Vụ cháy mía “lịch sử”
Vụ cháy xảy ra vào ngày 14/1 tại các cánh đồng thôn Phung, Piơr 1, Yên Hưng và Yên Bình với tổng diện tích thiệt hại gần 30ha của 14 hộ dân. Trong đó, hộ bị thiệt hại nhiều nhất là 5ha, hộ ít nhất là 1ha.
Theo ông Đào Văn Tơ (ngụ thôn Yên Hưng), cây mía là nguồn sống của gia đình gần chục năm nay nhưng chưa bao giờ thấy cây mía ở đây lại liên tục xảy ra cháy như thế.
“Khi phát hiện có khói bốc lên từ đám mía, tôi liền báo và huy động bà con ra để chữa cháy nhưng khi ra đến nơi thì lửa cháy rất to và gió rất mạnh nên không thể dập lửa được. Sau vụ cháy, gia đình tôi thiệt hại hơn nửa tỷ đồng, mà số tiền này tôi lại vay của ngân hàng để đầu tư”, ông Tơ buồn bã nói.
Cũng điêu đứng vì mía cháy anh Phan Văn Hiệp (ngụ thôn Hưng Yên) cho biết: “Gia đình tôi trồng được 3ha mía thì nay đã bị cháy rụi hoàn toàn. Thời điểm xảy ra cháy mía, gió rất to nên ngọn lửa bùng phát nhanh, chúng tôi cũng chỉ biết đứng nhìn ngọn lửa thiêu rụi tài sản của mình chứ không làm được gì. Cả năm chăm sóc, cứ tưởng vụ mía năm nay có lãi chút ít, ai ngờ toàn bộ mía của gia đình bị cháy hết, thiệt hại gần trăm triệu đồng”.
Thẫn thờ nhìn ruộng mía đã bị cháy đen, anh Nguyễn Văn Thái (ngụ thôn Yên Bình) cho biết, công sức của gia đình trong năm qua coi như mất trắng. Toàn bộ 3ha mía của gia đình anh bị thiêu rụi chỉ trong một buổi chiều. Hơn một tuần trôi qua, số mía bị cháy của gia đình anh vẫn chưa có ai tới thu mua, dù anh đã tìm mọi cách liên hệ các nhà máy xa gần.
“Nhà tôi có 3ha, cháy hết không còn cây nào, trong khi nhà máy lại không thu mua cho dân. Mía khô, bây giờ vắt không có nước. Vốn liếng vay mượn đầu tư hết vào ruộng mía, giờ thì trắng tay. Chỉ mong ngành chức năng có cách gì giúp bà con chúng tôi”, anh Thái cho biết.
Người dân thiệt hại kép vì mía cháy, giá rớt thê thảm, nhà máy chưa thu mua |
Thiệt hại kép
Theo tìm hiểu của chúng tôi, niên vụ 2017 - 2018, xã Ia Piơr trồng khoảng 350ha mía, tăng gấp 3 lần so với niên vụ trước đó. Sở dĩ người dân mạnh dạn tăng diện tích như vậy là do Công ty Mía đường Ea Súp (tỉnh Đắk Lắk) vừa tiến hành ký kết hợp đồng thu mua mía cho người dân xã Ia Piơr.
Tuy nhiên, theo bà Nguyễn Thị Trúc (ngụ thôn Yên Hưng), khi vào vụ thu hoạch, việc thu mua của nhà máy này diễn ra rất chậm. Kể cả khi tình hình mía cháy diễn ra nóng bỏng, việc thu mua cũng diễn ra rất chậm, khiến thiệt hại của người dân càng gia tăng. Riêng gia đình bà Trúc, có 5ha mía bị cháy nhưng nhà máy chậm thu mua nên thiệt hại hàng trăm triệu đồng.
“Nếu nhà máy thu mua kịp thời cho người dân thì tôi có thể trả nợ được 150 triệu vốn của nhà máy, mình không bị âm nợ mà chỉ mất trắng gần 200 triệu thu nhập. Nhưng bây giờ nhà máy chưa thu mua được thì mình bị âm nợ của nhà máy, tổng thu không còn gì, coi như mình trắng tay hoàn toàn trong một năm trời. Tôi buồn lắm, mấy ngày nay không muốn đi đâu nữa”, bà Trúc than thở.
Ông Nguyễn Xuân Lộ - Trưởng thôn Yên Hưng cho biết, mùa khô đang đỉnh điểm nên nguy cơ cháy mía rất cao. Mỗi khi đã cháy thì không thể dập nổi, vì lá mía khô rất dễ cháy, kết hợp gió mạnh, ngọn lửa bốc cháy dữ dội.
“Do năm nay nhà máy thu mua rất chậm, nắng nóng, cây mía lại khô hết trên ruộng nên đã liên tục xảy ra cháy. Những năm trước đây, vào khoảng thời gian này mía đã thu hoạch xong hết rồi. Nhưng năm nay mía rớt giá kỷ lục, chỉ còn 700.000 đồng/tấn, thấp nhất trong 5 năm qua khiến cho phía thu mua cũng chậm”, ông Lộ cho biết.
Theo quan sát của chúng tôi, những diện tích mía cháy của người dân đã xảy ra nhiều ngày nhưng phía Công ty Mía đường Ea Súp vẫn chưa bố trí thu mua cho bà con. Một số diện tích mía của người dân bị cháy từ ngày 3/1 vẫn chưa được tiêu thụ hết. Với những diện tích này, nếu thời gian tới mà không thu hoạch và tiêu thụ được thì đành phá bỏ vì lượng đường trong cây mía đã chín và bị hỏng.
Theo bà Bùi Thị Hồng Thắm - Phó chủ tịch UBND xã Ia Piơr, trước đây, người dân trong xã hợp đồng với Nhà máy đường Ayun Pa (trụ sở tại thị xã Ayun Pa, tỉnh Gia Lai) thì mọi việc diễn ra tốt đẹp. Thời điểm này các năm trước, nhà máy đã hoàn tất việc thu mía cho người dân. Nhưng niên vụ này, lần đầu tiên người dân ký kết hợp đồng với Công ty Mía đường Ea Súp thì việc tiêu thụ gặp nhiều khó khăn. Công ty này chỉ hợp đồng trực tiếp với dân, mà không thông qua chính quyền địa phương nên rất khó để giải quyết những vấn đề nảy sinh.
“Việc thu mua của Công ty Mía đường Ea Súp quá chậm so với mọi năm và cũng không có kế hoạch hướng dẫn công tác phòng chống cháy mía cho người dân. Mía cháy liên tục làm ảnh hưởng nặng nề đến đời sống người dân, nhất là thời điểm sắp đến Tết Nguyên đán. Đầu vụ thu hoạch mía, xã đã thông báo về tình hình thời tiết, đồng thời triển khai công tác phòng chống cháy mía nhưng thực tế vẫn xảy ra cháy”, bà Thắm cho biết.
Theo bà Thắm, liên tục từ đầu tháng 11/2017 đến nay, trên địa bàn xã xảy ra 6 vụ cháy làm thiệt hại gần 100ha mía của người dân, ước thiệt hại gần 5 tỷ đồng. Trước mắt, chính quyền động viên người dân chặt và tiêu thụ sớm số mía cháy.
“Chúng tôi đã trực tiếp sang nhà máy đường ở tỉnh Kon Tum để làm việc và nhờ tạo điều kiện thu mua mía giúp bà con. Đồng thời, liên lạc với Công ty Mía đường Ea Súp sớm bố trí và sắp xếp lịch thu mua cho người dân theo hợp đồng đã ký kết. Ngoài ra, chúng tôi đã có văn bản báo cáo về tình hình thiệt hại của người dân và đề nghị UBND huyện vào cuộc giúp đẩy nhanh tiến độ thu mua mía cũng như có chính sách hỗ trợ thiệt hại cho người dân”, bà Thắm cho biết.