rằng thành công phụ thuộc vào hành động.
Cha mẹ hãy là tấm gương sáng cho con
Theo các chuyên gia tâm lý, trẻ con rất hay quan sát và bắt chước bố mẹ, những người gần gũi xung quanh mình trong cách nói năng và cư xử hàng ngày. Vì thế, các bậc cha mẹ hãy làm một tấm gương sáng cho con trẻ noi theo. Cha mẹ Việt thường mắc lỗi trong việc dạy con nói “Cảm ơn” và “Xin lỗi” một cách gượng ép.
Để tránh được điều đó, ngay từ nhỏ khi con trẻ giúp bố mẹ làm một việc tưởng chừng rất đơn giản như cho một chiếc bánh, các bậc phụ huynh khi đó nên nói với con lời cảm ơn. Và khi không thể thực hiện lời hứa nào đó với con thì hãy nói lời xin lỗi. Việc nói “Cảm ơn”, “Xin lỗi” là một cách cha mẹ đang tôn trọng con và tôn trọng chính mình. Một đứa trẻ biết xin lỗi vốn không phải là 1 đứa trẻ đụng đâu cũng xin lỗi.
Cha mẹ cần phải dạy cho con cả những thứ mà trẻ không cần phải xin lỗi. Và một đứa trẻ biết cảm ơn cũng vậy. Các bậc cha mẹ không nên dạy con biết cảm ơn kiểu “cửa miệng”. Lời “Cảm ơn” và “Xin lỗi” phải thực sự xuất phát từ suy nghĩ và nhận thức của trẻ thì sẽ là một con người văn minh. Điều này cũng sẽ giúp con trẻ trở nên tự tin hơn trong cuộc sống.
Cha mẹ luôn là tấm gương cho con cái |
Sự yêu thương chăm sóc thái quá của cha mẹ đã tước đi cơ hội trải nghiệm mặt trái của cuộc sống đối với con trẻ. Trên thực tế, sự yêu thương chăm sóc thái quá của cha mẹ đã tước đi cơ hội trải nghiệm mặt trái của cuộc sống đối với con trẻ. Và kết quả là chúng không hiểu được rằng, sự ngọt ngào chỉ có thể được tìm thấy từ trong cái đắng cay của khổ cực. Một đứa trẻ có lòng biết ơn sẽ biết cảm kích những điều người khác làm cho mình, trân trọng tất cả những gì mình có được, từ đó mới cảm thấy hạnh phúc và hài lòng vì những gì đã có.
Là những bậc làm cha làm mẹ, chúng ta hãy luôn ghi nhớ rằng: Nếu bạn không muốn nuôi dưỡng con cái mình trở thành loài “lang sói” thì nhất thiết đừng làm thay con quá nhiều việc, đừng nên khuyến khích con chỉ biết nhận về mà không biết hổ thẹn. Và quan trọng nhất là hãy dạy chúng cách biết ơn. Trong cuộc sống hằng ngày, cha mẹ có thể tận dụng mọi lúc mọi nơi để giúp con học cách biết ơn người khác, và bắt đầu từ việc cảm ơn cha mẹ.
Chị Nguyễn Hải Bình, mẹ của cậu bé đa tài Ngô Hải Nhất Minh (sinh năm 2003, hiện là học sinh trường THPT nội trú Iolani, Mỹ), nói được 8 thứ tiếng, đỗ 5 trường THPT tại Mỹ nhấn mạnh đến việc xây dựng cho con giá trị đạo đức và giá trị sống ngay từ khi còn nhỏ. “Tôi cho rằng dạy dỗ con trẻ không cần những điều to tát, chỉ cần quan tâm, thấu hiểu và chia sẻ với trẻ… Dạy con trở thành người có nhân cách tốt "Thành nhân trước khi thành tài". Giữa cuộc sống hối hả và thay đổi từng ngày, tôi và chồng luôn có ý thức dạy con hình thành, nuôi dưỡng và duy trì những giá trị đạo đức, giá trị sống như: sự tự tin, tính tự lập, tính kỷ luật, trung thực, cảm thông, yêu thương…”, chị Nguyễn Hải Bình chia sẻ về bí quyết nuôi dạy con.
Trên hết, chị Bình cho rằng giá trị gia đình chính là nền tảng giáo dục tiên quyết, tình yêu thương vô bờ của ông bà, cha mẹ đối với con cái và ngược lại. Những điều đó sẽ ảnh hưởng đến sự phát triển toàn diện về tinh thần lẫn thể chất của trẻ ngay từ khi mới sinh ra và trưởng thành về sau. Vì vậy, mặc dù rất bận rộn nhưng vợ chồng chị Bình luôn duy trì thói quen thường xuyên cho con về thăm ông bà nội, ngoại để con hình thành thói quen biết quan tâm, chăm sóc những người thân trong gia đình.
Từ nhỏ, vợ chồng chị Bình luôn giao những nhiệm vụ nho nhỏ và dễ dàng cho con như: Tự thu dọn đồ chơi và sắp xếp chúng trên các giá, kệ… gọn gàng, ngăn nắp, hoặc khi vào nhà vệ sinh phải đi dép theo quy định... không cần ba mẹ nhắc. Cậu bé Nhất Minh cũng được dạy luôn phải biết tôn trọng người khác. Nếu không được nuôi dạy đức tính này từ nhỏ sẽ rất khó để điều chỉnh thái độ và hành vi của trẻ khi lớn lên.
Nếu sau này con thành đạt mà thiếu tính cách này, con trẻ sẽ dễ coi thường mọi người. “Trong bản năng của trẻ không tự nhiên xuất hiện những câu “Cảm ơn” hoặc “Xin lỗi” nếu trẻ không được người lớn hướng dẫn và nhắc nhở thường xuyên. Chúng tôi đã dạy con ngoan làm quen với những câu nói đó từ nhỏ”, chị Bình cho hay.