Susan Kigula có một hiệu may vá quần áo ở thủ đô Kampala của Uganda. Bên cạnh là một cửa hiệu khác của một người đàn ông ly hôn vợ và có hai con. Hai người dần quen nhau, yêu nhau và lấy nhau, có với nhau một cô con gái. Năm người và bà giúp việc sống chung trong một căn nhà.
Đêm hôm 9/7/2000, Susan Kigula đang ngủ thì cảm thấy đau nhói ở cổ. Cô tỉnh giấc, bị đâm ở vùng cổ, máu chảy đầm đìa. Người chồng bị đâm gục nằm dưới sàn. Cô cố lết sang hàng xóm kêu cứu và không biết gì nữa, tỉnh lại thì thấy mình nằm trong bệnh viện.
Mấy ngày sau, khi được bố chuyển đến nơi điều trị khác thì cô bị cảnh sát bắt. Đứa con riêng mới 3 tuổi của người chồng nói với cảnh sát là cô cùng với người giúp việc đã giết hại người chồng. Tòa án xét xử vụ việc và tuyên phạt cô chịu án tử hình bằng hình thức treo cổ. Khi ấy, cô mới 23 tuổi.
Trong thời gian chờ thi hành án tử, Susan Kigula trở thành người đi đầu tổ chức những hoạt động chung cho nữ tù nhân như học chữ và văn hoá, hát múa... Năm 2007, anh chàng sinh viên người Anh Alexander McLean đến thăm nhà tù của Susan Kigula để tìm hiểu về điều kiện sống của tù nhân với mục đích tìm kiếm ý tưởng giúp cải thiện điều kiện ấy. Chính quyền Uganda và nhà tù cho phép anh gây dựng trong đó một thư viện. McLean cần phiên dịch và nhà tù cử đến Kigula.
Trong quá trình xây dựng thư viện, McLean đưa ra ý tưởng tù nhân theo học từ xa - như Nelson Madela đã theo học ở Nam Phi. Susan Kigula theo học và chọn học luật. Càng học, Kigula càng hiểu về luật, càng nhận thấy rõ những bất công và vô lý đối với rất nhiều phạm nhân trong nhà tù. Cô càng hiểu hơn về chính vụ việc của mình. Cô giúp các phạm nhân kháng án, cầu cứu, đòi mở phiên toà xét xử lại, cả cho chính mình cũng vậy.
Kết quả là toà án đã phải xem xét lại vụ án của cô và của 417 phụ nữ khác. Ngày 21/9/2009, tòa đi đến phán quyết bác bỏ bản án đối với Kigula với lập luận “không thể trong vụ án giết người nào cũng tự khắc áp dụng khung hình phạt tử hình”.
Và nếu án tử hình không được thi hành trong thời gian 3 năm kể từ khi có hiệu lực thì tự khắc chuyển thành tù chung thân.
Kigula chưa được tự do nhưng đã thoát được án tử hình. Cô tiếp tục đấu tranh, sử dụng những kiến thức luật đã học được để đấu tranh cho tự do và khôi phục danh dự. Vụ án của cô được đem ra xét xử lại và ngày 26/1/2016, cô được tuyên trắng án và được trả tự do.
Trước đó, cô đã tốt nghiệp khoá học luật từ xa. Nhà tù là trường học đối với cô và chính những gì học được trong thời gian bị cầm tù đã giúp cô tìm ra con đường và cách thức tự giải cứu mình và cứu rất nhiều người khác nữa.
Từ một tù nhân chờ ngày bước lên giá treo cổ, Susan Kigula trở thành một luật sư và một nhà hoạt động xã hội. Uganda có một kỳ án độc nhất vô nhị./.