Nữ tình báo có biệt danh 'cơn bão' bị cáo buộc phản bội nước Mỹ

Nữ tình báo có biệt danh 'cơn bão' bị cáo buộc phản bội nước Mỹ
(PLVN) - Bộ Tư pháp Mỹ vừa công bố các cáo buộc chống lại bà Monica Elfriede Witt, một cựu chuyên gia phản gián thuộc Không quân Mỹ đã đào tẩu sang Iran hồi năm 2013, trong đó có có các tội danh làm gián điệp, làm lộ nhiều bí mật của Mỹ.

Ngày buồn với nước Mỹ

Theo cáo trạng do Bộ Tư pháp Mỹ công bố ngày 13/2, bà Witt đào tẩu sang Iran vào tháng 8/2013 và sau đó đã tiết lộ cho Chính phủ Iran nhiều thông tin tình báo quan trọng. “Đây là một ngày buồn đối với nước Mỹ khi một trong những công dân của mình lại phản bội tổ quốc”, Trợ lý Bộ trưởng tư pháp Mỹ phụ trách an ninh John Demers nhấn mạnh trong một tuyên bố được đưa ra vào ngày 13/2. 

Theo giới chức Mỹ, sau khi đào tẩu sang Iran, bà Witt được tuyển vào một chương trình của Iran nhắm vào các cựu nhân viên tình báo và những người được miễn trừ an ninh của Mỹ. Trong khuôn khổ chương trình này, bà ta bị tình nghi đã tiết lộ với chính quyền Iran mật danh và nhiệm vụ của một chương trình thu thập thông tin tình báo bí mật cao của Mỹ.

Bộ Tư pháp Mỹ cũng bị cáo buộc bà Witt, năm nay 39 tuổi, đã phản bội các đồng nghiệp cũ trong cộng đồng tình báo Mỹ khi tiết lộ cho giới chức Iran thông tin chi tiết về đời tư và nghề nghiệp của họ. Cụ thể, theo cáo trạng, sau khi Witt tới Iran, bà ta đã được chính quyền Tehran cung cấp cho nhà ở cùng máy tính và các thiết bị để hỗ trợ truy tìm nhân viên tình báo Mỹ. 

Từ tháng 1/2014 và tháng 5/2015, bà ta đã tạo ra “gói mục tiêu” hoặc hồ sơ về các cựu đồng nghiệp từng tham gia công tác phản gián. Trong số đó, giới chức Mỹ cho rằng bà này đã cung cấp cụ thể danh tính của một nhân viên tình báo Mỹ, gây nguy cơ cho cá nhân này. Theo phía Mỹ, đây là người mà bà ta đã tích cực lục tìm thông tin trên facebook và các nguồn khác trong vòng vài tuần trước khi đào tẩu sang Iran. 

Cùng bị truy tố với người này còn có 4 tin tặc khác được chính phủ Mỹ xác định có liên quan đến Chính phủ Iran. Những người này cũng bị truy tố với cùng tội danh với bà Witt vì bị cáo buộc đã sử dụng các thông tin do người này cung cấp để nhắm tới các nhân viên tình báo của Mỹ trên không gian mạng bằng cách tạo ra các liên kết và tệp đính kèm có chứa phần mềm độc hại mà nếu những người này vô tình mở ra, máy tính cá nhân và cả hệ thống máy tính nội bộ của họ có thể bị tấn công.

Truyền thông Mỹ dẫn các nguồn tin cho biết, Witt thực chất đã bị FBI đưa vào tầm ngắm trong vòng ít nhất 1 năm trước khi bà ta đào tẩu sang Iran. Sở dĩ người này bị FBI đưa vào radar chú ý bởi bà ta đã tham dự một hội nghị tại Iran và xuất hiện trong các video có nội dung chống lại Mỹ.

Giới chức Mỹ đã phát lệnh truy nã với Witt.
Giới chức Mỹ đã phát lệnh truy nã với Witt.

Giới chức Mỹ cũng đã cảnh báo với Witt về các hành động của bà ta, về khả năng bà ta đang bị tình báo Iran nhắm mục tiêu để tuyển mộ. Song, người này cam kết sẽ không công bố thông tin nhạy cảm về công việc của mình nếu có dịp quay trở lại Iran.

“Từng là người có thể tiếp cận các thông tin an ninh thuộc dạng tuyệt mật, bà Monica Witt đã tích cực tìm kiếm cơ hội nhằm làm suy yếu nước Mỹ và ủng hộ Chính phủ Iran – nước đặt ra đe dọa nghiêm trọng đối với an ninh quốc gia của Mỹ”, trợ lý Giám đốc FBI Jay Tabb nhấn mạnh. Theo ông Tabb, những thông tin mà bà Witt đã cung cấp cho Iran có thể gây thiệt hại nghiêm trọng tới an ninh quốc gia của Mỹ.

“Cơn bão bướng bỉnh”

Bà Witt, 39 tuổi, sinh ra tại bang Texas của Mỹ. Năm 1997, bà ta gia nhập lực lượng không quân Mỹ, làm việc tại Văn phòng điều tra đặc biệt – nơi tiến hành các cuộc điều tra phản gián ở Mỹ và nước ngoài. Ít lâu sau đó, bà ta theo học tiếng Ba Tư tại Học viện Ngôn ngữ Quốc phòng ở Monterey, California và tiếp tục tập trung vào việc thu thập thông tin liên lạc của các đối thủ nước ngoài mà tình báo Mỹ chặn được.

Được nhận xét là một nhân viên gương mẫu, bà ta nhanh chóng được thăng lên vị trí có thể tiếp cận một số bí mật được bảo vệ nghiêm ngặt nhất của quân đội Mỹ. Trong thời gian này, bà ta đã được điều động tới làm việc trong những phái bộ tình báo thuộc dạng mật của Mỹ ở nước ngoài, trong đó có một thời gian làm việc ở Trung Đông. 

Năm 2008, sau hơn 10 năm làm chuyên viên về mật mã và người điều tra nghiên cứu phản gián cho Không quân Mỹ, bà ta trở thành một nhà phân tích tình báo cho nhà thầu tư nhân Booz Allen Hamilton.

Khi đó, bà ta giúp quản lý chương trình có tính bảo mật cao liên quan đến các nguồn tin hợp tác với Mỹ chống lại Iran. Một người quen cũ của Witt cho biết, khi làm việc cho không quân Mỹ, bà ta đã trở nên bất mãn và dần say mê văn hóa Ba Tư.

Có nguồn tin cho rằng, sự bất mãn này xuất phát từ việc bà ta cho rằng tình trạng tham nhũng ở Iraq và Afghanistan là do Mỹ gây ra. Về sau, bà ta cải sang đạo Hồi. Một số quan chức trong Chính phủ Mỹ gọi bà ta với biệt danh là “Cơn bão Wayward”.

Bản cáo trạng chống lại Witt cho biết, trong thời gian trước khi đào tẩu sang Iran, người này thường xuyên liên lạc với một cá nhân được đặt biệt danh là A, một người mang hai quốc tịch Mỹ và Iran nhưng bị cáo buộc tham gia hỗ trợ cơ quan tình báo Iran.

Theo các công tố viên Mỹ, vào tháng 6/2012, A đã thuê bà Witt làm trợ lý cho một bộ phim tuyên truyền chống Mỹ về sau được phát sóng tại Iran. Tờ The Washington Post cho hay, kênh truyền hình Press TV của Iran vài tháng sau đó đã đăng tải một bài phỏng vấn một người có tên Monica Witt, tuyên bố từng là nhà tư vấn tại Bộ Quốc phòng Mỹ, kể về “không khí câu lạc bộ dành cho đàn ông” và tình trạng lạm dụng tình dục lan tràn trong quân đội Mỹ.

Theo New York Times, đến giữa năm 2013, Witt đã trở nên vỡ mộng với Chính phủ Mỹ. Các công tố viên Mỹ cho rằng, kể từ đó, ý nghĩ phản bội càng ngày càng lớn trong Witt. Tháng 8/2013, sau khi dự 2 hội nghị được tổ chức ở Iran và do nước này đài thọ toàn bộ chi phí đi lại, ăn ở, bà ta đã quyết định đào tẩu tới luôn nước này.

Về phía Iran, giới chức Mỹ cho rằng Tehran đã quyết định chiêu mộ Witt sau khi bà ta dọa sẽ mang các bí mật tới Nga và trao các bí mật này cho trang mạng WikiLeaks. Giới chức Mỹ đến nay chưa cho biết liệu Witt đã gây ra thiệt hại nào tới các chiến dịch tình báo của Mỹ hay chưa nhưng tất cả các chương trình mà bà ta từng được tiếp cận khi còn làm việc trong không quân Mỹ đều được xem là có thể bị xâm nhập.

Ngoài ra, việc bà ta từng làm việc chặt chẽ với FBI trong vấn đề phản gián cũng như việc bà ta biết danh tính của những người Iran đang cung cấp thông tin cho các cơ quan tình báo Mỹ cũng là một vấn đề gây đau đầu. Hiện nay, Witt và cả 4 tin tặc bị Mỹ truy tố cùng vẫn đang ở Iran.

Báo chí Mỹ cho rằng trường hợp của bà Witt là điển hình trong số các vụ việc đã bị giới chức Mỹ phanh phui gần đây mà trong đó các nước ngoài, đặc biệt là Trung Quốc, bị cáo buộc tìm cách tuyển mộ những người từng làm việc trong quân đội hoặc cơ quan tình báo của Mỹ.

“Vụ việc này đã cho thấy sự nguy hiểm mà các nhân viên tình báo của chúng ta đối mặt cũng như sự kiên nhẫn của các đối thủ nhằm phát hiện, tiếp cận họ và trong một số trường hợp hiếm hoi là khiến họ quay lưng lại với đất nước mà họ từng thề sẽ bảo vệ”, ông John C. Demers – người đứng đầu bộ phận an ninh quốc gia tại Bộ tư pháp Mỹ - nói trong một tuyên bố.

Đọc thêm

Triệt phá đường dây chế độ vũ khí quân dụng

Các đối tượng bị bắt giam về tội "Tàng trữ, mua bán trái phép vũ khí quân dụng" cùng tang vật (Ảnh: CACC).
(PLVN) -  Cơ quan CSĐT quận 4 (TP HCM) vừa triệt phá đường dây “độ, chế”, tàng trữ, mua bán trái phép vũ khí quân dụng và công cụ hỗ trợ liên tỉnh/thành; khởi tố, bắt tạm giam 5 đối tượng về tội “Tàng trữ, mua bán trái phép vũ khí quân dụng”.

Kỷ luật 2 lãnh đạo tỉnh Đồng Tháp

Kỷ luật 2 lãnh đạo tỉnh Đồng Tháp
Phó Thủ tướng Thường trực Nguyễn Hòa Bình đã ký các Quyết định của Thủ tướng Chính phủ về việc thi hành kỷ luật đối với Phó Chủ tịch và nguyên Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp.

Bắt đối tượng vận chuyển gần 12.000 viên ma túy tổng hợp

Tang vật vụ án.

(PLVN) - Ngày 13/1, thông tin từ Công an huyện Cam Lộ (tỉnh Quảng Trị) cho biết, Cơ quan Cảnh sát điều tra (CSĐT) thuộc đơn vị đang tiếp tục mở rộng điều tra về hành vi “Mua bán trái phép chất ma túy” đối với Lê Văn Q (SN 1980, trú tại xã Cam Nghĩa, huyện Cam Lộ).

Vụ án tại Trung tâm R&D thuộc BQL Khu CNC TP HCM: Cựu lãnh đạo Sở KH&ĐT nhận tiền tỷ khi duyệt dự án

Bị cáo Minh tại một phiên tòa hồi tháng 7/2024. (Ảnh: Hải Duyên)
(PLVN) - Dự kiến từ ngày 15/1, TAND TP HCM sẽ đưa bị cáo Trần Thị Bình Minh (cựu PGĐ Sở KH&ĐT), Phan Tất Thắng (cựu Phó phòng Kinh tế) ra xét xử về tội Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong thi hành công vụ trong vụ án xảy ra tại Trung tâm nghiên cứu triển khai Khu công nghệ cao (Trung tâm R&D) thuộc Ban Quản lý Khu công nghệ cao (BQLKCNC) TP HCM và các đơn vị liên quan.