Vôn đăm Xi ma đã khóc nức nở khi cất tiếng năn nỉ đại diện Lãnh sự quán Lào cho mình ở lại lập nghiệp tại Việt Nam, nhận nơi đây là quê hương. Sau khi nghe giải thích, anh vẫn khóc, những giọt nước mắt nhỏ xuống mảnh đất Cà Mau là lời tri ân của anh với những người sinh ra mình lần thứ hai…
Hua Pho Ly và ChSôiSàRum tham gia lao động, dọn vệ sinh tại đồn BP Sông Đốc |
Xin nhận Việt Nam làm quê hương
Sau khi tiếp nhận các nạn nhân, Bộ đội Biên phòng Cà Mau tiến hành điều tra, xác minh làm rõ lai lịch nhân thân từng người theo đúng quy định của pháp luật, đồng thời tổ chức chăm sóc sức khoẻ cho họ. Được bộ đội quan tâm chăm sóc họ rất phấn khởi, anh em bộ đội cho họ ăn uống, quần áo, gần gũi động viên và dạy tiếng Việt Nam cho họ.
Đáng thương nhất là Vôn Đăm Xỉ Ma, vì bỏ nhà đi quá lâu nên công tác điều tra, xác minh của cơ quan chức năng bên Lào gặp nhiều khó khăn. Suốt thời gian cả tháng trời Xỉ Ma chỉ ở cơ quan Bộ chỉ huy. Ở đây Xỉ Ma được bộ đội thương yêu giúp đỡ, từ khẩu phần ăn hàng ngày cũng được bộ đội chia cho nhiều hơn, cái quần cái áo cho đến nước, thuốc hàng ngày đều được anh em bộ đội mang cho.
Hàng ngày Xỉ Ma theo bộ đội ra cuốc đất trồng rau, quét dọn nhà cửa, buổi chiều nào cũng ra băng ghế đá trước nhà nghỉ để nói chuyện với bộ đội. Xỉ Ma rất chăm chỉ, nên chỉ thời gian ngắn Xỉ Ma đã học được khá nhiều từ tiếng Việt, nói chuyện giao tiếp được một số việc cần với bộ đội.
Ngày bàn giao cho Lãnh sự quán Lào, Xỉ Ma không muốn về nước, cứ năn nỉ xin được ở lại Việt Nam đi làm thuê kiếm sống. Ngày về Xỉ Ma còn được anh em bộ đội tặng thêm một số quàn áo, đồ dùng và ít tiền làm lộ phí. Ôm bọc đồ bộ đội cho, Xỉ Ma cứ quấn quýt, nắm chặt tay anh em bộ đội không muốn về, nhưng rồi ở quê nhà tận nước Lào xa xôi Xỉ Ma còn có một gia đình đang trông ngóng tin Xỉ Ma hàng chục năm qua và Xỉ Ma đã khóc khi phải chia tay cán bộ chiến sỹ BĐBP Cà Mau.
Thắm đượm tình người
Những ngày ở đồn Biên phòng Sông Đốc, ChSôiSàRum, Hua Pho Ly và Sim Cal luôn được đối xử như những người bạn thân, từ miếng ăn, giấc ngủ, những câu chuyện thăm hỏi động viên và cả việc dạy tiếng Việt Nam. Cả ba đều chăm chỉ, tích cực tham gia lao động dọn vệ sinh doanh trại cùng bộ đội, anh em bộ đội cũng tận tình chỉ bảo và san sẻ tình cảm tạo mối quan hệ đoàn kết, thân thiện. Bằng vốn tiếng Việt lơ lớ mới học, họ chỉ cười và liên tục nói "Cảm ơn! cảm ơn!".
Khi hỏi về tình trạng của ChoL ƯơL và Pì Sây anh Huỳnh Việt Trung kể: Họ đang trôi lờ đờ trên biển, khi vớt lên tàu toàn thân như bất động, thấy miệng còn mấp máy, hơi thở yếu, nhưng tôi biết còn cứu sống được nên đưa vào bờ ngay. Tôi quyết định không đánh bắt nữa mà cho tàu chạy chở họ vào trình báo với đồn Biên phòng Sông Đốc.
Trên đường chạy vào anh em tôi cho uống nước, xoa bóp chân tay, lau người bằng nước ấm, cho uống nước cháo loãng và thấy họ dần tiỉnh lại. Không phải người thân nhưng chúng tôi rất vui.
Thượng tá Tô Thanh Ngoan – Chính trị viên đồn BP Sông Đốc cho biết, những ngày ở đồn Biên phòng ba người bạn Căm Pu Chia rất vui vẻ, hiền lành, chịu khó. Thấy anh em bộ đội dọn dẹp vệ sinh là cả hai tự giác tham gia. Ăn uống sinh hoạt thì anh em bộ đội chia sớt thêm cơm, thêm thức ăn.
Đơn vị còn mua cho từng bộ quần áo, đôi dép và các đồ dùng cá nhân. Biết họ nôn nóng mong muốn được đoàn tụ sớm với gia đình, nên đơn vị đã tham mưu, đề xuất Bộ chỉ huy tạo điều kiện tốt nhất để hoàn thành các thủ tục theo đúng nguyên tắc pháp luật, nhanh chóng bàn giao họ cho nước bạn Căm Phu Chia để họ được về nhà.
Niềm vui của ChSôiSàRum, Hua Pho Ly và Sim Cal được nhân đôi khi đồn BP thông báo đã hoàn thành thủ tục và sẽ được Tổng lãnh sự quán Căm Pu Chia tại thành phố Hồ Chí Minh đón nhận tại cửa khẩu mộc Bài, tỉnh Tây Ninh.
Tuy bất đồng về ngôn ngữ, nhưng trên xe từ Bộ chỉ huy Biên phòng Cà Mau đến cửa khẩu Mộc Bài, Tây Ninh tôi đã cảm nhận được niềm hạnh phúc của các bạn CămPuChia và trăn trở của họ khi không biết trả nợ “tình người” thế nào cho ngư dân Cà Mau cũng như chính sách nhân đạo của Việt Nam.
Sau khi làm thủ tục bàn giao xong, ông Sin Si Ya Tổng lãnh sự quán CămPuChia, tại Việt Nam nói: “Chúng tôi xin tiếp tục được cảm ơn UBND tỉnh Cà Mau, Nhân dân và Bộ đội Biên phòng Cà Mau đã giúp đỡ nhân dân CămPuChia cứu vớt, chăm sóc các nạn nhân người CămPuChia gặp nạn trên biển trong nhiều năm qua. Bộ đội biên phòng Cà Mau còn cho xe chở các nạn nhân đến tận biên giới để cho họ về nhà. Chúng tôi luôn biết ơn, đồng thời khẳng định thêm tình hữu nghị, phát triển bền vững giữa 2 nhà nước”.
Trong số hàng chục nạn nhân khác gặp nạn trên biển mang nhiều quốc tịch khác nhau được ngư dân Cà Mau cứu vớt trong thời gian qua. Họ chấp nhận chịu lỗ chi phí chuyến ra khơi để cứu sống người bị nạn. Nhưng tất cả họ đều có quan điểm chung, đó là trách nhiệm, là đạo đức của tình người với nhau mà dân tộc Việt Nam luôn trân trọng, giữ gìn và phát huy.
Ngọc Long