Liên tiếp đạt thành tích cao
Gặp chúng tôi trước ngày Tết Nguyên đán xuân Kỷ Hợi cận kề, trao đổi với chúng tôi Đại úy Mai Thị Thu Trang (SN 1985, quê Thái Bình) đang công tác tại Đội 11, Phân trại số 01, Trại giam Xuân Nguyên, TP Hải Phòng đã 3 lần liên tiếp đạt giải chiến sĩ quản giáo giỏi trong các cuộc thi của Trại giam Xuân Nguyên và của Cụm trại giam số 02.
Theo lời Đại úy Trang, thông thường thì Hội thi Chiến sĩ quản giáo giỏi được trại giam 2 năm tổ chức một lần và Cụm trại giam tổ chức 5 năm một lần.
Năm 2012, Đại úy Trang sau nhiều nỗ lực của bản thân và tìm hiểu các quy định của pháp luật đã giành được giải nhất hội thi của Trại giam Xuân Nguyên. Đến năm 2016 Đại úy Trang giành được giải ba của Cụm trại giam số 2 và năm 2018 chị tiếp tục giành được giải nhất trong hội thi của đơn vị tổ chức.
Để đạt được những thành tích ở trên, Đại úy Trang cho biết trong quá trình học tập của mình thì người chiến sĩ quản giáo phải chấp hành theo đúng Thông tư 16 của ngành, đồng thời cần phải áp dụng chặt chẽ kiến thức đó khéo léo gắn bó vào trong thực tế của cuộc sống.
“Khi tôi đạt giải chồng tôi và gia đình rất vui mừng. Tối đó, chồng tôi thỏ thẻ vào tai tôi và hôn lên môi một nụ hôn chúc mừng mà tôi vẫn còn nhớ mãi” – Đại úy Trang trao đổi về phần thưởng của chồng tặng mình khi đạt giải nhất trong cuộc thi của đơn vị.
Nói về cuộc sống gia đình, Đại úy Trang cho biết khi bắt đầu thi và đỗ vào Trại giam Xuân Nguyên năm 2005, chị gặp chồng chị là Đại úy Nguyễn Đức Huynh – cán bộ Đội giáo dục hồ sơ và sau đó hai anh chị nảy sinh tình cảm.
Một năm tìm hiểu nhau, hai anh chị tiến tới tổ chức lễ cưới, đến năm 2007 anh chị sinh được một người con gái và 7 năm sau (2014) thì anh chị sinh được một người con trai bụ bẫm, kháu khỉnh.
Theo Đại úy Trang, hầu hết tất cả các cán bộ công tác trong các Trại giam, Trại tạm giam đều rất bị gò bó về mặt thời gian nên không thể chăm sóc cho con cái như những ngành nghề khác. Để động viên con cái, anh chị đều luôn dặn dò các con phải cố gắng phấn đấu học tập và luôn luôn nghe lời ông bà, cha mẹ.
Có lẽ vì công việc đặc thù nên nhiều lúc cả hai vợ chồng Đại úy Trang phải ứng trực tại cơ quan nên nhiều cái Tết anh chị ước được đón giao thừa cùng gia đình. Trong suốt 16 năm công tác thì có 8 lần anh chị ăn Tết trong trại giam cùng các đồng nghiệp và các phạm nhân.
Các phạm nhân được học may (Ảnh: Zing) |
Kể lại thời điểm đầu bước chân vào công tác tại trại giam Xuân Nguyên, Đại úy Trang vẫn nhớ mãi khi “chạm chán” với một nữ phạm nhân “sừng sỏ” mang bản án chung thân.
“Lúc đó tôi mới ra trường, chưa có nhiều kinh nghiệm và còn non nớt trong quá trình giáo dục các phạm nhân nên nữ phạm nhân này rất ương bướng và khó bảo. Đến khi tìm hiểu kỹ về phạm nhân này, tôi thấy đáng thương hơn là đáng trách, cũng chỉ vì hoàn cảnh xô đẩy mà dẫn đến phạm tội, bây giờ, phạm nhân này đã được trở về với gia đình, quay trở lại với xã hội làm một công dân có ích. Nhiều lúc cứ nghĩ, vì nữ phạm nhân “sừng sỏ” này mà trong suốt quá trình công tác của tôi, tôi luôn phấn đấu thật tốt để giáo dục, cải tạo các phạm nhân này ” – Đại úy Trang chia sẻ.
Hoàn cảnh đặc biệt
Mỗi cái Tết trong trại giam là một hoàn cảnh khác nhau và có rất nhiều cảm xúc lẫn lộn đan xen. Có dịp vào đêm giao thừa, khi đang ứng trực trong trại giam Đại úy Trang đã chứng kiến cảnh các phạm nhân không có gia đình thăm gặp ôm nhau khóc nức nở và chúc nhau một cái Tết an lành.
Theo lời Đại úy Trang, Đội 11, phân trại số 01, Trại giam Xuân Nguyên có tổng cộng 29 phạm nhân nữ và tất cả đều được học nghề may.
Với những cán bộ làm công tác quản lý, giáo dục, cải tạo phạm nhân ở Trại giam Xuân Nguyên, Tết chính là khoảng thời gian bận rộn nhất trong năm của họ. Trong khối công việc khổng lồ, các cán bộ đặc biệt chú ý tới công tác xét duyệt, đánh giá hoạt động cải tạo của phạm nhân trong năm cũ.
Bởi thế, hầu hết, phạm nhân nào cũng hào hứng, mong ngóng tới Tết, vì đó là dịp phạm nhân có cơ hội hưởng đặc xá, hoặc giảm án, “bẻ khung”… theo đúng chính sách khoan hồng của Nhà nước. Ngoài ra, đây cũng là dịp phạm nhân được đoàn tụ bên gia đình, dù giây phút gặp gỡ không quá dài.
Được đào tạo bài bản về nghề may nên các phạm nhân luôn cố gắng cải tạo tốt để sớm quay trở lại tái hòa nhập cộng đồng. (Ảnh: Zing) |
Đại úy Trang cho biết, đối với những phạm nhân cải tạo tốt, những người có hoàn cảnh khó khăn, thiếu thốn tình cảm của gia đình, không được người thân thăm nom, chăm sóc, bao giờ Ban giám thị cũng có những món quà nhỏ để động viên, chia sẻ khó khăn với họ. Đây cũng là những trường hợp được Ban giám thị đặc biệt quan tâm, hỗ trợ để phạm nhân có cái Tết đầy đủ, tươm tất như những phạm nhân khác, giúp họ yên tâm cải tạo, vơi bớt nỗi mặc cảm, buồn phiền và tiếp thêm cho họ sức mạnh, ý chí hoàn lương.
Món quà chung người nhà phạm nhân gửi tới con em ngày Tết thường là bánh kẹo, bánh chưng, giò lụa, thịt gà… Chính vì thế, dường như Tết trong trại giam thường đến sớm hơn và nó là nỗi mong mỏi, chờ đợi của cả ngàn người đang cố gắng học tập, cải tạo, lao động để mong ngày được trở về ăn Tết cùng gia đình.
Ngoài ra, người nhà vẫn không quên mang theo những nhu yếu phẩm cần thiết cho phạm nhân như gói xà phòng, chai dầu gội, hay những món ăn để được lâu dài như muối vừng, lạc rang, cá khô… chuẩn bị cho những tháng Giêng, Hai.
Hầu hết, những cuộc thăm thân nhân ngày Tết luôn ngập tràn nước mắt, bịn rịn nhớ nhung. Bởi lẽ, Tết là khi con người ta dễ yếu đuối, mềm lòng nhất vì không được quây quần, đoàn tụ bên gia đình.
Trong 29 nữ phạm nhân, Đại úy Trang nhớ nhất là phạm nhân Bàn Thị Như (SN 1994, trú tại Tuyên Quang). Phạm nhân này bị kết án 7 năm tù vì tội Trộm cắp tài sản và đã thụ lý được 3 năm tù.
“Trong suốt thời điểm vào trại, nữ phạm nhân này không có gia đình đến thăm gặp. Biết hoàn cảnh của phạm nhân này khó khăn nên những cán bộ quản giáo luôn khích lệ, động viên tinh thần và ở gần họ khi Tết đến xuân về. Đồng thời các phạm nhân cùng phòng đều có tư tưởng yêu thương, đùm bọc lẫn nhau nên khi được gia đình gửi quà Tết, mỗi người đều chia cho phạm nhân này một phần và cùng ôm nhau chia sẻ về cuộc sống gia đình và ước mơ sau khi ra trại”. – nữ quản giáo Trang cho biết thêm.
Có lẽ, hơn lúc nào hết, Tết là thời khắc mà các phạm nhân thấm thía về sai lầm của mình, từ đó lòng khao khát cải tạo, mong mỏi sớm được trở về đoàn tụ bên người thân càng trở nên mãnh liệt. Tuy nhiên, Tết cũng là thời điểm nhạy cảm, dễ gợi nhớ, gợi thương về giây phút đoàn tụ bên gia đình, nên diễn biến tâm lý phạm nhân trở nên phức tạp, khó đoán hơn rất nhiều.
Nhiều phạm nhân ngày thường vui vẻ, hòa nhã, cải tạo tốt… nhưng mấy ngày Tết trở nên đăm chiêu, thở vắn than dài, lúc nào nước mắt cũng lưng tròng. Hỏi ra mới biết, nam phạm nhân ấy nhớ nhà, nhớ vợ con quá, đâm ra trắng đêm không ngủ được. Lúc này, cán bộ quản giáo trở thành người bạn tâm giao, người tri kỷ ở bên cạnh động viên, khích lệ, trò chuyện cùng họ. Giúp họ giải tỏa tâm lý phiền muộn, bình thản đón tết, yên tâm cải tạo.