Nàng công chúa nhảy dù xuống Pháp
Việc Noor trở thành một điệp viên là điều mà bất cứ ai từng gặp bà trước đây đều không thể nghĩ tới, bởi đơn giản là ở bà thoạt nhìn không có bất cứ điểm nào phù hợp với vai trò này. Đầu tiên là xuất thân quyền quý của Noor. Cha của bà là Hazrat Inayat Khan - cháu nội của vua Tipu ở Vương quốc Mysore, một nước Hồi giáo cổ xưa ở miền Nam Ấn Độ.
Gia đình họ đã chuyển tới Anh sinh sống từ lâu. Noor chào đời ngày 1/1/1914 trong Điện Kremlin, nơi cha của bà giảng dạy tại đây. Sau biến cố ngân hàng của ông Hazrat bị phá sản, gia đình bà đã chuyển sang Pháp. Ở vùng đất mới, Noor nhanh chóng hòa nhập được vào cuộc sống ở đây. Sinh trưởng trong một gia đình theo dòng Hồi giáo Sufi ôn hòa, Noor được cha mẹ dạy bảo kỹ lưỡng về chủ nghĩa lý tưởng và sự hy sinh. Bà cũng thể hiện là một người phụ nữ có tâm hồn nhạy cảm, thích làm thơ, chơi nhạc.
Dù gia cảnh khi đó tương đối khó khăn nhưng Noor vẫn cố gắng hoàn thành chương trình đại học ngành tâm lý trẻ em và bắt đầu viết truyện cho nhóm đối tượng này. Nhiều truyện của cô đã được phát sóng và xuất bản không chỉ ở Pháp mà còn ở các nước khác trên thế giới. Bước ngoặt trong cuộc đời Noor diễn ra sau sự kiện quân Đức tấn công nước Pháp vào năm 1940.
Bức ảnh chụp Noor Inayat Khan thời trẻ |
Ban đầu, Noor đăng ký tham gia và được đào tạo để trở thành một thành viên của đội cứu thương của Pháp. Tuy nhiên, khi cuộc chiến ngày càng lan rộng, vì có hộ chiếu Anh nên cả gia đình Noor không thể tiếp ở lại đây. Sau một thời gian di tản qua các thành phố khác nhau, cuối năm 1940, cả gia đình về lại Anh.
Một thời gian sau, Noor và em trai quyết định tham gia cuộc chiến chống quân Đức. Giáo lý mà cả 2 được dạy từ khi còn nhỏ khiến họ không thể giết người nên hai chị em đã quyết định đăng ký vào những đơn vị sẽ không phải động đến súng, dù công việc đó nguy hiểm.
Trong đó, người em được nhận vào lực lượng không quân Hải quân Anh còn Noor tham gia lực lượng Nữ không quân trợ chiến và được đào tạo sử dụng thiết bị vô tuyến điện. 2 năm sau khi gia nhập quân đội Anh, Noor đã trở thành một nữ phi công hàng đầu của Anh. Cùng thời gian này, Thủ tướng Anh Winston Churchill quyết định tuyển dụng những phụ nữ vào một đơn vị gián điệp sẽ được điều động tới khu vực bị Đức chiếm đóng ở Pháp với nhiệm vụ bí mật phát động một cuộc chiến ngay trong lòng địch.
Ở thời điểm đó, đây là một quyết định khá bất ngờ bởi công việc gián điệp với ngay cả đàn ông cũng đã là một nhiệm vụ vô cùng khó khăn và nguy hiểm. Một ngày đầu năm 1942, Noor nhận được lời mời tới dự phỏng vấn tại Cục tác chiến đặc biệt (SOE). Sở dĩ bà nhận được cuộc điện thoại này là do những người tuyển dụng cho bộ phận Pháp ở SOE nhận thấy bà có thể phù hợp với vị trí điệp viên nói trên. Ngày 29/2/1943, Noor bắt đầu tham gia khóa đào tạo điệp viên đặc biệt, được dạy cho những kỹ năng tồn tại trong lòng địch, về cách thức sử dụng vũ khí hay cách đối phó với địch khi bị thẩm vấn...
Với những kỹ năng được học, Noor trở thành ứng viên cho một người điều khiển hệ thống vô tuyến điện, kết nối Paris và London thông qua các tin nhắn đã được mã hóa - nhiệm vụ được cho là nguy hiểm nhất trong các vị trí ở SOE. Bởi nếu đảm nhận công việc này, bà sẽ phải hoạt động ngay trong lòng địch trong tình trạng không có bất cứ thứ vũ khí gì để tự vệ.
Thêm vào đó, nguy cơ bị phát hiện lại rất lớn do kẻ thù hoàn toàn có thể dò ra được sóng từ những thiết bị vô tuyến. Tuy nhiên, những kết quả huấn luyện của bà lại gây khá nhiều tranh cãi. Trong khi được một số người đánh giá cao Noor vì lòng trung thành thì một số khác lại tỏ ra băn khoăn về những tính cách như cảm tính, dễ xúc động của bà. Đặc biệt, nền tảng giáo dục của gia đình đã hình thành ở Noor tính cách không bao giờ nói dối.
“Đó rõ ràng là một đặc tính hoàn toàn không phù hợp với công việc điệp viên vì cuộc đời của một điệp viên đã là một lời nói dối lớn. Là điệp viên đồng nghĩa với việc anh sẽ có mật danh và có hộ chiếu giả”, một người hướng dẫn của Noor khi đó nói. Thế nhưng, bất chấp những tranh cãi đó, Noor vẫn hoàn thành khóa học. Rạng sáng 17/7/1943, từ một máy bay của không quân Hoàng gia Anh, Noor đã nhảy dù xuống nước Pháp, trở thành người phụ nữ đầu tiên điều hành hệ thống vô tuyến điện xâm nhập khu vực đang bị quân Đức chiếm trong thời kỳ Chiến tranh thế giới II.
Chiến đấu và hy sinh
Với mật danh “Madeleine”, Noor đã sát cánh cùng các thành viên khác trong nhóm sử dụng vô tuyến điện kết nối Paris và London, từ đó thúc đẩy các hoạt động phá hoại và trang bị vũ khí cho lực lượng kháng chiến của Pháp. Trong quá trình này, bà gần như đã thay đổi hoàn toàn, chuyển từ một phụ nữ nhẹ nhàng, đa sầu đa cảm trở thành một nữ điệp viên khéo léo, dũng cảm, gan dạ, được ví như “một con hổ trong trận chiến”.
Sau khi các thành viên khác trong mạng lưới lần lượt bị phản gián Đức phát hiện và bắt giữ, những chỉ huy đã liên tục thúc giục Noor về nước. Song, bà vẫn quyết định ở lại, một mình đảm nhận việc truyền tin thay cho cả một nhánh điệp viên trong suốt 3 tháng trời bất chấp nguy cơ có thể bị bắt giữ. Có những thời điểm, bà đảm nhận phần công việc của 6 người. Dù vậy nhưng cuối cùng, Noor vẫn bị bắt giữ khi một điệp viên 2 mang của SOE phản bội, được cho là để trả thù tình bà. Tháng 10/1943, Noor bị quân Đức ập tới bắt giữ. “Noor đã kháng cự rất mạnh đến mức túa máu. Phản gián Đức đã phải huy động đến 6 người đàn ông lực lưỡng tới để bắt bà ấy đi”, các ghi chép cho hay.
Sau khi bị bắt giữ, Noor bị đưa tới nhà tù Pforzheim ở Đức và bị tra tấn hết sức dã man hòng moi các thông tin về những liên hệ cũng như hệ thống thông tin liên lạc của Anh. Bất chấp việc bị đánh đập, bị bỏ đói và bị hành hạ bởi quân Đức trong suốt 10 tháng trời, người phụ nữ mong manh đó vẫn không hé răng nửa lời, kể cả tên thật hay nguồn gốc Ấn Độ của mình.
Trong thời gian bị giam giữ, cô đã 2 lần tìm cách bỏ trốn nhưng đều không thành khiến quân Đức xếp cô vào nhóm tù nhân cực kỳ nguy hiểm, bị biệt giam và bị cùm chân. Ngày 11/9/1944, sau một thời gian tra tấn nhưng không thu được gì, quân Đức đưa Noor và 3 nữ điệp viên khác của SOE tới trại tập trung Dachau để giam giữ và 2 ngày sau đó, cả 4 người đều đã bị bắn chết.
Lúc đó, Noor vừa tròn 30 tuổi. Với những đóng góp to lớn của mình cho cuộc chiến, Noor về sau trở thành một trong ba phụ nữ của SOE được trao Huân chương George, phần thưởng cao nhất dành cho những công dân dũng cảm của Anh cùng nhiều phần thưởng cao quý khác của Anh, Đức.