Trẻ trung và xinh đẹp, là ấn tượng mà cựu sinh viên Trường văn hóa nghệ thuật Nguyễn Thị Nhã Phương (SN 1990, quê xã Sơn Thủy, huyện A Lưới, tỉnh Thừa Thiên - Huế) để lại cho bất kỳ ai có dịp tiếp xúc. Thật không ngờ, năm 2009, “bông hoa” xinh tươi, cuốn hút ấy lại phải đứng trước vành móng ngựa, rồi trở thành phạm nhân, thụ án tại Trại giam Bình Điền (tỉnh Thừa Thiên - Huế) chấp hành bản án 7 năm 6 tháng tù về tội “cướp tài sản”.
Tất cả chỉ vì một câu chuyện trớ trêu: Bạn trai mượn điện thoại di động, “cắm” cho tiệm cầm đồ, không chịu trả. Phương lấy lại tài sản bằng cách rủ bạn trai đến chỗ vắng tâm sự, để “đàn em” ra tay cướp chiếc dây chuyền vàng trên cổ thanh niên này.
Dựng “kịch bản” để lấy lại tài sản bạn trai đã mượn
Đã năm năm trôi qua trong trại giam, Phương vẫn khiến người đối diện không khỏi thầm xuýt xoa bởi vẻ ngoài xinh đẹp, làn da trắng hồng, nét môi tươi tắn…Nhưng tịnh không còn “dấu vết” của cô gái mười chín tuổi năm nào, khi chưa phải khoác trên người bộ áo quần kẻ sọc. Bây giờ, trong đôi mắt đẹp là ánh buồn thăm thẳm. Ánh mắt ấy như đang nhìn vào nơi nào đó thật xa xăm.
Phương buồn bã kể, cô theo học ở Trường Văn hóa Nghệ thuật tại TP. Huế, nên từ A Lưới về Huế thuê nhà ở trọ. Nguyễn Văn Quang Hùng là người bạn trai rất có cảm tình với cô. Không những thường xuyên đến phòng trọ chơi, mà còn nhiều lần Hùng tình nguyện làm “tài xế” chở cô vượt quãng đường 70km đèo dốc khó đi từ Huế lên A Lưới.
Hùng cùng về nhà mình ở A Lưới bao nhiêu lần, cô gái không nhớ hết được. Phương chỉ không bao giờ quên ngày 21/5/2009 “định mệnh”. Hôm đó, Hùng chở Phương từ Huế lên A Lưới, trên đường đi chẳng may bị cảnh sát giao thông tuýt còi vì chạy quá tốc độ. Để có tiền nộp phạt, Hùng mượn điện thoại di động của Phương trị giá 2,7 triệu đồng, đem đến tiệm cầm đồ “cắm”, với lời hứa sẽ nhanh chóng chuộc điện thoại ra, trả lại cho bạn gái.
Tuy nhiên, đã mấy ngày trôi qua mà Phương vẫn không thấy Hùng có “động tĩnh” gì. Cô nóng ruột đem câu chuyện kể với mấy thanh niên là “em út” thân thiết ở A Lưới. Cả bọn xúm vào bàn mưu tính kế cách lấy lại tài sản. Kịch bản được dựng lên: Phương sẽ rủ Hùng đến chỗ vắng tâm sự, để “đàn em” có cơ hội “mượn” chiếc dây chuyền vàng Hùng đeo trên cổ.
Buổi tối hôm đó, Hùng khấp khởi như mở cờ trong bụng vì được người đẹp rủ ra phía sau UBND xã Sơn Thủy (huyện A Lưới) chơi. Ban đêm, nơi này vắng người lại qua, các cặp đôi tha hồ mà “tâm sự”, không sợ bị người khác dòm ngó. Tuy nhiên, mới dựng xe máy, lót dép ngồi chưa nóng mông, cặp đôi đã bị một tốp thanh niên địa phương bao vây, đe dọa rồi sấn vào “đè cổ” Hùng lột mất sợi dây chuyền.
Không còn tâm trí nào để “tâm sự”, Hùng theo về lại nhà bạn gái. Tuy nhiên, sau khi đã hoàn hồn, Hùng nghi ngờ việc bị cướp dây chuyền có điều gì đó “là lạ”. Mặc dù mấy kẻ cướp kia tỏ ra hung tợn, nhưng Phương vẫn có vẻ gì đó bình tĩnh, không thực sự hốt hoảng sợ sệt như tâm lý của những người đứng trước nguy cơ bị xâm phạm tài sản, sức khỏe tính mạng. Mặt khác, Hùng nhớ lại một vài gương mặt kẻ cướp quen quen. Từ những điều đó, nạn nhân nghi vấn vụ cướp dàn dựng.
Nhắc lại chuyện đã qua, Phương cười buồn: “Em đâu có nghĩ làm như vậy là phạm tội cướp. Nếu biết thì có cho thêm tiền em cũng không dám. Sau khi lấy được sợi dây chuyền trị giá 4,7 triệu đồng, em cũng đem đến tiệm cầm đồ mà Hùng đã cầm chiếc điện thoại, cầm chiếc dây với số tiền bằng đúng số tiền chuộc được điện thoại của mình”.
"Kịch bản được dựng lên: Phương sẽ rủ Hùng đến chỗ vắng tâm sự, để “đàn em” có cơ hội “mượn” chiếc dây chuyền vàng Hùng đeo trên cổ." |
Có điều, người đẹp đến bây giờ vẫn không hiểu nổi vì sao người bạn trai lại báo công an. Cô ấm ức: “Hùng đoán ra là em “làm”. Đã đoán ra như vậy thì chỉ cần đến chuộc về là xong. Vậy mà, tuy không nói gì với em, nhưng Hùng báo cho mẹ của em toàn bộ sự việc. Khi thấy mẹ hốt hoảng, định gọi em về giải quyết, đi chuộc sợi dây chuyền, Hùng còn can ngăn. Anh ta nói chuyện đâu còn có đó, để sau giải quyết cũng được. Thời gian này em đang chuẩn bị thi học kỳ, cứ để em ổn định tâm lý, thi xong rồi hẵng tính. Không ngờ, ngay sau đó, Hùng báo công an…”
Đếm từng giờ trong tù chờ ngày về với mẹ
Vị kiểm sát viên công tác tại VKSND tỉnh Thừa Thiên - Huế giới thiệu về vụ án của Phương với chúng tôi, đã từng xuýt xoa rất nhiều. Trong câu chuyện, ông không ít lần nhắc đến nét đẹp, duyên dáng của cô gái; mà còn xoáy sâu vào chi tiết cô gái mù” pháp luật.
Chỉ vì thiếu hiểu biết về pháp luật, cứ nghĩ một cách đơn giản “đối tượng” là bạn trai và chỉ lấy lại tài sản của mình do bạn trai chây ì không chịu trả, nên cô gái ấy mới hành động nông nổi như vậy. Tuy nhiên, theo luật thì hành vi của Phương đã cấu thành tội cướp tài sản. Cái giá quá đắt.
Phương tâm sự: “Ban đầu em đã tự dày vò bản thân rất nhiều. Đã khóc rất nhiều. Nhưng khóc lóc thì cũng có ích gì. Mình đã trót phạm sai lầm thì phải cố gắng cải tạo thật tốt, để sớm được “ra”, trở về với gia đình, cha mẹ”. Rồi Phương khoe, trong năm năm cái tạo, sự cố gắng của cô đã được ghi nhận. Cô được giảm án ba lần, tổng cộng 23 tháng.
“Một ngày trong tù dài lắm. Buồn lắm. Vậy nên, dù được giảm án một ngày cũng quý. Em “rút ngắn” thời gian ở tù được 23 tháng rồi, cha mẹ em rất mừng. Bây giờ còn 8 tháng nữa là được ra. Em đếm từng giờ, từng ngày. Cha mẹ đếm từng giờ, từng ngày. Mỗi lần đến thăm, cha mẹ đều nói về nỗi mong ngóng con gái sớm về nhà. Dù em đã phạm sai lầm, nhưng cha mẹ luôn bao dung, tha thứ. Nghĩ đến người ruột thịt bao giờ cũng yêu thương mình, em càng cố gắng hơn”, nữ phạm nhân 24 tuổi tâm sự.
Câu chuyện buồn của nữ phạm nhân khiến quãng đường về của chúng tôi dường xa ngái hơn, nhất là mẩu đối thoại trước lúc chúng tôi chào tạm biệt: “Em học ngành gì tại trường Văn hóa Nghệ thuật?” “Em học Mỹ thuật”. “Vậy sau khi ra tù, em định làm gì để sống?” “Em chưa biết phải làm công việc gì. Nhưng có lẽ, em không còn theo đuổi được ngành học mà em yêu thích. Công việc của em sau này có lẽ cũng chẳng dính dáng gì đến đam mê vẽ. Trước mắt, sau khi ra tù, em trở về với gia đình rồi tính tiếp”.
(Tên nhân vật trong bài đã được thay đổi)