Nụ cười lạc quan của chàng trai hai lần mắc ung thư

Sau thời gian điều trị ung thư máu, hiện Đạt lại phải điều trị ung thư xương
Sau thời gian điều trị ung thư máu, hiện Đạt lại phải điều trị ung thư xương
(PLVN) - Khi mới 5 tuổi, Trương Tiến Đạt phát hiện bị ung thư máu. Sau 5 năm trời “sống bám” bệnh viện, căn bệnh hiểm nghèo trên cơ bản được khống chế. Nhưng, cách đây không lâu, Đạt tiếp tục phát hiện bị ung thư xương giai đoạn cuối. Dù đau đớn vì khối u ngày càng to, lở loét, rỉ máu, nhưng chàng trai trẻ luôn nở nụ cười lạc quan.  

Bệnh tật đeo bám

Trái ngược với hình ảnh khá đông bệnh nhân trong một phòng, thì tại Khoa điều trị giảm nhẹ, Bệnh viện Ung bướu Nghệ An, em Trương Tiến Đạt (18 tuổi, ngụ phường Lê Lợi, TP Vinh, Nghệ An) được sắp xếp một mình một phòng. Bệnh nhân ung thư này được “ưu tiên” là bởi khối u lớn ở đùi chân trái Đạt rất to, rỉ máu.

Nằm trên giường bệnh, thân hình Đạt gầy gò, chỉ phần đùi chân trái là to bất thường. Vì khối u đang trong thời kỳ hoại tử nên luôn được người thân quấn chiếc bỉm cỡ lớn để hút dịch máu. Mỗi lần thay bỉm hút máu cho Đạt là bệnh viện phải huy động nhiều nhân viên đến cùng làm. Bởi chỉ cần sơ sẩy là vết thương đó gây nguy hiểm.   

Nhìn đứa con trai duy nhất trên giường bệnh, bà Cao Thị Lý Anh (49 tuổi) nghẹn ngào: “Từ một thanh niên nặng 60 kg, cao 1m75 giờ đây cháu gầy gò, xanh xao như xác khô. Mỗi lần nhìn con là tôi lại rơi nước mắt, thương lắm nhưng không biết làm gì được” . 

Theo chia sẻ của người thân, Đạt là con thứ hai trong gia đình có ba anh chị em. Lên năm tuổi, Đạt được phát hiện bị ung thư máu. Để cứu con, vợ chồng chị Anh vội đưa ra Khoa ung bướu, Bệnh viện Nhi Trung ương điều trị suốt 5 năm ròng. Gia cảnh vốn khó khăn nên sau những lần điều trị kéo dài ấy kinh tế càng kiệt quệ. 

Khi sức khỏe dần ổn định, Đạt về quê theo học cùng chúng bạn. Hàng năm gia đình đều đặn hai lần đưa em ra bệnh viện tái khám theo lịch của bác sỹ. “Mỗi lần đưa con đến bệnh viện là vợ chồng tôi lại mất ăn, mất ngủ vì lo sợ biến chứng xấu. Trong suốt bảy năm tiếp theo, các kết quả xét nghiệm của con khá tốt giúp chúng tôi bớt lo lắng. Vậy mà….”, người mẹ bỏ dở câu nói đó. 

Tháng 5/2018, sau lần đi đá bóng cùng các bạn trên lớp về, Đạt thấy đau dữ dội ở phần đầu gối chân. Nghĩ con trai bị bong gân nên gia đình chỉ chườm đá, sau đó cắt thuốc nam cho uống. Nhưng càng ngày họ thấy Đạt gầy gò, xanh xao, bỏ cơm. Chỉ đến lúc này gia đình mới đưa em đến bệnh viện thăm khám. “Nghe kết quả con trai bị ung thư xương thể ác tính giai đoạn cuối, tôi hoàn toàn sốc, ngất đi lúc nào không hay. Chúng tôi không thể ngờ con trai mình sau thời gian chống chọi với ung thư máu nay lại bị ưng thư xương. Sao ông trời lại bắt con tôi gánh nhiều nỗi đau như vậy được”, người mẹ đau đớn nói. 

Do thời điểm phát hiện bệnh đã ở giai đoạn cuối nên phác đồ điều trị cho em Đạt gặp nhiều khó khăn. Tại Bệnh viện K, gia đình được các bác sỹ tư vấn nên cắt bỏ một chân cho em Đạt. Tuy nhiên, Đạt đã từ chối phương án đó phần vì không muốn mất đi một phần cơ thể, phần vì sợ nhanh bị di căn lên phổi.

Sau ít tháng nằm viện, Đạt được bệnh viện cho về nhà điều trị cầm chừng. Cách đây chừng vài tuần, khối u ở chân trái của em bỗng sưng to, lở loét, rỉ máu bất thường nên được gia đình đưa vào Bệnh viện Ung bướu Nghệ An điều trị. 

Nụ cười lạc quan 

Nằm trên giường bệnh, dù đau đớn vì khối u đang rỉ máu nhưng Đạt luôn nở nụ cười mỗi khi có người đến thăm hỏi. Chàng trai trẻ luôn lắc đầu mỗi khi có ai đó hỏi: “Có đau lắm không?”. Tuy nhiên, đằng sau sự lạc quan ấy, Đạt đã âm thầm chịu mọi đau đớn. 

Nhìn con, người mẹ xót xa tâm sự: “Bạn bè trong lớp hay ai đến hỏi cháu nó cũng trả lời như vậy vì không muốn mọi người thương cảm. Nhưng qua mỗi lần thay băng, rửa vết thương cho con, tôi hiểu rõ nỗi đau mà con mình đang trải qua. Do khối u hoại tử xâm lấn phần mềm ngay đầu gối, đùi và các mạch máu không cầm được, mỗi lần thay băng quấn ở chân là chảy nhiều máu. Mất máu khiến Đạt ngày càng gầy gò, xanh xao”.

15 năm cùng con chiến đấu với hai căn bệnh hiểm nghèo khiến chị Anh như gục ngã. Nhưng rồi vì thương con, chị lại tự động viên mình không được buông xuôi. Hàng ngày, tranh thủ lúc Đạt nằm ngủ chị lại ra chợ bán mớ trái cây. Mỗi khi bác sỹ gọi điện về có công việc gì gấp là chị lại tất tưởi quẳng gánh hoa quả lao vào bệnh viện. Người bố dù nhiều năm trời bị thoát vị đĩa đệm, đau đớn; nhưng để có tiền chữa trị cho con nên vẫn phải bám công trường. 

Người mẹ cho biết, dù đau đớn vì bệnh tật nhưng rất hiếm khi chị thấy con trai khóc lóc, hay rên rỉ. “Nhìn con lạc quan, lòng tôi lại càng thấy đau. Chẳng thà cháu nó khóc, kêu đau để chúng tôi vỗ về, đằng này chỉ âm thầm chịu đựng”, chị nhìn con xót xa.

Khi được hỏi về nguyện vọng của mình, Đạt liền cho biết: “Giờ em chỉ mong có sức khỏe. Bạn bè trong lớp người thì mong sau này làm bác sỹ, kiến trúc sư…. Riêng em, em chỉ mong mình có thật nhiều sức khỏe để ở cùng bố mẹ, chị gái và em nhỏ”. Nghe những lời tâm sự của con trai, người mẹ đã không kìm được lòng mình, bật khóc.  

Bác sỹ Lê Văn Huy, Phụ trách Khoa điều trị giảm nhẹ, Bệnh viện Ung bướu Nghệ An cho biết, bệnh nhân Trương Tiến Đạt phát hiện ung thư xương giai đoạn muộn, hiện phần đùi bên trái đã hoại tử. Hướng điều trị hiện nay đối với bệnh nhân này chỉ là truyền máu, điều trị kháng sinh để kéo dài sự sống chứ không còn phác đồ nào khác.

“Đây là một bệnh nhân hết sức đặc biệt, bị ung thư máu từ lúc 5 tuổi. Suốt 15 năm qua, em liên tục điều trị, tái khám nhưng mới đây lại phát hiện ung thư xương giai đoạn cuối. Do vậy, kinh tế gia đình đã khánh kiệt nên cần sự chung tay giúp đỡ của cộng đồng. Phía bệnh viện sẽ làm hết sức có thể để giúp đỡ bệnh nhân và gia đình”, bác sỹ Huy nói. 

Mọi sự động viên, chia sẻ, giúp đỡ cho chàng trai nghị lực trong bài viết, xin liên hệ đến số điện thoại: 0365347317, gặp mẹ Đạt là bà Cao Thị Lý Anh; hoặc số tài khoản 3601205140905, chủ tài khoản Trương Bích Liên, Ngân hàng Agribank chi nhánh Vinh, Nghệ An.

Đọc thêm

Khi đổi mới sáng tạo thúc đẩy phát triển ngành Y tế

Các bạn trẻ tham quan Triển lãm giới thiệu thành tựu công nghệ ngành Y tế năm 2024. (Ảnh: MOST)
(PLVN) - Tiến bộ trong công nghệ sinh học và chuyển đổi số không chỉ hỗ trợ việc nghiên cứu, phát triển thuốc, vaccine, mà còn giúp cải thiện việc chẩn đoán, điều trị bệnh, cũng như phát triển các phương pháp điều trị tiên tiến, nâng cao chất lượng sống cho người dân.

Rủi ro tiềm ẩn trong “cơn sốt” làm đẹp đón Tết

Các bác sĩ xử trí một ca biến chứng sau nâng mũi làm đẹp. (Ảnh: BV Trung ương Quân đội 108)
(PLVN) - Trong vòng một tháng qua, các bệnh viện đã tiếp nhận và điều trị nhiều trường hợp biến chứng nghiêm trọng do làm đẹp. Thậm chí, một số ca rơi vào tình trạng nguy kịch, tưởng chừng không thể vượt qua “cửa tử”.

Câu chuyện bảo hiểm y tế khi đồng bào 'lên vùng'

Chị Rơ Ô H’Hóp trong một buổi truyền thông về bệnh lao.
(PLVN) - Việt Nam là một trong 30 quốc gia có gánh nặng bệnh lao và lao kháng thuốc cao nhất trên thế giới. Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) ước tính, năm 2020 có trên 172.000 người mắc và 10.400 người chết vì bệnh lao tại Việt Nam…

Ngành Y tế nỗ lực bảo đảm nguồn cung vaccine cho người dân

Chương trình TCMR làm thay đổi về cơ bản cơ cấu bệnh tật ở trẻ em Việt Nam. (Ảnh: Cục Y tế dự phòng)
(PLVN) - Được đánh giá là một trong những chương trình về chăm sóc và bảo vệ sức khỏe cộng đồng thành công nhất hiện nay ở Việt Nam, Chương trình tiêm chủng mở rộng (TCMR) đã góp phần quan trọng trong việc bảo vệ, nâng cao sức khỏe trẻ em cũng như người dân trên cả nước. Thành quả này có được nhờ vào sự nỗ lực không ngừng của ngành Y tế, đặc biệt trong việc thực hiện các giải pháp đảm bảo nguồn cung vaccine ổn định cho người dân, ngay cả trong bối cảnh khan hiếm vaccine.

Hóa giải 'nỗi oan' vaccine gây bệnh

Tiêm vaccine đầy đủ được xem là biện pháp hiệu quả nhất để bảo vệ sức khỏe cá nhân và cộng đồng. (Ảnh: Sở Y tế Nghệ An)
(PLVN) - Trong bối cảnh các bệnh truyền nhiễm như sốt xuất huyết, sởi, bạch hầu và ho gà đang gia tăng, tiêm chủng đầy đủ được xem là biện pháp hiệu quả nhất để bảo vệ sức khỏe cá nhân và cộng đồng. Tuy nhiên, những thông tin sai lệch về vaccine đã gây ra không ít lo ngại, khiến công tác tiêm chủng, nâng cao sức đề kháng cho người dân gặp nhiều khó khăn.

Đừng cổ súy lối sống thuận tự nhiên, bài trừ tiêm vaccine

Tiêm vaccine không chỉ là quyền lợi cá nhân, đó còn là nghĩa vụ xã hội. (Ảnh: CP)
(PLVN) - Những năm qua, trào lưu sống thuận tự nhiên lan rộng, thu hút một bộ phận người tin rằng cơ thể con người có khả năng “tự chữa lành”, không cần đến thuốc hay can thiệp y tế. Biến tướng nguy hiểm nhất của xu hướng này chính là việc bài trừ vaccine một cách cực đoan, lan truyền những kiến thức y tế lệch lạc trong cộng đồng.