Nữ trạng nguyên duy nhất trong lịch sử khoa bảng Việt Nam

Chân dung “bà nghè” Nguyễn Thị Duệ.
Chân dung “bà nghè” Nguyễn Thị Duệ.
(PLO) - Trong hậu điện của Văn Miếu Mao Điền, (xã Cẩm Điền, Cẩm Giàng, Hải Dương), bên cạnh bài vị của các bậc tiền hiền, danh nho thì hiện còn có tên của một nữ trạng nguyên duy nhất trong lịch sử khoa cử phong kiến Việt Nam. Bài vị của bà được bày trang trọng,  phía dưới ghi dòng chữ “Nghi ái quan Nguyễn Thị Duệ”… 
Thời kỳ phong kiến, trong khi hầu hết nữ giới đều không được phép học hành, thi cử thì chuyện một người phụ nữ đạt học hàm tiến sĩ gần như là không tưởng. Đặc biệt hơn, “bà nghè” còn có không ít những đóng góp cách tân, cải tiến cho nền giáo dục nước nhà thời điểm bấy giờ.
Tài năng sớm phát lộ
Bà Nguyễn Thị Duệ hay Nguyễn Thị Du (có tài liệu gọi bà tên Nguyễn Thị Ngọc Toàn, hiệu Diệu Huyền), sinh năm 1574, trong một gia đình nhà nho nghèo, có truyền thống hiếu học tại làng Kiệt Đặc, nay thuộc xã Văn An, Chí Linh, Hải Dương. 
Vì sao vị nữ tiến sĩ đầu tiên lại có nhiều tên như vậy? Phó TS Đỗ Thị Hảo (Viện Hán Nôm) cho rằng: “Dù có những tên khác nhau như Duệ, Du nhưng tên chính của bà vẫn là Nguyễn Thị Ngọc Toàn, vì Lập cử tự bia là tư liệu có niên đại xưa nhất (khoảng năm 1653) so với các tư liệu khác nói về bà”. 
Nghe kể rằng ngay từ thuở nhỏ, cô gái Nguyễn Thị Duệ tỏ ra rất sáng dạ, chưa đầy bốn tuổi đã nổi tiếng vì biết viết văn, làm thơ. Thời mới lớn, ở trong vùng có một cậu ấm thường xuyên đến ghẹo, Thị Duệ đã đọc châm hai câu thơ: “Xá chi vàng đá hỗn hào/Thoảng đem cánh phượng bay cao thạch thành”. Lời thơ đanh mà sâu cay khiến cậu ấm nghe xong đã phải nhanh chóng đánh bài chuồn, không dám lai vãng đến ghẹo Duệ nữa. 
Khoảng cuối thế kỷ 16, đầu thế kỷ 17, đất nước ta bước vào thời tranh đấu của nhà Trịnh – Mạc, cuộc nội chiến kéo dài khiến cuộc sống của không ít người dân lâm cảnh lầm than. Cuối năm 1592, Trịnh Tùng xua quân tiến đánh vùng đất Hạ Hồng, Nam Sách, Kinh Môn - quê hương của Nguyễn Thị Duệ. Trận chiến này Mạc Mậu hợp thất thế và bị bắt. Vùng đất Hải Dương nhiều năm liền bị chiến tranh tàn phá, khói lửa loạn lạc liên miên nên người chết nhiều như rạ. Để tìm đường sống, những người dân trong vùng ồ ạt kéo theo nhà Mạc chạy lên Cao Bằng. Nguyễn Thị Duệ cũng theo gia đình tìm lên Cao Bằng thời điểm này. 
Nghe đồn rằng sau khi lên Cao Bằng, Thị Duệ cải trang thành nam giới lấy tên là Du và theo học một ông thầy họ Cao. Năm Giáp Ngọ 1594, nhà Mạc tiến hành mở khoa thi Hội (hiện có không ít sách đề cập đến chuyện này nhưng thời gian không trùng khớp, giả sử cuốn “Chí Linh phong vật chí” có nói đến và ghi là năm Mậu Thìn 1568 - PV). Trong kỳ thi này, Thị Duệ đỗ đầu trong khi thầy dạy chỉ đứng Á khoa. 
Nét mảnh mai của thiếu nữ dù được giấu kỹ trong dáng vẻ nam giới vẫn không qua mắt được vua Mạc Kính Cung. Trong buổi tiệc chiêu đãi các tân khoa, Thị Duệ đã bị “vạch trần” thân phận nữ, nhưng lạ một điều nàng không bị Vua khép tội. Trái lại, Duệ được Vua khen ngợi và mời vào cung để dạy các phi tần. Ít lâu sau Nguyễn Thị Duệ được tuyển làm Tinh Phi, nhân gian quen miệng gọi là “Bà Chúa Sao”.
Năm 1625, quân Lê - Trịnh tiến lên Cao Bằng diệt nhà Mạc. Nguyễn Thị Duệ vào rừng ẩn náu, bị quân lính bắt được. Tướng Trịnh bấy giờ là Nguyễn Quý Nhạ vốn cùng quê với Thị Duệ, biết hoàn cảnh và tài năng của người phụ nữ này bèn thảo một tờ khải dâng lên Chúa Trịnh xem xét. Chúa Trịnh Tráng sau khi tìm hiểu, thấy bà Duệ là người có học thức bèn xá tội, cắt cử làm công việc dạy dỗ phi tần trong phủ chúa, cung vua. 
Liên quan đến câu chuyện này cũng có không ít các dị bản khác. Chẳng hạn, có dị bản nói rằng khi lính Trịnh bắt được, Thị Duệ đã cầm thanh gươm trên tay khảng khái nói: “Các ngươi bắt được ta thì phải đưa ta đến nộp chúa của các ngươi, nếu vô lễ thì với lưỡi gươm này, ta sẽ tự tử”. Cảm phục khí tiết của bà, quân Trịnh bèn giải bà về kinh nộp cho Chúa Nghị Vương. Nghe tiếng tăm của Nguyễn Thị Duệ, Chúa Trịnh rất sủng ái, phong cho bà chức Cung Trung Giáo Tập, rồi Lễ Nghi Học Sĩ. Dị bản nhiều nhưng chung quy, bà Duệ đều nhờ tài học mà được trọng dụng.
Nhiều đóng góp, cải tiến giáo dục
Sinh thời, khi còn đương nhiệm các chức vị, bà Duệ thường đặc biệt quan tâm đến công tác thi cử và bồi dưỡng nhân tài. Hay nói cách khác, “bà nghè Duệ” là người khai sinh ra hình thức đào tạo từ xa và quỹ khuyến học. 
Hiện nay nhân gian vẫn lưu truyền câu chuyện này, để thúc đẩy mạnh phong trào học tập địa phương thì mỗi tháng đôi kỳ, bà cùng nhiều bậc túc nho đến giảng dạy tại các khu vực ấn định. Sau quá trình ôn luyện, bà cho soạn ra các bộ đề thi rồi gửi về địa phương để tổ chức thi. Sau khi kết thúc, bài thi sẽ được gửi lên cho bà chấm, kết quả được gửi trở lại các địa phương. Hình thức này đã thúc đẩy đáng kể phong trào học tập, trình độ người học ở các khu vực xa chốn kinh kỳ. 
Riêng về quỹ khuyến học, để khuyến khích phong trào học tập, giúp đỡ học trò nghèo ham chữ, đề cao công tác bồi dưỡng nhân tài giúp nước, bà xin triều đình cấp nhiều mẫu ruộng tốt, cho canh tác lấy hoa lợi. Số tiền tích góp được sẽ được sử dụng để khen thưởng cho những cá nhân có thành tích tốt trong học tập. Đây cũng là một hình thức khuyến học đầu tiên của nước ta.
Là phụ nữ nhưng tài năng có thể xếp trên nhiều đấng mày râu, thế nên phần lớn các kỳ thi Đình, thi Hội, tất cả bài vở đều qua tay bà chấm chọn. Các biểu sớ, văn bài thi Đại khoa Chúa đều nhờ bà khảo duyệt lại. Hiện nay, dân gian vẫn còn lưu truyền giai thoại về bà. Chẳng hạn, năm Đức Long thứ 3 thời Vua Lê Thần Tông, bà làm Giám khảo kỳ thi Tiến sĩ (1631) được tổ chức tại làng Mao Điền, Hải Dương. Lúc bấy giờ có rất nhiều sĩ tử dự thi, trong đó có Nguyễn Minh Triết (sau gọi là Nguyễn Thọ Xuân) quê tại Hải Dương. Sau khi thi xong, quan giám khảo lọc ra các bài đỗ, trong đó có bài của Nguyễn Minh Triết.
Đáng nói, trong 12 câu đề thì trò Triết chỉ làm đúng 4 câu, nhưng tất cả các câu đều liệt vào hàng xuất sắc. Các quan không nỡ đánh trượt bèn tâu lên Vua. Vua Lê sau khi xem xét, để giải tỏa băn khoăn, Vua bèn hỏi ý kiến bà Duệ. Đọc bài xong, bà Duệ thấy hay bèn tâu Vua: “Bài văn làm được 4 câu mà hay còn hơn làm hết 12 câu mà không hay, triều đình cần người thực tài chứ không cần kẻ nịnh bợ”. Nhà Vua cảm phục, bèn chấm cho Nguyễn Minh Triết đỗ Tiến sĩ Khoa Tân Mùi.
Do nhiều công lao, đóng góp cho nền giáo dục, về sau bà Duệ được thăng chức “Chiêu Nghi”, hiệu là “Nghi Ái Quan”. Tuổi cao, Nguyễn Thị Duệ cáo quan về lại quê nhà, bà dựng am Đào hoa để có nơi đọc sách và bảo ban các sĩ tử trong làng. Vua Lê giao cho bà số thuế hàng năm của tổng Kiệt Đặc để làm bổng lộc an hưởng tuổi già. Thế nhưng, bà Duệ chỉ dành một ít tiền chi dùng, còn lại đều sử dụng cho việc công ích và trợ giúp người nghèo.
Nguyễn Thị Duệ sống lâu nhưng mất năm nào không rõ, có tài liệu ghi bà sống đến hơn 80 tuổi. Nghe nói, Kiệt Đặc xưa có dựng hẳn một ngôi chùa để thờ bà, người ta biết đến điều này là vì trên bia mộ một ngôi tháp tên “Tinh phi cổ pháp” khắc mười chữ Hán, nội dung như sau: “Lễ sư sinh thông tuệ. Nhất kính chiếu tam vương”. Có thể tạm dịch là “lễ sư sinh thời rất thông tuệ, một cái nhìn thấu khắp cả ba vua”. Theo tìm hiểu, ngôi tháp này được xếp hạng là một trong “chí linh bát cổ”.
Văn Miếu Mao Điền Hải Dương- nơi Nguyễn Thị Duệ được thờ cùng Khổng Tử và bảy vị Đại khoa danh tiếng của Việt Nam.
Văn Miếu Mao Điền Hải Dương- nơi Nguyễn Thị Duệ được thờ cùng Khổng Tử và bảy vị Đại khoa danh tiếng của Việt Nam. 
Năm 2004, có tám vị đại khoa của Hải Dương là hiền tài của đất nước đã được đúc tượng đồng và khám thờ, trong đó có nữ Tiến sĩ Nguyễn Thị Duệ. Bà được thờ cùng Khổng Tử tại hậu cung Văn Miếu Mao Điền (Hải Dương). Theo đó, khu Văn Miếu Mao Điền chỉ đứng sau Văn Miếu - Quốc Tử Giám bởi Mao Điền đã có hơn 500 năm tồn tại, và thờ hơn 600 vị tiến sĩ. Đặc biệt, phía trong hậu cung của Văn Miếu thờ cả thảy chín bài vị. 
Chính giữa thờ Khổng Tử, ông tổ của đạo Nho. Lần lượt hai bên là Nguyễn Trãi, Chu Văn An, Mạc Đĩnh Chi, Nguyễn Bỉnh Khiêm, Phạm Sư Mạnh, Vũ Hữu, Tuệ Tĩnh, Nguyễn Thị Duệ. Trong cách bài trí thờ tự cũng có nhiều ý nghĩa sâu sắc. Khổng Tử là ông tổ đạo nên được thờ ở chính giữa, bên trái là Chu Văn An, một người thầy mẫu mực trong truyền thống đạo Nho nước ta. Những người còn lại đều là những người con xuất chúng của trấn Hải Dương, đặc biệt là Trạng nguyên Nguyễn Thị Duệ, nữ trạng nguyên duy nhất của nước Việt.
Cứ vào tháng 2 âm lịch hàng năm, tỉnh Hải Dương lại tiến hành mở hội Văn Miếu Mao Điền để mọi người có thể trở về đây chiêm bái, tưởng nhớ các bậc danh tài và thêm tự hào về truyền thống hiếu học của người nước Việt.

Đọc thêm

Điện ảnh Việt và nỗi lo tăng thuế

Điện ảnh Việt và nỗi lo tăng thuế

(PLVN) - Những năm qua, điện ảnh Việt Nam đã có những bước tiến, tăng trưởng hàng năm và có những tác phẩm “ăn khách”.Tuy nhiên, bên cạnh những thành tích đáng ghi nhận, ngành điện ảnh vẫn đang đối mặt với những khó khăn, rào cản về chi phí, đặc biệt vấn đề dự thảo Luật Thuế giá trị gia tăng - GTGT (sửa đổi) sắp tới.

'Ông vua chân dung' của nhiếp ảnh Việt Nam

Bức ảnh Đại tướng Võ Nguyên Giáp ngồi bên nhạc sĩ Văn Cao vào ngày mùng 6 Tết Nhâm Thân 1992. (Ảnh: Nguyễn Đình Toán)
(PLVN) - Sở hữu tư liệu đồ sộ với hàng vạn bức ảnh quý giá chụp chân dung các văn nghệ sĩ, nghệ sĩ nhiếp ảnh Nguyễn Đình Toán được người trong nghề gọi với cái tên thân thương là “ông vua chân dung”. Đây không chỉ là một nghệ danh, mà còn là sự ghi nhận cho những đóng góp không ngừng nghỉ của ông trong việc lưu giữ và tôn vinh vẻ đẹp nghệ thuật qua từng khuôn mặt, từng nhân vật mà ông đã có cơ hội ghi lại trong suốt mấy chục năm qua.

'Multiverse - Đa vũ trụ' - Khám phá một vũ trụ bên trong mỗi con người

"Multiverse - Đa vũ trụ” ẩn chứa những câu hỏi về bản chất con người (Ảnh: BTC)
(PLVN) - Album “Multiverse - Đa vũ trụ” của Tùng Dương có các ca khúc ẩn chứa những câu hỏi về bản chất con người, về sinh tồn và ý nghĩa cuộc sống, về khả năng vượt thoát khỏi không gian sống chật hẹp để vươn tới những vũ trụ xa xăm hoặc để trở về khám phá một vũ trụ bên trong mỗi con người…

Khát khao làm phim điện ảnh “bom tấn”

Bộ phim "Khóc hay cười" thu hút nhiều khán giả.
(PLVN) - “Chúng tôi cố gắng một năm sẽ làm 3 - 4 phim chiếu rạp. Chúng tôi mong muốn làm phim điện ảnh bom tấn, kiểu Hollywood ”. Đó là lời chia sẻ của Đạo diễn Phạm Đức Dũng tại họp báo ra mắt Hãng phim Bạch Mã ngày 13/11/2024 tại Hà Nội.

Huỳnh Thị Thanh Thủy- Tự hào nhan sắc Việt

Huỳnh Thị Thanh Thủy- Tự hào nhan sắc Việt
(PLVN) -  Xuất sắc vượt qua nhiều đại diện đến từ các quốc gia trên thế giới, Huỳnh Thị Thanh Thủy đã đăng quang ngôi vị cao nhất, mang về chiếc vương miện danh giá Hoa hậu Quốc tế đầu tiên cho Việt Nam, đây là sự kiện quan trọng, đánh dấu tên tuổi Việt Nam trên bản đồ nhan sắc thế giới.

'Giọng hát hay Hà Nội năm 2024' - khơi dậy tình yêu Hà Nội

Cuộc thi “Giọng hát hay Hà Nội năm 2024” chính thức trở lại, tiếp tục hành trình tìm kiếm và vinh danh những giọng ca trẻ đầy tài năng của Thủ đô. (ảnh Thùy Dương)
(PLVN) - Cuộc thi “Giọng hát hay Hà Nội năm 2024” không chỉ là sân chơi nghệ thuật, mà còn là dịp để các thí sinh cũng như người dân Hà Nội ôn lại những trang sử hào hùng và khơi dậy tình yêu, niềm tự hào về quê hương trong trái tim mỗi người.