Anh Lê Văn Hùng (người dân Đà Nẵng) cho biết, ngày 3/7, cả nhà anh đi tắm ở bãi biển Phước Mỹ (Ngũ Hành Sơn), sau khi xuống nước được vài phút liền có cảm giác ngứa ngáy khắp người. Riêng con trai 6 tuổi của anh bị nổi mẩn đầy tay chân và lưng. Theo anh Hùng, rất nhiều người khác cũng gặp tình trạng tương tự, phải lên bờ ngay.
Anh Hùng cũng như không ít người dân Đà Nẵng và du khách mong các ngành chức năng cần sớm tìm ra nguyên nhân và có những khuyến cáo hay khắc phục để du khách yên tâm tắm biển.
Theo nhiều ý kiến, có thể do đang vào mùa mưa giông nên biển Đà Nẵng xuất hiện sứa lửa cắn gây ngứa và cho rằng đây là hiện tượng bình thường. Tuy vậy, một số người khác yêu cầu sự vào cuộc của cơ quan chức năng, bởi theo họ, mỗi khi có mưa lớn, nhiều cống ven biển Đà Nẵng xả tràn gây ô nhiễm nước.
Ông Nguyễn Quốc Vinh, Đội trưởng Đội cứu hộ các bãi biển du lịch Đà Nẵng thừa nhận, cả tuần nay ông liên tục nhận phản ánh từ người dân về tình trạng trên, nhưng không biết nguyên nhân vì sao. “Hiện cứ tắm ở vệt biển Mỹ Khê là bị ngứa. Chúng tôi phải đề nghị xét nghiệm mẫu nước”, ông Vinh nói.
Trước đó, ngày 26/6, Ban Quản lý Bán đảo Sơn Trà và các bãi biển du lịch Đà Nẵng có báo cáo về việc nước biển gây ngứa nổi dị ứng đốm đỏ trên da. Khu vực xảy ra tại các bãi tắm từ quận Sơn Trà đến Ngũ Hành Sơn.
Cũng theo thông tin từ Ban Quản lý Bán đảo Sơn Trà và các bãi biển du lịch, thời gian gần đây có xuất hiện sinh vật là sao biển và sứa ở các khu vực bãi tắm.
Liên quan đến công tác quan trắc chất lượng môi trường nước biển ven bờ, Sở Tài nguyên & Môi trường Đà Nẵng thông tin, Chương trình quan trắc môi trường trên địa bàn TP. Đà Nẵng năm 2018 được thực hiện với tần suất 1 lần/tháng đối với nước biển, ven bờ. Hiện có 10 vị trí quan trắc, trong đó có 3 vị trí gồm bãi tắm công cộng (Bãi tắm Mỹ khê, bãi tắm Non nước, bãi tắm Phạm Văn Đồng). Các thông số quan trắc: pH, Tổng chất rắn lơ lững (TSS), Nhu cầu oxi hóa học (COD), Amoni, dầu mỡ và Coliforms. Kết quả quan trắc 6 tháng đầu năm tại các vị trí biển, ven bờ, đặc biệt tại các bãi tắm trong đợt quan trắc gần nhất (vào ngày 19/6) cho thấy, các thông số môi trường đạt yêu cầu so với quy chuẩn cho phép (chất lượng nước biển bãi tắm so với cột B QCVN 10:2015/BTNMT, các vị trí khác so với cột C QCVN 10:2015/2015).
Với tình trạng nước biển gây ngứa nổi dị ứng đốm đỏ trên da tại các bãi tắm từ quận Sơn Trà đến Ngũ Hành Sơn, thôm nay, 4/7, Sở Tài nguyên và Môi trường thông tin, đã chỉ đạo các đơn vị liên quan lấy mẫu phân tích bổ sung chất lượng nước biển tại các vị trí bãi tắm liên tục trong 5 ngày. Ngoài các thông số về chất lượng nước biển như: pH, TSS, COD, Amoni, dầu mỡ và Coliforms, bổ sung phân tích các chỉ tiêu sinh học. Chi cục Bảo vệ Môi trường còn tổ chức khảo sát các cửa xả ven biển, tiến hành lấy mẫu tại khu vực tiếp nhận liên quan các bãi tắm của thành phố; phối hợp Ban Quản lý tiếp tục ghi nhận hiện trường đối với tình trạng xảy ra trong thời gian qua.