Từ cô giáo đến biệt danh: Chị Vân Sachi
Cuộc sống êm đềm với công việc gõ đầu trẻ tưởng sẽ gắn bó lâu dài với chị Lê Thị Vân thì đột ngột chị rẽ ngang sang đầu tư nông nghiệp, sang thương trường.
Chị Vân kể, đó là thời điểm năm 2012, 2013, khi nghe ông xã - người đồng sáng lập Công ty CP Inca Việt Nam sau này nhắc đến cây Sachi (loài thực vật họ thầu dầu xuất xứ từ Nam Mỹ) bàn với chị là sẽ thử nghiệm trồng, chị đã không ủng hộ ngay lập tức. Lý do bởi trước đó, chồng chị đã thất bại khi trồng nhiều loại cây mới tại Việt Nam vì nhiều lý do khác nhau. Nhưng khi được đối tác của công ty chồng chị giới thiệu về cây Sachi tại xứ sở Chùa Vàng, như một động lực vô hình, chị bắt đầu tìm hiểu về giống cây lạ lẫm này.
Bất ngờ trước những giá trị mà cây Sachi đem lại (trong hạt Sachi có chứa 48 - 54% axit Omega-3, giúp phát triển và nâng cao trí tuệ, giảm cholesterol, điều hòa huyết áp, cân bằng tế bào thần kinh, giảm các nguy cơ đột tử do bệnh tim mạch), cộng thêm những khả thi trong tương lai nếu trồng tại Việt Nam vì cùng điều kiện khí hậu và có nhiều thuận lợi, chị quyết định cùng chồng chuyển hướng công việc.
Sachi hiện được trồng tại một số nước trong khu vực Đông Nam Á như Thái Lan, Malaysia, Campuchia… Tại Việt Nam, Công ty CP Inca Việt Nam do doanh nhân Lê Thị Vân quản lý, điều hành là công ty đầu tiên tiến hành trồng thử nghiệm và phổ biến đại trà. Và cũng không biết tự bao giờ, nhắc đến chị, người dân thay vì gọi tên thông thường, họ đặt cho chị biệt danh rất đặc trưng và thân thương: Chị Vân Sachi!
Cây Sachi - niềm tin của bà con nông dân
Khi chuyển hướng công việc, chị Vân nhận được sự giúp đỡ rất lớn từ cố vấn kỹ thuật PGS.TS Nguyễn Thị Trâm (nguyên Phó Viện trưởng Viện Sinh học). PGS.TS Nguyễn Thị Trâm cũng là người giúp chị đắc lực trong nghiên cứu cũng như xây dựng vùng nguyên liệu khi chị Vân khởi nghiệp đến nay.
Khi bắt tay vào thực hiện kế hoạch, chị Vân chọn trồng thí điểm vùng nguyên liệu Sachi với khoảng 10ha tại xã Cao Sơn (huyện Đà Bắc, tỉnh Hòa Bình), trong đó, Công ty CP Inca Việt Nam tuyên truyền, vận động người dân làm và đầu tư 100% vật tư, cây giống. Tuy nhiên, bước đi đầu tiên của kế hoạch trồng cây Sachi của chị Vân đã thất bại.
Diện tích triển khai trồng vào những tháng cuối của năm 2015 thì vào thời điểm tháng 1/2016, miền Bắc hứng chịu một đợt rét đậm, rét hại lịch sử. Toàn bộ diện tích Sachi bị chết cóng, rụng hết lá. Vì muốn cứu vãn, PGS.TS Trâm và chị đã vận động bà con cắt sát gốc phần cành chết rồi tiến hành ủ ấm gốc chờ đến mùa Xuân cây sẽ nảy mầm. Tuy nhiên, lúc này người dân đã không tin, tiến hành phát dọn đi trồng thay thế cây khác hoặc bỏ mặc. Chỉ còn 3 vườn làm theo là được cho thu quả vào năm sau.
“Chị Vân Sachi”, biệt danh gắn với cây trồng khởi nghiệp của nữ doanh nhân. |
Gặp không ít khó khăn và tiến hành bước đầu đã thất bại, chị Vân không nản lòng mà quyết tâm rút kinh nghiệm, tìm hướng đi mới. Trong năm 2016, chị phối hợp cùng PGS.TS Trâm nghiên cứu, hình thành quy trình phát triển vùng nguyên liệu. Cùng với đó, chị đi khắp các huyện, thành phố trong tỉnh, kể cả các tỉnh bạn để tuyên truyền, vận động, tìm người trồng. Tuy nhiên, chị không tiếp tục chọn trồng ở vùng đã thất bại.
Cho đến nay, vùng trồng nguyên liệu Sachi đã mở rộng ở 10/11 huyện, thành phố (trừ huyện Lạc Thủy) với diện tích 50ha và vùng ngoại tỉnh trồng 50ha. Tuy đang ở giai đoạn trồng mô hình nhưng cây Sachi đã bước đầu tạo niềm tin đối với bà con nông dân nhờ mang đến thu nhập và đầu ra ổn định.
Công ty hợp đồng với các nhóm hộ và tổ chức thu mua toàn bộ nguyên liệu của bà con với thời hạn hợp đồng 10 năm. Không chỉ thu mua quả Sachi như các doanh nghiệp khác mà chị còn thu mua cả lá cho bà con. “Trăm nghe không bằng một thấy”, khi kết quả thực tế đã rõ ràng, độ tin cậy của người trồng đối với doanh nghiệp được nâng lên. Người trồng Sachi yên tâm vì có được lợi ích lâu dài bởi chu kỳ tận thu kéo dài cả chục năm, đầu ra đã được bao tiêu, thu nhập từ trồng Sachi cao từ 3 - 5 lần so với ngô, lúa.
Mới đây, Thứ trưởng Bộ NN&PTNN Lê Quốc Doanh đã lên thăm vùng nguyên liệu và đánh giá cao mô hình trồng cây Sachi của chị Vân và Công ty CP Inca Việt Nam..
Những sản phẩm hoàn hảo…
Có 3 sản phẩm cao cấp làm từ Sachi được cả thế giới biết đến với công dụng tuyệt vời tốt cho sức khỏe là dầu sacha inchi, viên nang omega, hạt rang sấy. Những sản phẩm này được chế biến, chiết xuất từ nguyên liệu quả, nhưng đến chị Vân, Sachi được khai thác triệt để mọi thành phần.
Bước vào sản xuất, bên cạnh 3 sản phẩm cao cấp kia, chị đã nghĩ rằng tại sao không lấy chính lá bọc của nó để tạo ra hương vị mới lạ cho hạt rang sấy. Chính từ đây, chị nghiên cứu và sáng tạo ra sản phẩm hạt bọc socola, hạt bọc trà xanh.
Là cây trồng đa tác dụng, Sachi vừa là dược liệu, thực phẩm chức năng, vừa có thể dùng làm mỹ phẩm. Ngọn Sachi là loại rau đặc sản còn quả non có thể ăn sống. Trước hết, Sachi là cây thảo dược quý, chị lại nghĩ sao lâu nay người ta mới chỉ biết đến sản xuất từ quả mà bỏ quên đi lá – nguồn nguyên liệu rất dồi dào?
Ý tưởng dùng lá cây Sachi làm thành trà thảo mộc nghe rất mới lạ nhưng khi chị Vân đưa ra hội nghị cổ đông đã không nhận được sự ủng hộ. Nhiều ý kiến cho rằng, các sản phẩm trà có mặt trên thị trường hiện nay thì nhiều, liệu tiêu thụ có ổn không, huống hồ đây là sản phẩm bình dân.
Chị Vân và sản phẩm cây sachi được vinh danh |
Đứng trước thử thách mới, người phụ nữ đam mê với cây Sachi một lần nữa bị đặt vào tình thế thử thách. Chị Vân đem kết quả phân tích của chuyên gia (ngoài các thành phần dinh dưỡng như ở quả nhưng có tỷ lệ thấp hơn thì trong thân và lá Sachi còn có hàm lượng Sachi cao) cùng với hỏi ý kiến tư vấn của các công ty dược, chị quyết định âm thầm bỏ tiền túi ra làm thử trà thảo mộc Sachi.
Không ai ngờ rằng ngay sau khi sản phẩm này đưa ra thị trường đã trở thành sản phẩm bán chạy, được người tiêu dùng yêu thích nhất. Trên đà thử nghiệm thành công, chị tiếp tục đưa ý tưởng và thử nghiệm làm trà matcha Sachi và siro Sachi.
Sau 14 tháng đi vào sản xuất, doanh nghiệp của chị đã đưa ra 10 sản phẩm làm từ Sachi trong đó có tới 5 sản phẩm được làm từ ý tưởng sáng tạo của chị, đó là trà thảo mộc, trà matcha Sachi, siro Sachi, hạt bọc socola và hạt bọc trà xanh. Trong đó, 4 sản phẩm đã đưa ra thị trường, 1 sản phẩm là siro Sachi đang chờ kiểm định về an toàn thực phẩm. Doanh nghiệp đã có doanh thu bước đầu trên 1 tỷ đồng kể từ khi đưa sản phẩm tiếp cận thị trường cho đến nay.
Luôn tìm tòi và tạo ra những thử thách mới
Những sản phẩm đầy tính mới, sáng tạo của chị Lê Thị Vân đã và đang đến gần với người tiêu dùng trong nước, phần nào thỏa mong ước của chị là người Việt Nam được dùng sản phẩm của Việt Nam.
Hiện vùng nguyên liệu của Công ty CP Inca Việt Nam có khoảng 100ha và đang tiếp tục mở rộng để đáp ứng nhu cầu sản xuất. Để hướng tới mở rộng quy mô sản xuất, năm 2018, doanh nghiệp đặt mục tiêu tăng diện tích thêm 200 ha và đến năm 2019 tăng thêm 300 ha. Chị Vân cho biết, Công ty đang trong quá trình sản xuất thử nghiệm, về đầu ra sản phẩm có đến 10 đầu mối xuất khẩu nhưng mới chỉ có thể đáp ứng được số lượng hàng mẫu cho 4 đầu mối là khách hàng Hàn Quốc.
Chị đặt mục tiêu đến năm 2023 sẽ vững vàng ở top 3 các doanh nghiệp trồng và chế biến, xuất khẩu Sachi. Cũng theo lộ trình đến năm 2023, doanh nghiệp đầu tư thêm dây chuyền chế biến và mở rộng sản xuất với tổng mức đầu tư huy động trên 10 tỷ đồng. Đồng thời, tạo công ăn việc làm cho hàng trăm lao động ổn định.
Luôn luôn tìm tòi và tạo cho mình những thử thách mới, chị Vân vẫn tiếp tục cùng cộng sự nghiên cứu để lần lượt cho ra mắt 50 sản phẩm từ Sachi, tập trung làm thử nghiệm một số sản phẩm mang tính mới và sáng tạo hơn.
Phía trước vẫn còn rất nhiều khó khăn, thử thách về vốn, về vùng nguyên liệu... nhưng nữ doanh nhân tâm sự với chúng tôi, chị sẽ quyết tâm thực hiện đam mê của mình, coi đó là những thử thách để những thành quả lao động của mình tạo ra thực sự có ý nghĩa…