Một lễ cưới đơn giản, tiết kiệm mà trang trọng, lành mạnh là thể hiện nếp sống văn hóa. Vậy nhưng, có nhiều hôn lễ đã không thành, lý do không phải từ đôi bạn trẻ. Bởi chỉ vì chút vật chất, nhiều bậc phụ huynh đã phá tan hạnh phúc của con cái mình.
|
ảnh minh họa |
Thách cao để tránh tiếng con gái “đại hạ giá”
Trần Trọng Ninh (24 tuổi) và Thu Huệ (20 tuổi) đều ở Đồng Sâm (Thái Bình) yêu nhau thấm thoắt đã ba năm. Ninh tài giỏi, sống trách nhiệm còn Huệ đảm đang, hiền thục. Họ hàng hai bên đều khen họ xứng đôi vừa lứa. Trọng Ninh tìm được công việc tại một xí nghiệp nhà nước, Lê bán hàng tạp hóa tại nhà. Việc làm ổn định, tình cảm chín muồi, họ cùng nhau bàn tính chuyện tương lai.
Bà Minh Hương- Trung tâm tư vấn- gia đình Minh Trang: Bằng giấy ĐKKH, luật pháp bảo vệ những đôi vợ chồng dũng cảm bước qua hủ tục thách cưới Thời nay tôn trọng tự do luyến ái hôn nhân, luật hôn nhân mới đã giải phóng cho nam nữ thanh niên, nhưng luật tục thách cưới còn gò bó, trói buộc. Thách cưới cũng là một lệ tục lạc hậu rơi rớt lại, trói buộc cả nhà trai lẫn nhà gái, có khi làm cho chàng rể phải bỏ cuộc mà nỗi thiệt thòi nhất lại rơi vào thân phận người con gái. Dẫu sao cũng mang tiếng một đời chồng, làm cho những chàng trai khác phải ngại, xui nên phận hẩm duyên hiu. Cũng có đám nhà trai phải chạy ngược chạy xuôi, lo xong việc rồi kéo cày trả nợ. Ngay từ buổi thành hôn, nghĩa vợ chồng, tình thông gia đã bị sứt mẻ, đó là mầm mống gây nhiều bất trắc về sau. Về tập quán thách cưới, pháp luật nước ta không điều chỉnh nên không thể can thiệp. Trong cuộc sống, những gì trái với sự tiến bộ, rồi dần dần cũng sẽ bị đào thải, nhưng phải trải qua thời gian dài. Nếu đôi trai gái nào yêu nhau, nhà nghèo, không lo được tiền thách cưới mà không dám bước qua tập tục để chung sống thì pháp luật cũng không thể can thiệp. Nhưng nếu họ dũng cảm bước qua, cho dù dòng tộc không công nhận quan hệ vợ chồng của họ, pháp luật vẫn công nhận và bảo vệ bằng giấy chứng nhận đăng ký kết hôn. Vẫn biết phép vua thua lệ làng. Tục lệ, phong tục tập quán là những thứ thiêng liêng, đáng quý, nhưng không nhất thiết phải hoàn toàn áp đặt và buộc mình gắn với nó khi không còn phù hợp. |
Gần đến ngày dạm ngõ, biết tính bố, Huệ thủ thỉ: “Nhà anh ấy nghèo, đừng thách cưới nhiều bố ạ!”. Ông Quang nghe vậy đùng đùng nổi giận: “Tôi nuôi chị chừng ấy năm, cho ăn học bằng người, cả đời có một lần cưới, tội gì không thách. Con gái càng thách nhiều càng có giá, con hiểu không?” Chẳng dám cãi bố, Huệ ngân ngấn nước mắt trở vào phòng.
Trọng Ninh sinh ra trong gia đình đông anh em tại một miền quê nghèo. Bố là liệt sĩ, mọi chuyện lo toan cơm áo thường nhật đều đè nặng trên đôi vai già nua của mẹ.
Nhiều lần về nhà Ninh chơi, Huệ không nén nổi thương cảm khi chứng kiến bữa ăn đạm bạc của gia đình. Đồ đạc tuềnh toàng, chẳng có gì khác ngoài chiếc giường cũ kỹ và bộ bàn ghế đã sờn màu…
Những đồng tiền ít ỏi chắt chiu từ cây lúa, hạt gạo thấm đẫm mồ hôi của mẹ đã giúp Ninh tốt nghiệp đại học và tìm được việc làm kiếm sống. Thấu hiểu gia đình của Ninh, Huệ càng cảm phục và yêu anh hơn.
Từ ngày dạm ngõ, gia đình Ninh tới nhà Huệ bàn chuyện cưới xin theo nghi lễ phong tục cổ truyền. Những phiền muộn, lo lắng của Huệ không muốn cũng xảy ra. 50 triệu đồng cùng 200 bánh cốm, 200 cau, 5 cây ba số, 2 chai rượu ngoại…là những gì ông Quang thách cưới nhà trai.
Đối với nhà nông, số tiến ấy quả là quá lớn. Vì hoàn cảnh gia đình, nhà trai có nhã ý giảm bớt đồ thách. Ông Quang cười nhếch mép: “Mọi người nói thế, chẳng hóa ra con gái tôi thành…đại hạ giá à!” rồi ông khăng khăng một hai…như cũ.
Thương hạnh phúc của con, mẹ Ninh cố xoay xở vay mượn tiền khắp nơi. Ngặt một nỗi, họ hàng bạn bè ai cũng khốn khó như mình. Chạy vạy mãi, gia đình Ninh mới chỉ lo một nửa lễ thách. Thôi thì “Có đến đâu, âu đến đó, chắc bên nhà gái cũng thông cảm mà bỏ qua cho”- mẹ Ninh thầm nghĩ.
Đúng ngày đã định, nhà trai mang sính lễ tới hỏi xin cưới Huệ. Sau khi kiểm tra kỹ đồ sính lễ, thấy không đúng theo yêu cầu, ông Quang sa sầm mặt mày, nghĩ nhà trai coi thường mình liền tuyên bố: “Này, con tôi không phải là đứa.. “đại hạ giá”. Không cưới xin gì hết!”. Nói xong, ông quay người bỏ vào phòng. Nhà trai ngỡ ngàng, tái mặt xin phép ra về.
Lòng tự ái dâng cao, gia đình đình Ninh cấm anh tiếp tục quan hệ yêu đương với Huệ. Mất người yêu, Huệ như người ngẩn ngơ. Những ước mơ có một cuộc sống gia đình yên ấm với người chồng yêu thương nay tan vỡ trước mắt.
Không đủ tiền… tỉ thì đừng cưới xin!
Cũng trong hoàn cảnh khốn khổ tương tự là Mai Lan. Mẹ Lan là người rất chi li và tính toán. Tính toán tới nỗi, bao nhiêu tiền nuôi dưỡng ăn học của Lan từ nhỏ tới lớn đều được bà Liên ghi chép vào quyển sổ dày úa màu thời gian.
Chẳng biết bà Liên ghi chép thế nào mà khi Liên tròn 20 tuổi, bà tuyên bố: “Mẹ nuôi con đến nay đã 20 năm. Hôm nay, mẹ tạm “chốt” sổ sách. Tổng chi phí nuôi con ăn học tròm trèm 2 tỷ đồng. Vậy nên, con phải tìm người chồng nào có điều kiện trả “vốn” đó cho mẹ. Nếu không, chẳng hóa ra mẹ mày nuôi không công à!”
Trước câu nói ấy, Lan rất vất vả khi tìm đức lang quân “có máu mặt”. Cuối cùng thì Lan cũng có một người đàn ông khá thành đạt tìm hiểu và tới nhà gặp gia đình xin cưới.
Sau khi tiếp trà, không vòng vo, mẹ Lan nói về chuyện “trả vốn” với con rể tương lai. “Cháu ạ, bác nuôi Lan lớn bằng từng này tốn bạc tỉ. Nếu cháu muốn cưới nó thì sính lễ cũng phải tầm giá đó, bác mới đồng ý”.
Bà Liên nói tới đâu, con rể tương lai biến sắc mặt tới đó. Để bà Liên nói hết câu, người đàn ông này nói từ tốn: “Thưa bác, con đi lấy vợ chứ không phải “mua” vợ. Nếu bác muốn “bán” em Lan tiền tỷ, chắc bác phải đợi người khác tới… “mua” vậy!”. Nói xong, chàng con rể hụt cáo lui mặc cho Lan khóc đến đỏ mắt. Phút chốc, hạnh phúc của Lan đã bị tan theo mây khói.
Thùy Dương