Vui mừng vì con đã tỉnh táo, ra khỏi phòng chăm sóc đặc biệt, mẹ nữ sinh viên 19 tuổi kể, tưởng rằng đã “một mất một còn” khi đưa con trong tình trạng hôn mê từ Mộc Châu (Sơn La) về thẳng Hà Nội.
Mẹ nữ sinh cho biết, ngày 7/2 (mùng 3 Tết) thiếu nữ này có đi chúc Tết cùng bạn bè và về nhà một bạn trong nhóm nấu cơm, uống rượu mừng năm mới. Sau bữa rượu, cô rơi vào tình trạng hôn mê. Đến 9 tiếng đồng hồ sau thấy bạn không tỉnh dậy, bạn bè mới gọi bố mẹ đến đón.
"Đến đón con, tôi hoảng hồn vì nó nằm li bì không biết gì. Bố mẹ nâng tay lên lại rơi xuống. Đây cũng là lần đầu tiên con uống rượu, nên ban đầu gia đình cũng nghĩ vì lần đầu nên con say, chỉ nhờ một bác sĩ quen khám và truyền nhanh 5 chai nước trong hơn 2 tiếng thấy con không tỉnh dậy mới tá hỏa đưa con thẳng từ Mộc Châu về Bệnh viện Bạch Mai lúc rạng sáng ngày 8/2 (mùng 4 Tết)", mẹ bệnh nhân chia sẻ.
BS Nguyễn Trung Nguyên, Phụ trách Trung tâm chống độc (BV Bạch Mai) cho biết, bệnh nhân nhập viện trong tình trạng hôn mê, phải đặt ống thở và điều trị tích cực. Sau gần 1 ngày điều trị tích cực bệnh nhân đã tỉnh và có thể nói chuyện được.
Kết quả xét nghiệm cho thấy bệnh nhân không có cồn công nghiệp methanol trong máu nhưng có thể bệnh nhân rơi vào nguy kịch do uống quá nhiều rượu.
BS Nguyên cho biết thêm, trong những ngày Tết Nguyên đán mỗi ngày tại đây tiếp nhận 2-3 trường hợp ngộ độc rượu.Trong đó phần lớn là các ca ngộ độc rượu thông thường, do uống quá nhiều rượu gây nên ngộ độc.
"Chỉ là ngộ độc rượu đơn thuần không phải rượu cồn công nghiệp methanol nhưng có những ca ngộ độc rất nặng, phải hồi sức, thở máy. Ngày nào cũng tiếp nhận 2 - 3 bệnh nhân ngộ độc rượu, cho thấy người Việt vẫn uống quá nhiều bia rượu, kéo theo nhiều hệ lụy cho sức khỏe. Đối tượng uống rượu cả nam giới, phụ nữ, người già, người trẻ", BS Nguyên cho biết.
Đặc biệt, BS Nguyên cảnh báo tình trạng lạm dụng nghiện chất của giới trẻ có xu hướng tăng lên rất nhiều. Ngoài nữ bệnh nhân 19 tuổi, tại khoa cũng đang điều trị cho một nữ bệnh nhân khác mới 23 tuổi. Cô được đưa đến viện bởi một bệnh lý liên quan mạch máu, nhưng qua hỏi bệnh sử, bệnh nhân có tiền sử nghiện rượu và thuốc lá kéo dài trước khi nhập viện.
Theo lời gia đình, mỗi ngày cô gái này uống đến 600 – 700ml rượu kèm hút thuốc lá trong thời gian kéo dài là căn nguyên gây nên căn bệnh mạch máu.
Theo BS Nguyên, xu hướng trước Tết và sau Tết bệnh nhân ngộ độc rượu đều tăng lên do thói quen "chén rượu đầu xuân" của người Việt. Những bữa rượu tân niên ở hàng quán kéo theo nguy cơ uống phải rượu pha cồn công nghiệp methanol rất nguy hiểm.
Tại Trung tâm hiện đang điều trị tích cực, lọc máu cho bệnh nhân nam 53 tuổi (Hà Nam) nghi ngộ độc rượu cồn công nghiệp methanol hiện vẫn rất nguy kịch.
BS Nguyên cũng cho rằng văn hóa uống rượu cần thay đổi, “chén rượu đầu xuân” để chúc nhau mang lại may mắn, sức khỏe chứ không nên ép rượu đến biêng biêng, say rượu vừa mất vui, vừa có những hiểm nguy đe dọa tới sức khỏe người say.
Ở người Việt Nam, để phù hợp với kích cỡ cơ thể và dễ ước tính, với nam giới không nên quá 20 gam/ngày, tương đương 500ml loại bia 5%, 60ml loại rượu 39.9%; với nữ giới không nên quá 10 gam/ngày, tương đương với 250ml loại bia 5%, 30ml loại rượu 39.9%.