Số tiền hối lộ nhiều nhất
Truyền thông Trung Quốc tuần qua đưa tin, Ủy ban Kiểm tra Kỷ luật trung ương Trung Quốc (CCDI) đã tịch thu số tài sản hơn 630 triệu nhân dân tệ (89 triệu USD) của cựu Bí thư tỉnh Thiểm Tây Triệu Chính Vĩnh. Ngoài ra, cơ quan này cũng đã tịch thu thêm các bất động sản và chứng khoán có tổng trị giá khoảng 100 triệu nhân dân tệ của người này.
Thông tin trên được đưa ra sau khi Triệu Chính Vĩnh hôm 11/5 đã phải ra hầu tòa ở thành phố Thiên Tân với cáo buộc lợi dụng chức vụ để nhận hối lộ từ các nhà thầu và những người muốn thăng chức, hoạt động phân công nhân sự và ưu đãi khi quản lý kinh doanh. Theo truyền thông Trung Quốc, Triệu Chính Vĩnh được vợ là bà Sun Jianhui tích cực tiếp tay nhận hối lộ.
“Bà Sun Jianhui thường chỉ thị cho cấp dưới của ông Zhao và được ăn chia trong nhiều dự án phát triển bất động sản, năng lượng ở tỉnh Thiểm Tây”, cáo trạng của tòa án cho hay. Tuy nhiên, bản cáo trạng không nêu rõ liệu bà Sun có phải ra hầu tòa hay không.
Theo cáo trạng, Triệu Chính Vĩnh và vợ của ông ta bị cáo buộc nhận hối lộ 426 triệu nhân dân tệ (60 triệu USD). Ngoài ra, cặp vợ chồng này còn nhận thêm rằng đã nhận hối lộ 291 triệu nhân dân tệ nữa. Theo thông báo của CCDI, Triệu Chính Vĩnh đã nhận tội tại phiên tòa vừa diễn ra và tòa sẽ sớm đưa ra phán quyết đối với người này.
Triệu Chính Vĩnh lúc đương chức |
Triệu Chính Vĩnh là tỉnh trưởng của tỉnh Thiểm Tây từ năm 2010 tới 2012. Cùng năm này, ông ta được bổ nhiệm làm Bí thư Tỉnh ủy tỉnh Thiểm Tây, tại nhiệm cho tới tháng 3/2016. Sau đó, ông ta giữ chức Phó Chủ nhiệm Ủy ban tư pháp và đối nội của Quốc hội Trung Quốc, giữ chức này cho đến khi nghỉ hưu vào năm 2018.
Tháng 1/2020, Triệu Chính Vĩnh bị khai trừ khỏi Đảng Cộng sản Trung Quốc. Ông ta là quan chức cấp tỉnh đầu tiên bị “ngã ngựa” trong năm 2019 trong chiến dịch truy quét tham nhũng tại Trung Quốc, cũng một trong những quan chức cấp cao nhất bị phanh phui hành vi sai phạm trong chiến dịch được ông Tập phát động nhiều năm qua.
Đám mây đen trước bão Mọi việc bắt đầu từ khi đài truyền hình nhà nước Trung Quốc CCTV ngay sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán vào năm 2019 cho phát một phóng sự mang đến sự bất an cho giới quan chức Thiểm Tây, khiến một số người coi đó là những đám mây đen báo hiệu một cơn bão sắp ập đến. Trong phóng sự dài 44 phút đó, Đài Truyền hình Trung ương đã kể lại một chiến dịch nghiêm khắc bắt đầu vào năm 2014 để phá hủy một số biệt thự sang trọng được xây dựng trái phép trong các khu bảo tồn thiên nhiên ở Tây An - thủ phủ của Thiểm Tây.
Theo phóng sự, các quan chức địa phương liên tục đồng ý tuân theo các chỉ đạo từ chính quyền trung ương, bao gồm 6 chỉ thị được trực tiếp Chủ tịch Tập Cận Bình ký nhưng không thực hiện chúng. Trong phóng sự, các quan chức Thiểm Tây tiết lộ chi tiết hoặc thú nhận chuyện phớt lờ chỉ thị từ ông Tập hồi năm 2014 về việc dẹp bỏ hàng trăm công trình sang trọng xây dựng trái phép tại khu bảo tồn thiên nhiên ở núi Tần Lĩnh.
Chương trình của CCTV không trực tiếp nhắc tới ông Triệu Chính Vĩnh, nhưng chỉ trích mạnh mẽ một “lãnh đạo chủ chốt” của tỉnh ủy Thiểm Tây khi đó vì đã xem nhẹ chỉ thị nói trên và nhắm mắt cho các hoạt động xây dựng bất hợp pháp được triển khai cũng như các thỏa thuận bí mật liên quan đến hoạt động này. Một tuần sau khi chương trình trên được trình chiếu trên CCTV, Ủy ban Kiểm tra Kỷ luật Trung ương (CCDI) Trung Quốc thông báo ông Triệu Chính Vĩnh đang bị điều tra về nghi vấn vi phạm nghiêm trọng kỷ luật và luật pháp - cụm từ thường được dùng để đề cập đến tham nhũng. Chưa đầy một năm trước, Triệu Chính Vĩnh đã nghỉ hưu.
Kẻ hai mặt
Triệu Chính Vĩnh (69 tuổi) sinh ra trong một gia đình thợ mỏ ở tỉnh An Huy. Ông ta đã trèo lên chiếc thang quan chức từ một công nhân nhà máy thép đến lãnh đạo tỉnh hàng đầu nhờ sự táo bạo nhưng cũng đầy tàn nhẫn. Năm 1970, ông ta vào làm công nhân tại Công ty Maanshan Iron & Steel thuộc sở hữu nhà nước ở quê nhà. Một thời gian sau đó, với tham vọng của mình, ông ta chuyển sang các hoạt động đoàn thể.
Năm 1982, ông ta được bổ nhiệm làm Bí thư Đoàn Thanh niên Cộng sản thành phố Mã An Sơn, gia nhập đội ngũ cán bộ trẻ, bắt đầu sự nghiệp chính trị. Triệu Chính Vĩnh khi đó được đánh giá là một trong những quan chức trẻ triển vọng nhất ở Mã An Sơn và nhanh chóng vươn lên trong chính quyền thành phố. Những người quen thuộc với Triệu Chính Vĩnh cho biết, sự nghiệp chính trị ban đầu của ông ta được cha vợ - một cựu quan chức giúp đỡ.
Tuy nhiên, đến cuối những năm 30 của thế kỷ trước, hồ sơ của người này vẫn không lấy gì làm ấn tượng. Ông ta đã trải qua gần 10 năm với tư cách là một quan chức cấp trung của thành phố cho đến khi ông được thăng chức làm Bí thư thành phố Hoàng Sơn, cũng ở An Huy vào năm 1993. Năm 2001, Triệu Chính Vĩnh đã có một bước tiến lớn khi ông được chuyển đến tỉnh Thiểm Tây giàu tài nguyên với vị trí người đứng đầu cơ quan thực thi pháp luật của tỉnh.
Tại đây, ông ta được đánh giá là người quyết đoán, có năng lực và đặc biệt rất hay cười. Ông ta gây dựng hình ảnh một quan chức mạnh tay trấn áp hoạt động tội phạm, nhất là những vi phạm về môi trường trong tỉnh. Tuy nhiên, đằng sau đó, ông ta lén lút cài người vào những vị trí trọng yếu trong bộ máy, nhắm mắt làm ngơ cho vi phạm và tích cực lợi dụng vị trí để vơ đầy túi tham.
Cuộc điều tra về những sai phạm của Triệu Chính Vĩnh đã phanh phui những sai phạm chấn động của cả các thành viên gia đình, các quan chức và cộng sự kinh doanh của ông ta, làm sáng tỏ một mạng lưới làm ăn phi pháp rộng khắp. Theo truyền thông, tầm với của gia đình Triệu Chính Vĩnh mở rộng khắp sang các lĩnh vực dầu mỏ, than, tài sản và tài chính của tỉnh Thiểm Tây khi ông ta “cài cắm” tay chân thông qua các công ty liên kết với các công ty nhà nước lớn như Công ty TNHH Dầu khí Shaanxi Yanchang, Tập đoàn Công nghiệp hóa chất và than Thiểm Tây và Công ty TNHH Gas Thiểm Tây...
Lợi nhuận bất hợp pháp mà gia đình Zhao kiếm được bằng quyền lực của ông ta được cho là lên tới hàng trăm triệu nhân dân tệ (100 triệu nhân dân tệ = 14,5 triệu USD). Dư chấn của sự sụp đổ của Triệu Chính Vĩnh khiến giới chức của tỉnh Thiểm Tây chấn động. Theo một số nguồn tin, hơn 100 quan chức cấp trung và cấp cao trong tỉnh đã bị chính quyền triệu tập liên quan đến cuộc điều tra đối với cựu Bí thư tỉnh ủy tỉnh này.
Sau khi “ngã ngựa”, Triệu Chính Vĩnh bị một tạp chí của CCDI cáo buộc là người “hai mặt”, “không trung thành và thiếu tôn trọng”. “Ông ta dường như xem nhẹ tầm quan trọng với các quyết định và kế hoạch của Ủy ban Trung ương đảng, và vô trách nhiệm về mặt chính trị và nửa vời trong công việc. Ông đã lừa dối đảng nhiều lần và chống lại sự thanh tra của đảng”, CCDI kết luận.
Trớ trêu là, 3 năm trước, trên cùng tạp chí của CCDI đã đăng tải bài viết tố sự hai mặt của ông ta, Triệu Chính Vĩnh cũng từng viết bài viết kêu gọi trấn áp những quan chức hai mặt trong chính quyền. Trong bài viết, Triệu Chính Vĩnh cho rằng, một mặt, những người đó vi phạm kỷ luật vì lợi ích cá nhân. Mặt khác, họ luôn cố gắng xoa dịu sự lo lắng của mình bằng cách xây dựng các kết nối và nuôi dưỡng các đồng minh.