"Nếu các giám đốc điều hành @Twitter không thể chặn đứng sự bạo lực và thù ghét ở Trump, mọi thứ bây giờ phụ thuộc vào các bạn. #MuaTwitter #CấmTrump", bà Valerie Plame Wilson viết trên Twitter.
Động thái của nữ cựu nhân viên CIA đang tạo sự quan tâm của dư luận và trong một thông báo qua email, thư ký báo chí Nhà Trắng Sarah Sanders coi hành động của bà Valerie Plame Wilson đã vi phạm Tu chính án thứ nhất về quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí, hội họp và kiến nghị, đồng thời thể hiện sự thù ghét và thiếu khoan dung.
Tuyên bố của thư ký báo chí Nhà Trắng Sarah Sanders lập tức gây chú ý bởi bà Valerie Plame Wilson đang chống lại Tổng thổng Donald Trump, người rất thích dùng Twitter và thường xuyên đưa ra những bình luận gây tranh cãi trên mạng xã hội này. Và trước đó, nữ cựu nhân viên CIA từng chống lại cựu Tổng thống Bush, Phó Tổng thống Dick Cheney và nhiều nhân vật quan trọng khác trong nhà Trắng.
Vì bị lộ thân phận nên bà Valerie Plame Wilson (sinh ngày 19-4-1963) và chồng, cựu đại sứ Joseph Wilson đã thân bại danh liệt. Bởi ông Joseph Wilson dám chỉ trích cuộc chiến của cựu Tổng thống Bush tại Iraq.
Theo luật của Mỹ, tiết lộ tên của nhân viên CIA còn nghiêm trọng hơn tội ám sát. Và tiết lộ danh tính nữ cựu nhân viên CIA được coi là một trong những vụ án chính trị nghiêm trọng nhất trong lịch sử nước Mỹ.
Hơn 10 năm trước (19-7-2007), bà Valerie Plame Wilson từng thất bại trong việc kiện và đòi Chính phủ của Tổng thống Bush bồi thường sau khi thân phận của mình bị bại lộ. Thân phận của bà Valerie Plame Wilson bị tiết lộ sau khi tờ Washington Post số ra ngày 14-7-2003 đăng bài “Phu nhân cựu đại sứ Mỹ ở Iraq là điệp viên CIA” của nhà báo Robert Novak.
Việc này diễn ra sau khi ông Joseph Wilson chỉ trích nhà Trắng và Tổng thống Bush trong việc sử dụng tin tình báo giả để tấn công Iraq. Nguyên Thứ trưởng Ngoại giao Richard Armitage từng thú nhận (7-9-2006) đã vô tình làm lộ danh tính của bà Valerie Plame Wilson trong các cuộc nói chuyện với 2 nhà báo Robert Novak và Bob Woodward hồi tháng 6-2003.
Cựu nhân viên CIA Valerie Plame Wilson |
“Tôi đã phạm phải một sai lầm kinh khủng, dù không cố ý”, ông Richard Armitage nói và khẳng định, không phải là một phần trong âm mưu tiết lộ thân phận bà Valerie Plame Wilson.
Theo tờ Time, cố vấn chính trị Karl Rove của ông Bush đã tiết lộ tên của nữ cựu nhân viên CIA. Và sau khi vụ kiện của bà Valerie Plame Wilson được nhiều giới quan tâm và chỉ trích, cuối tháng 8-2007, ông Karl Rove buộc phải chấm dứt cuộc đời chính trị của mình.
Khi đó, nhiều người coi việc ông Karl Rove từ chức nhằm khỏi phải ra điều trần trước Ủy ban Tư pháp Thượng viện về vụ tiết lộ danh tính bà Valerie Plame Wilson. Ông Bush từng can thiệp để cựu Chánh văn phòng của Phó Tổng thống Dick Cheney, ông Lewis Libby không phải ngồi tù.
Ông Lewis Libby bị kết tội hôm 6-3-2007 (ngoài án 30 tháng tù giam và 2 năm án treo, 400 giờ lao động công ích, còn phải nộp phạt 250.000 USD) vì khai man trước tòa, cản trở công lý và ra thông báo giả cho FBI và mọi việc đều có liên quan tới tiết lộ danh tính bà Valerie Plame Wilson. Ông Harry Reid, lãnh đạo phe Dân chủ tại Thượng viện khi đó đã coi quyết định ân xá của Tổng thống Bush là đáng hổ thẹn và lịch sử sẽ phán xét chuyện này…
10 năm trước (2007-2017), cựu Thư ký báo chí nhà Trắng Scott McClellan xuất bản tự truyện, trong đó tuyên bố, chính Tổng thống Bush và Phó Tổng thống Dick Cheney là người tạo ra sai lầm tiết lộ danh tính của bà Valerie Plame Wilson, chứ không phải ông Lewis Libby và ông Karl Rove.
Nữ phóng viên tờ New York Times Judith Miller bị giam 85 ngày vì không khai quan chức nào đã tiết lộ danh tính bà Valerie Plame Wilson. Hollywood từng phát hành bộ phim “Luật chơi công bằng” kể lại chuyện Nhà Trắng tiết lộ thân thế của bà Valerie Plame Wilson (3-11-2010), người được ví là James Bond của Mỹ.
Bình luận
Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu