Nụ cười hạnh phúc “thuốc” cho sức khỏe

Nụ cười hạnh phúc “thuốc” cho sức khỏe
0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) -  Khi bạn cười, nụ cười không chỉ để làm duyên hay biểu đạt trạng thái, cảm xúc khi cảm thấy hạnh phúc, vui vẻ. Nụ cười còn là liều “thuốc bổ” hoàn toàn miễn phí giúp duy trì bảo vệ sức khỏe.

Liệu pháp tiếng cười

Với con người, cười là một quá trình tự nhiên, cười khi cảm thấy vui vẻ, hạnh phúc và thỏa mãn với một điều gì đó trong cuộc sống. Có những khi cười vu vơ, cười bật thành tiếng, cười một mình, cười làm duyên hay cười để khiến người đối diện vui vẻ. Tất cả những nụ cười đó đều đem lại cho chúng ta một thái độ tích cực với cuộc sống.

Bên cạnh đó, các nhà khoa học còn chứng minh rằng một phút cười không chỉ giúp giảm căng thẳng về tinh thần mà còn cả về thể chất. Vì vậy, nói không ngoa khi cho rằng nụ cười là liều thuốc tốt nhất cho những rắc rối và bệnh tật của con người. Từ những nguyên do đó liệu pháp tiếng cười – Gelotology đã được ra đời.

Theo Wikipedia, một nghiên cứu ban đầu đã chứng minh hiệu quả của tiếng cười trong môi trường lâm sàng cho thấy rằng tiếng cười có thể giúp bệnh nhân viêm da dị ứng phản ứng ít hơn với các chất gây dị ứng. Các nghiên cứu khác cũng đã chỉ ra rằng tiếng cười có thể giúp giảm bớt căng thẳng và đau đớn, đồng thời có thể hỗ trợ phục hồi chức năng tim phổi.

Gelotology là nghiên cứu về tiếng cười và ảnh hưởng của nó đối với cơ thể, từ góc độ tâm lý và sinh lý học. Ý kiến cho rằng cảm xúc tích cực ảnh hưởng đến sức khỏe của con người lần đầu tiên được tiên phong bởi nhà thần kinh học người Mỹ William F. Fry của Đại học Stanford. Ông đã thực hiện một số nghiên cứu và phát hiện ra rằng những người hay cười sẽ tăng cường khả năng miễn dịch và ngăn chặn việc sản xuất các hormone căng thẳng đến tinh thần và cơ thể nói chung. Tâm trạng được cải thiện nên mệt mỏi và căng thẳng về thể chất và tinh thần đều biến mất.

Ngoài ra, tiếng cười còn làm tăng nồng độ endorphin trong máu - hormone hạnh phúc. Từ đó sẽ khiến con người phân tâm khỏi những cảm giác đau đớn và giúp nhìn mọi thứ dưới góc độ tích cực nhất. Sau đó, vào những năm 70 của thế kỷ trước, khoa học điều trị tiếng cười Gelotology ở Mỹ đã chính thức xuất hiện. Đến những năm 1990, Hiệp hội Liệu pháp tiếng cười đã ra đời tại Mỹ.

Nhưng Gelotology chỉ thực sự được công nhận thông qua trường hợp của nhà tâm lý học người Mỹ Norman Cousins. Norman Cousins mắc một căn bệnh hiểm nghèo (viêm cột sống dính khớp), các bác sĩ đã chẩn đoán rằng anh sẽ không còn sống được bao lâu nữa. Sau khi rời bệnh viện, anh tự chữa bằng cách nhốt mình trong phòng khách sạn và xem các bộ phim hài nhằm giảm bớt cơn đau dữ dội của mình, khi đó anh đã cười rất sảng khoái.

Điều kỳ diệu đã xảy ra, kết quả phương pháp trị liệu khác thường của anh đã vượt qua mọi mong đợi. Chỉ sau một tuần cơn đau của anh đã biến mất, sau dần anh đã bắt đầu di chuyển và thậm chí có thể sớm trở lại cuộc sống bình thường. Chính trường hợp này đã đặt một dấu mốc quan trong cho sự phát triển của Gelotology.

Hiện nay, trên thế giới đã sử dụng một số liệu pháp Gelotology nhằm giúp đỡ các bệnh nhân. Như liệu pháp “Hài hước” và “Tiếng cười” gồm việc sử dụng các tài liệu hài hước như sách, truyện, chương trình, phim để khuyến khích thảo luận tự nhiên về trải nghiệm hài hước của bệnh nhân. Liệu pháp này có thể thực hiện theo cá nhân hoặc theo nhóm.

Thiền tiếng cười hay yoga cười cũng là những liệu pháp quen thuộc trên thế giới. Thiền tiếng cười sở hữu những nét tương đồng với thiền truyền thống. Tuy nhiên, tiếng cười mới là thứ cần tập trung vào. Thông qua một quá trình ba giai đoạn là kéo dài, cười có chủ đích và giai đoạn im lặng thiền định. Liệu trình này thường được thực hiện theo nhóm.

Yoga cười cũng hơi giống với yoga truyền thống, là một bài tập kết hợp các kỹ thuật thở, yoga và kéo căng, cùng với tiếng cười. Liệu pháp có cấu trúc bao gồm một số bài tập gây cười trong khoảng thời gian từ 30 đến 45 phút, được hỗ trợ bởi các cá nhân được đào tạo chuyên nghiệp.

Có thể nói tiếng cười là liệu pháp trị liệu thần kỳ nhất trên đời, bạn không thể tìm thấy nó ở bệnh viện hay phòng khám nào cả. Bởi liệu pháp này, theo đúng nghĩa đen được thực hiện căn bản dựa trên tiếng cười và cho đến ngày nay các nghiên cứu vẫn không ngừng cho thấy hiệu quả tích cực của nó lên trạng thái tinh thần và sức khỏe thể chất của con người.

“Một nụ cười bằng mười thang thuốc bổ”

“Nụ cười không chỉ thể hiện một trạng thái của con người khi cảm thấy hạnh phúc, vui vẻ mà còn là một dạng biểu hiện tâm lý tốt cho sức khỏe” - Ðó là kết luận của các nhà khoa học chuyên ngành thần kinh học Mỹ. Như ông bà ta có câu “Một nụ cười bằng mười thang thuốc bổ”, nụ cười chính là liều thuốc quý tốt cho sức khỏe mà mỗi người đều sẵn có. Vậy tiếng cười có thực sự chữa lành tinh thần và thể chất?

Câu trả lời là có! Khoa học đã chứng minh rằng tiếng cười có thể làm giảm đường trong máu, làm biến mất hoặc giảm đi đáng kể những cơn đau ở bệnh nhân viêm khớp. Trong cơ thể con người, tiếng cười làm sản sinh ra các hormone có tác dụng điều hòa miễn dịch. Ngoài ra, tiếng cười kích hoạt tế bào Lympho T và Interferon Gamma (IFN-y), giúp bảo vệ cơ thể khỏi các bệnh ung thư.

Chúng có ảnh hưởng tích cực đến công việc của hệ thống tim mạch, tiêu hóa và hô hấp. Y học hiện đại đã chứng minh “Cười là môn thể dục tốt cho tim mạch”, cười nhiều giúp hệ thống tim mạch được tăng cường. Ngoài ra, cười còn giúp lưu thông máu được cải thiện, giúp đưa nhiều máu đến các cơ quan khác trong cơ thể. Máu lưu thông nhiều hơn đến não và kích thích 2 bán cầu đại não tăng cường sự tiếp thu và lưu trữ thông tin mới.

Với tiêu hóa, cười giúp các cơ bụng co bóp, tác động vào bộ máy tiêu hóa, giúp ruột tăng nhu động, chống táo bón. Cười cũng giúp tăng cường hoạt động các tuyến tiêu hóa, làm tăng tiết dịch vị, dịch tụy, mật, vì thế sẽ giúp cho sự tiêu hóa và hấp thu tốt hơn các chất dinh dưỡng.

Cười còn giúp tăng khả năng hô hấp, bởi khi cười cơ thể đang tích cực kích thích hoạt động cơ bắp, các cơ sâu trong bụng và kiểu thở cũng sẽ thay đổi. Nhất là khi cười to, cười thoải mái, phổi sẽ làm việc tốt, tăng cường năng lực nạp khí, cơ trơn của ruột, tăng lượng oxy vào máu, làm sạch đường thở, loại bỏ độc tố và chất có hại tích tụ ra khỏi cơ thể. Các cơ quan khác như gan, thận, lách,… cũng hoạt động tốt hơn khi được tăng cường máu nhờ cười nhiều hơn.

Không chỉ giúp bồi bổ thể chất, cười còn khiến tinh thần luôn tươi vui, giảm thiểu stress. Trong cuộc sống bộn bề áp lực cuộc sống, áp lực công việc, chắc hẳn ai cũng bị rơi vào khủng hoảng dẫn đến stress. Stress không phải luôn xấu, với tần suất vừa phải, stress giúp ta nhìn nhận lại vấn đề, đặt ra thử thách và làm chủ thực tế.

Tuy nhiên, nếu stress cứ lặp đi lại và ta không làm chủ được nó, đó sẽ là vấn đề lớn. Nhiều nghiên cứu đã chứng minh khi bị stress, cơ thể có những biến đổi mà có thể trở thành nguy cơ gây bệnh tăng huyết áp, nhiễm trùng, đái tháo đường và bệnh tim mạch. Ngoài ra, stress thường xuyên cũng dễ dẫn đến các rối loạn tâm thần như: mất ngủ, suy nhược, trầm cảm…

Liều thuốc nhanh nhất xoa dịu sức nóng của stress chính là tiếng cười. Như đã nói ở trên, cười sẽ giúp cơ thể giải phóng nhiều endorphin hơn nên tâm trạng phiền muộn sẽ nhanh chóng được giải tỏa. Theo một nghiên cứu tại Đại học California (Mỹ), sau khi xem một bộ phim hài, mức trầm cảm (bạn đồng hành của stress) của nhóm được theo dõi giảm xuống 98%. Người ta cũng ghi nhận 1 phút cười thoải mái có tác dụng bằng 45 phút nghỉ ngơi thật sự.

Cuối cùng, tiếng cười sẽ giúp tăng cường sức đề kháng cho cơ thể. Cười giúp tăng sản xuất T cell chống lại vi khuẩn, tăng sức đề kháng, tăng hóa chất tốt trong cơ thể. Chính nhà tâm lý học người Mỹ Norman Cousins từng viết rằng: mỗi ngày khi cười rung bụng mười phút thì cơ thể được giảm đau nhức và ta có thể ngủ thoải mái được hai giờ mà không cần thuốc men gì.

Cũng theo một nghiên cứu của Đại học Indiana (Mỹ), hệ miễn dịch của con người có thể tăng cường 40% khi xem phim hài. Vì vậy, muốn ngừa cảm, viêm họng hãy cười thật nhiều vì cơ thể sẽ sinh ra bạch cầu, kháng thể tại mũi và đường hô hấp nhiều hơn để chống lại sự xâm nhập của vi khuẩn và virus.

Rõ ràng nụ cười, tiếng cười là liều “thuốc bổ” quý giá mà tạo hóa đã ban tặng cho con người. Vậy nhưng, việc cười tưởng như rất đơn giản lại vì nhiều yếu tố khách quan trong cuộc sống mà khiến chúng ta quên đi mất nụ cười của mình. Vì vậy, mỗi ngày hãy dành thời gian nở nụ cười thật tươi để bản thân luôn khỏe mạnh và tươi tắn.

Tin cùng chuyên mục

 PGS.TS.BSCC Nguyễn Quốc Dũng luôn hết mình vì chuyên môn và vì sức khỏe người dân. (Ảnh trong bài: NVCC)

Lửa nhiệt huyết chưa bao giờ nguội ở chuyên gia chẩn đoán hình ảnh hơn 40 năm cống hiến

(PLVN) - Hơn 4 thập kỷ cống hiến trong ngành Y, trải qua nhiều vai trò khác nhau, vị chuyên gia ấy vẫn luôn cháy lửa nghề. Đến nay, khi tuổi đã ngoài 60, ông luôn nỗ lực làm mới bản thân trước guồng quay công nghệ nhằm áp dụng những kỹ thuật tiên tiến nhất vào công tác khám, chữa bệnh phục vụ người dân.

Đọc thêm

Kiểm soát chặt chẽ chất lượng bữa ăn học đường

Cần sự phối hợp từ phía nhà trường, gia đình và cả xã hội trong việc đảm bảo chất lượng bữa ăn bán trú cho học sinh. (Ảnh minh họa: SKĐS)
(PLVN) -  Thời gian qua, vấn đề chất lượng bữa ăn bán trú cho học sinh đã trở thành mối lo ngại ở nhiều trường học tại các thành phố lớn, đặc biệt là TP Hồ Chí Minh. Điều này khiến phụ huynh vô cùng bất an và để lại hệ lụy không nhỏ cho sức khỏe của học sinh.

Tăng thuế thuốc lá để giảm thiệt hại 108.000 tỷ đồng mỗi năm

Bà Phan Thị Hải- Phó Giám đốc phụ trách Quỹ Phòng chống tác hại của thuốc lá phát biểu tại hội thảo (Ảnh: BTC)

(PLVN) - Theo ThS Phan Thị Hải - Phó Giám đốc phụ trách Quỹ Phòng chống tác hại của thuốc lá Việt Nam, mỗi năm thuốc lá gây tổn thất khoảng 108.000 tỷ đồng chi phí khám chữa bệnh. Việc tăng thuế sẽ làm giảm đáng kể việc tiếp cận thuốc lá, cũng làm giảm tỷ lệ tử vong và tổn thất sức khỏe...

Mắc uốn ván từ khoang miệng

Bệnh nhân mắc uốn ván từ khoang miệng. Ảnh: Thanh Thanh
(PLVN) - 10 ngày trước khi phát bệnh, bệnh nhân L.V.S (nam, 40 tuổi ở Hải Dương) bắt đầu có triệu chứng đau họng nhưng không sốt. Sau 6 ngày dùng thuốc bệnh nhân bắt đầu khó há miệng, khó nói và ăn uống kém. Tại bệnh viện, các bác sĩ chẩn đoán ông S. mắc uốn ván.

Suy hô hấp cấp vì mắc sởi

Sau 4 ngày điều trị tích cực, bệnh nhân đã tỉnh táo, giảm sốt, mức độ tiêu chảy giảm nhiều. Ảnh: Thanh Thanh
(PLVN) - Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương vừa tiếp nhận một bệnh nhân nam, 56 tuổi ở Kỳ Anh, Hà Tĩnh nhập viện trong tình trạng khó thở, sốt cao, phát ban ở vùng đầu, mặt và cổ sau chuyển biến suy hô hấp cấp.

Quan tâm chăm sóc sức khỏe tinh thần cho học sinh

TP Cần Thơ đẩy mạnh quan tâm chăm sóc sức khỏe tinh thần cho học sinh trên địa bàn. (Nguồn: Sở GD&ĐT TP Cần Thơ)
(PLVN) -  Việc hầu hết các em học sinh (HS) khi gặp vấn đề tâm lý không biết phải gặp ai, làm gì để giúp các em vượt qua là phản ánh rõ nét cho thấy công tác chăm sóc sức khỏe tinh thần tại Việt Nam hiện vẫn còn nhiều khoảng trống.

Cứu cô gái 26 tuổi viêm cơ tim biến chứng nguy kịch

Cứu cô gái 26 tuổi viêm cơ tim biến chứng nguy kịch
(PLVN) - Các bác sĩ của Bệnh viện Đa khoa Trung ương Cần Thơ (BVĐKTƯ CT) mới cứu sống bệnh nhân 26 tuổi bị viêm cơ tim biến chứng choáng tim – suy đa cơ quan bằng kỹ thuật ECMO (trao đổi oxy qua màng ngoài cơ thể - PV).

Thận trọng khi ăn hạt sen

Hạt sen bổ nhưng một số người nên thận trọng khi ăn (Ảnh: Internet)

(PLVN) - Hạt sen là một loại nguyên liệu được yêu thích trong ẩm thực Việt Nam bởi hương vị thơm ngon và giá trị dinh dưỡng cao. Tuy nhiên, một số người thận trọng khi ăn hạt sen - cần hạn chế hoặc không ăn loại hạt này để tránh những vấn đề sức khỏe không mong muốn.

Để tai nạn thương tích không còn là gánh nặng

Trẻ em - đối tượng rất dễ bị tai nạn thương tích. (Ảnh: BV Sản Nhi tỉnh Phú Thọ)
(PLVN) - Tai nạn thương tích là một vấn đề y tế công cộng nghiêm trọng có ảnh hưởng đến sức khỏe và tính mạng của người dân trên toàn thế giới, đặc biệt tại các nước đang phát triển. Tại Việt Nam, số liệu thống kê từ các cơ sở y tế cho thấy, trung bình mỗi năm có khoảng hơn 1,1 triệu trường hợp bị tai nạn thương tích đến khám và điều trị tại cơ sở y tế.