Nước sạch, giá rẻ… về quê
Sau 5 năm thực hiện mô hình kết hợp cấp nước uống tinh khiết trực tiếp tích hợp năng lượng mặt trời (NLMT) một trong những sáng kiến về giải pháp nước sạch — năng lượng xanh cho các cộng đồng nông thôn Việt Nam được Trung tâm Phát triển Sáng tạo Xanh (GreenID) triển khai ở một số địa phương phía Bắc như xã Bắc Hải (huyện Tiền Hải, tỉnh Thái Bình), xã Hải Chính và xã Hải Hà (huyện Hải Hậu, tỉnh Nam Định) và nay đang được thực hiện tại xã Tư Mại, huyện Yên Dũng tỉnh Bắc Giang.
Mô hình cấp nước uống trực tiếp công nghệ RO tích hợp sử dụng pin NLMT để giảm thiểu chi phí lọc nước cho công nghệ RO, do GreenID triển khai không những giải quyết được nhu cầu nước sạch cho các cộng đồng nông thôn mà còn sử dụng nguồn năng lượng xanh, góp phần bảo vệ môi trường. Đặc biệt, mô hình mang lại cơ hội được tiếp cận nguồn nước sạch với chi phí phù hợp cho người dân nghèo địa phương.
Cầm trên tay 2 chiếc can nhựa 20 lít, bác Ngụy Văn Đóa, thôn Đông Khánh, Tư Mại, vui vẻ chia sẻ: “Đã nhiều năm nay gia đình tôi không có nước sạch mà dùng, mặc dù gia đình cũng có mua máy lọc nước kangaroo nhưng cũng chỉ được một thời gian, rồi nước lại chuyển màu đục vàng, ăn uống toàn phải mua nước với giá 12.000 đồng/bình; tiết kiệm lắm tháng cũng phải mất 10 — 20 bình, tốn khoảng 120.000 — 140.000 đồng. Nhiều nhà không có điều kiện thì dùng nước giếng khơi bị nhiễm sắt, đá vôi hoặc có nhà phải hứng nước mưa để ăn. Nay có nước sạch mà nấu ăn, sinh hoạt, chỉ cần mất 2.000 đồng là được 1 can 20 lít rồi. Hơn nữa chất lượng nước được kiểm dịch từ Bộ Y tế nên bà con chúng tôi rất an tâm sử dụng”.
Cùng niềm vui, bác Nguyễn Thị Toan, chia sẻ: “Kể từ ngày hệ thống cấp nước sạch RO tích hợp sử dụng pin NLMT, bà con chúng tôi phấn khởi lắm, vừa được dùng nước sạch, chi phí lại rẻ. Hàng ngày mỗi người đến lấy nước đều trả cho tôi 2.000 đồng/can 20 lít, số tiền này một phần trích vào ngân quỹ một phần chi trả cho người trông coi. Việc sử dụng NLMT vào hệ thống nước RO giúp tiết kiệm được 50-60% tổng mức điện tiêu thụ cho việc sản xuất nước”.
Ông Nguyễn Thế Thiết — Phó Chủ tịch UBND xã Tư Mại cho biết: “Nhờ hệ thống cung cấp nước sạch RO, khoảng 60% người dân trong xã, tương đương 5000 người dân đã được tiếp cận nguồn nước sạch với giá rẻ. Nếu trước đây người dân phải trả 12.000 đồng để mua một bình nước uống đóng chai 20 lít, thì bây giờ họ chỉ phải trả có 2.000 đồng, giảm 1/6 chi phí so với trước đây, trong khi chất lượng nước lại đảm bảo, đã được kiểm nghiệm theo quy định của Bộ Y tế. UBND xã cũng mua nước tại các điểm cấp nước này để sử dụng và đang khuyến khích các trường học trên địa bàn xã sử dụng thay thế nước mua ngoài thị trường để giảm chi phí đóng tiền nước cho các em học sinh mà lại vừa bảo vệ sức khỏe”.
“Đây là hệ thống hết sức thiết thực và hiệu quả với người dân chúng tôi, hệ thống nước sạch được cung cấp với chi phí rẻ, đảm bảo chất lượng nước đã góp phần quan trọng trong việc đảm bảo sức khoẻ và nâng cao giá trị cuộc sống. Phí thu được từ việc bán nước được sử dụng để chi trả cho người vận hành, thay thế, sửa chữa và bảo trì hệ thống. Phần dư ra sẽ được sử dụng cho các quỹ phúc lợi của xã như quỹ khuyến học, làm đường…”, ông Thiết chia sẻ.
Chi phí thấp… tiềm năng giá trị lớn
Với mong muốn mô hình này sẽ được nhân rộng ở các cộng đồng nông thôn để có thêm nhiều người dân được tiếp cận với nguồn nước uống sạch, chi phí thấp, anh Lê Ngọc Sơn — điều phối viên Trung tâm phát triển Sáng tạo xanh GreenID nhấn mạnh: “Chúng tôi tin tưởng với cơ chế quản lý, vận hành minh bạch, rõ ràng, và những lợi ích thiết thực, công trình cấp nước sạch sử dụng năng lượng xanh tại xã Tư Mại sẽ đóng góp quan trọng trong việc đảm bảo nguồn nước uống sạch để bảo vệ sức khỏe cộng đồng. Thành công của mô hình này sẽ được lan tỏa và trở thành thực tiễn tốt được đưa vào chính sách và khuyến khích áp dụng rộng rãi ở các cộng đồng nông thôn Việt Nam”.
Cũng theo anh Sơn, mô hình cấp nước sạch này bao gồm hệ thống một dàn pin NLMT nối với hệ thống điện lưới và hệ thống lọc nước RO gồm 4 máy. Khi hệ thống NLMT tạo ra dòng điện 1 chiều (DC power), dòng điện được dẫn tới bộ đổi nguồn điện (Inverter). Inverter này được nối vào hệ thống điện lưới. Một công tơ được lắp với Inverter này để đo lượng điện sản sinh ra từ hệ thống NLMT. Dòng điện mặt trời được nối vào hệ thống điện nội bộ, cung cấp điện cho hệ thống RO. Khi hệ thống RO không hoạt động, lượng điện sản sinh ra sẽ cung cấp cho các mục đích sử dụng khác.
Hệ thống lọc nước uống tinh khiết sử dụng công nghệ lọc RO ngược này bao gồm 4 máy. Nước nguồn từ trạm cấp nước sinh hoạt được dẫn qua cột lọc thô để loại bỏ các tạp chất và cặn bẩn, sau đó chuyển tiếp qua các cột lọc thô khác gồm: Cột cát thạch anh, cột than hoạt tính, cột cation và cột anion. Cột lọc cát loại bỏ chất rắn lơ lửng, sắt và một phần Asen trong nước. Than hoạt tính khử các chất bẩn, COD, các chất hữu cơ hòa tan, một phần kim loại nặng, khử mùi và lượng dư khí Clo. Cột cation có chức năng chủ yếu làm mềm nước, tức là hấp thụ Ca 2+ và Mg 2+. Cột Anion có chức năng khử mặn nên tùy điều kiện từng vùng sẽ quyết định có cần hay không. Sau đó nước được lọc thô 1 lần nữa rồi chuyển qua cột lọc RO, công nghệ thẩm thấu ngược, tại đây nước sẽ được làm sạch tinh khiết và có thể sử dụng để uống và sinh hoạt.
“Để đảm bảo nguồn nước được tinh khiết cần có thêm bộ đèn UV diệt khuẩn và máy khử ozon chống tái nhiễm khuẩn trong trường hợp nước bị lưu lại trong bồn mà chưa sử dụng hết. Chi phí đầu tư của hệ thống khoảng 400-500 triệu đồng tùy thuộc quy mô và công suất hệ thống là lựa chọn phù hợp cho các cộng đồng ở nông thôn Việt Nam để giải quyết nhu cầu uống nước sạch cho người dân. Đây là hệ thống hoàn toàn tự động nên việc vận hành và bảo dưỡng định kỳ sẽ không gặp khó khăn gì”, anh Lê Ngọc Sơn nói.