Khai sinh môn nghệ thuật mới
Sinh năm 1957 tại Sài Gòn, từ nhỏ Trần Thị Hoàng Lan đã làm một cô bé có năng khiếu về nghệ thuật. Và câu chuyện về người sáng tạo ra nghệ thuật đổ cát thành tranh của Việt Nam bắt đầu vào những ngày hè ở vùng biển Phan Thiết, Bình Thuận. Đó là năm 2001, khi bà về thăm quê chồng. Vốn là người có tâm hồn nghệ sĩ, lại từng hoạt động trong nhiều lĩnh vực nghệ thuật khác nhau từ dạy nấu ăn đến trang điểm, chăm sóc da, nên bà rất nhạy cảm trước bất kỳ vẻ đẹp nào.
Lúc cùng chồng đi dạo dọc bờ biển, Hoàng Lan đã phát hiện vẻ đẹp kỳ lạ của cát khi chúng được ánh nắng mặt trời chiếu vào. Bà quyết định mang 3 màu cát tìm thấy là trắng, vàng và cam về nhà để đổ vào lọ thủy tinh cắm hoa khô.“Lúc đó nhìn thấy bức tranh có hai con cá rất đẹp, tôi nghĩ là tại sao mình không thử lấy cát tạo thành một bức tranh giống như vậy?”, bà Lan tâm sự. Nghệ thuật tranh cát ra đời từ ý tưởng đó và với bà nó đã trở thành niềm đam mê bất tận.
Mỗi ngày bà miệt mài với thìa, muỗng, cát và lọ thủy tinh để tạo ra những tác phẩm đầu tay. Say mê đến nỗi có người nói rằng bà không bình thường. Đến ngay cả chồng bà cũng tỏ ra lo lắng.“Đợi màn đêm buông xuống khi chồng và mọi người đã đi ngủ, tôi lại thỏa sức “nghịch cát”. Có hôm say mê quá làm đến 1- 2 giờ đêm, thậm chí là 5 - 6 giờ sáng”, bà kể lại. Cuối cùng, bà đã thuyết phục được mọi người khi các tác phẩm tranh cát lạ mắt lần lượt ra đời. Từ đôi bức tranh đơn giản hoa lá, cỏ cây bà đã làm được nhiều bức tranh có họa tiết phức tạp hơn như tranh phong cảnh, chân dung…
Khi có trong tay hơn 70 bức tranh lớn nhỏ khác nhau, được sự ủng hộ của bạn bè, người thân, Hoàng Lan quyết định tổ chức cuộc triển lãm đầu tiên. Nói là triển lãm cho sang, thực chất là bà tổ chức một bữa tiệc nhỏ tại gia đình và giới thiệu tranh cho bạn bè cùng chiêm ngưỡng.
Chính từ cuộc ra mắt tranh nho nhỏ này thương hiệu tranh cát Ý Lan đã được nhiều người biết đến. Bà Lan giải thích với chúng tôi rằng: “Tôi tên Hoàng Lan nhưng từ nhỏ đã được mẹ và bà dạy làm cái gì cũng phải có nghĩa, có ý. Tôi thích cái từ “ý” trong “ý nghĩa” nên chọn cái tên “Ý Lan” đặt cho thương hiệu tranh của mình”.
Với những ai đã từng chiêm ngưỡng tác phẩm của Ý Lan thì đều mang trong mình một thắc mắc là tại sao một người chưa từng được đào tạo qua trường lớp về hội họa lại có thể sáng tạo ra môn nghệ thuật độc đáo đến vậy! Cũng có người tìm đến để mua một vài bức tranh làm kỷ niệm.
Sự đón nhận nồng nhiệt của mọi người đã tiếp thêm sức mạnh để Ý Lan không ngừng sáng tạo. Không chỉ tạo ra nhiều tác phẩm mới, bà còn chú trọng đến cách phối màu và truyền bá nghệ thuật này đến với nhiều người. Song con đường nghệ thuật không hề bằng phẳng. Bà phải bôn ba, lên rừng, xuống biển đi tìm những màu cát tự nhiên. Có khi một mình mạo hiểm tìm cát giữa núi rừng hoang vắng. Để cuối cùng bà đã có 81 màu hết thảy và trở thành người tìm ra nhiều màu cát tự nhiên nhất Việt Nam. Giải quyết được vấn đề nguyên liệu, sản phẩm của Ý Lan ngày càng sắc sảo và nhiều triển lãm lớn, nhỏ lần lượt được tổ chức.
Tháng 10/2006, bà Lan được UBND TP Hồ Chí Minh đặt làm 50 logo APEC để tặng Bộ trưởng các nước đến Hà Nội tham dự Hội nghị APEC lần thứ 14. Nhận thấy, đây là cơ hội để mang nghệ thuật tranh cát Việt Nam đến với thế giới, Ý Lan làm thêm 21 bức chân dung để tặng 21 vị nguyên thủ quốc gia. Món quà đặc biệt của bà đã khiến nhiều người ngạc nhiên và trầm trồ thán phục. Cũng sau sự kiện này, Công ty TNHH Tranh cát Ý Lan chính thức được thành lập. Công ty hiện có trụ sở tại phường 28, Q Bình Thạnh, TP Hồ Chí Minh.
Mang nặng một chữ “tâm”
Bà thành lập công ty không phải vì lợi nhuận, bởi bà quan niệm rằng: “Làm gì cũng phải có cái tâm. Như vậy mới có thể có thành công và thành công đó mới mỹ mãn”. Sáng tạo và kinh doanh với một cái tâm trong sáng, Ý Lan không ngừng lớn mạnh. Hiện nay sản phẩm tranh cát Ý Lan không chỉ có mặt trong nước mà còn có mặt ở nhiều nước trên thế giới như Canada, Đức, Mỹ, Nhật, Hàn… Thậm chí, có khách hàng đặt nhiều quá bà phải từ chối vì không đủ khả năng và quan trọng hơn là bà muốn giữ chữ “tín”. “Vì mỗi tác phẩm của Ý Lan khi đến tay khách phải là một tác phẩm độc đáo và giàu sáng tạo”, bà giải thích .
Uy tín trong kinh doanh, Ý Lan còn là một nữ doanh nhân giàu lòng nhân ái. Điều này được chứng minh bằng việc bà thường xuyên tổ chức triển lãm tranh, rồi bán đấu giá tranh lấy tiền làm từ thiện. Tự tổ chức các cuộc triển lãm để giúp đỡ người nghèo, trẻ em lang thang cơ nhỡ, có khi bà lại kết hợp với các tỉnh, thành trong cả nước bán tranh gây quỹ khuyến học, quỹ ủng hộ nạn nhân chất độc màu da cam cho tỉnh. Tháng 7/2015 , bà phối hợp với UBND tỉnh Hà Tĩnh triển lãm tranh gây quỹ tại chương trình “Đồng Lộc - những đóa hoa bất tử”. Bức tranh “10 cô gái Đồng Lộc” của bà đã gây tiếng vang lớn tại buổi lễ này. Thời gian gần đây, bà lại đang bận bịu với cuộc triển lãm tranh tại Vũng Tàu, Hà Nội…
Bà còn là hội viên tích cực của Câu lạc bộ Nữ Doanh nhân TP Hồ Chí Minh. Cứ vào ngày mồng một và ngày rằm hàng tháng, các bà lại tổ chức nấu cơm chay từ thiện tại Câu lạc bộ Hội Nhà báo ở đường Alexandre De Rhode, Quận 1 để gây quỹ giúp đỡ con em thương binh, các gia đình liệt sĩ có hoàn cảnh khó khăn.
Các hoạt động từ thiện, xã hội mà Công ty Ý Lan đã tham gia khó mà có thể đếm hết. Chỉ đến khi ghé thăm xưởng sản xuất tranh cát của Ý Lan, tôi mới thực sự hiểu hết tấm lòng của nữ doanh nhân này. Công nhân trong phân xưởng hầu hết là người có hoàn cảnh khó khăn, được bà đưa về nuôi, dạy nghề và tạo việc làm.
Bà cho biết: “Từ năm 2002 tôi đã nhận học viên khuyết tật vào học. Như vậy vừa giúp các em có được cái nghề, có thể tự nuôi sống bản thân, giúp giảm bớt gánh nặng cho xã hội, lại vừa có thể phát triển nghệ thuật tranh cát”. Mang tất cả kiến thức có được để truyền đạt lại cho các em, bà đã giúp nhiều học trò khuyết tật trở thành những người thợ giỏi. Hiện nay, nhiều học viên đã trở thành nhân sự nòng cốt của công ty, có người còn tự mở cơ sở tranh cát riêng như chị Mai ở Nha Trang, chị Vy ở Vũng Tàu…
Cũng từ các hoạt động xã hội của bà khiến tên tuổi tranh cát Ý Lan bay xa hơn. Giờ đây, tuy không còn độc quyền trong nghề sản xuất tranh cát, nhưng Ý Lan vẫn có lợi thế cạnh tranh của riêng mình. Lợi thế đó có được không phải do bà là người khám phá ra bộ môn nghệ thuật mới mẻ này mà còn do phương thức kinh doanh luôn đặt chữ “tâm” và chữ “tín” lên đầu của Ý Lan. Với cách kinh doanh ấy, chắc chắn ước mơ đưa tranh cát Việt Nam đến với bạn bè năm châu của bà sẽ ngày càng thành công…
- Với hàng loạt các tác phẩm độc đáo từ phong cảnh đến chân dung những người nổi tiếng như Hồ Chủ tịch, Lênin, 10 cô gái Đồng Lộc… bà Trần Thị Hoàng Lan đã được mọi người phong tặng danh hiệu “Người đàn bà có bàn tay phù thủy”.
- Tháng 3 năm 2008, bà vinh dự được nhận danh hiệu “Nữ doanh nhân xuất sắc năm 2007 - Cúp Bông hồng vàng” vì đã có thành tích xuất sắc trong kinh doanh. Từ năm 2007 đến năm 2017, các cuộc triển lãm tranh từ thiện của bà đã đóng góp hàng tỷ cho người nghèo, người tàn tật…