55 năm trôi qua, những người tham gia tiếp quản Kiến An hầu hết ở tuổi xưa nay hiếm. Nhưng mỗi chi tiết, hình ảnh đoàn quân tiếp quản thị xã Kiến An ngày ấy luôn sống động trong câu chuyện kể của nữ cán bộ mật giao đội biệt động hồi ấy Nguyễn Thị Quyên.
“5 giờ sáng 10-5-1955, phái đoàn tiếp quản theo 2 con đường từ đường 10 vào và từ bến phà Khuể lên, tiến vào thị xã Kiến An. Trong khi đó, quân Pháp và bọn tay sai theo đường Kha Lâm (nay là Trần Nhân Tông) rút về phía cảng biển. Trên chiếc xe jeep, tên quan ba Pháp mệt mỏi ngáp liên hồi, không buồn che miệng. Nhân dân thị xã đứng chật 2 bên đường, tay cầm cờ hoa, vui mừng hô vang khẩu hiệu chào mừng lực lượng tiếp quản. Ai nấy hầu như thức trắng đêm chộn rộn chờ quân ta”- Bác Quyên bồi hồi nhớ lại.
Trước đó, theo Hiệp định Giơ-ne-vơ, Hải Phòng nằm trong vùng tập kết 300 ngày chuyển quân. Trong khi các địa phương khác hân hoan chào đón hòa bình, nhân dân Kiến An, Hải Phòng vẫn phải tiếp tục đấu tranh chống âm mưu phá hoại của địch, cưỡng ép dân di cư vào Nam, phá hoại máy móc, giấu vũ khí, cài gián điệp. Chỉ trong vòng một tháng, các cơ quan quân sự, dân sự và binh lính địch cùng hàng vạn người là giáo dân các tỉnh Nam Định, Thái Bình, Ninh Bình…dồn về Kiến An. Dân số thị xã tăng vọt, hàng hóa, lương thực, thực phẩm trở nên khan hiếm. Thực dân Pháp hung hăng, bạo ngược, cướp bóc, càn quét, phá hoại tài sản công cộng và vây ráp bắt lính. Tháng 8-1954, chúng xua quân đi càn quét ở chợ Bến Phà, lùng sục bắt người. Bọn ngụy quyền bắt các gia đình treo cờ 5 sọc. Bọn địch dùng lực lượng áp đảo công nhân bắt tháo dỡ máy móc, vật liệu của nhà máy, cơ sở sản xuất, bệnh viện, phá hủy cầu...
Đô thị Kiến An hôm nay. |
Trong những ngày đó, người dân thị xã Kiến An thường xuyên bắt gặp người phụ nữ trẻ đeo khăn tang trắng, tay cầm làn hoa huệ, vàng hương, khi ở khu trại của vợ lính Pháp, lúc lại có mặt trong đoàn người biểu tình tố cáo tội ác của thực dân Pháp, kêu gọi thanh niên, nhân dân bảo vệ cầu Kiến An. Đó là nữ cán bộ mật giao Nguyễn Thị Quyên. Kể về những ngày đó, bác Quyên tâm sự: Khi đó, thực dân Pháp xây dựng nhiều dãy nhà ở cho vợ những người đi lính cho Pháp tại khu vực sân bay Kiến An và chợ Bến Phà. Nhận nhiệm vụ vận động vợ những người đi lính cho Pháp ở lại, không di cư vào Nam, bác đóng giả là vợ đau khổ có chồng đi lính cho Pháp vừa bị chết đến chuyện trò, khuyên họ thuyết phục chồng ở lại, cầm súng quay về với lực lượng kháng chiến. Nhờ vận động khôn khéo, bác còn thu được tiền nguyệt liễm (giống như hội phí hội phụ nữ ngày nay) từ vợ những người đi lính cho Pháp. Càng gần đến ngày tiếp quản, thực dân Pháp càng điên cuồng, hung hăng chống phá. Vì vậy, các cuộc đấu tranh bảo vệ máy móc, thiết bị của các nhà máy, công trình hạ tầng…diễn ra ác liệt, hai bên giằng co nhau từng tý một. Ngày 19-4-1955, nhận được thông tin thực dân Pháp sẽ tổ chức tháo dỡ cầu Kiến An, hàng vạn người dân được huy động bảo vệ công trình giao thông này. Dự đoán bọn địch sẽ tấn công bằng đường bộ hoặc đường thủy, ta huy động bà con tập trung đứng chật trên cầu và hai bên đầu cầu. Nhưng chúng lại dùng trực thăng thả đạn khói. Trong làn khói dày đặc, mặc dù không nhìn thấy gì, nhưng mọi người vẫn sát cánh bên nhau đứng vững, kiên trì bám trụ. Trong cuộc đấu tranh bảo vệ cầu, nhiều người bị thương. Khi đưa một thanh niên vào bệnh viện ở khu vực vườn hoa Trần Quốc Toản ngày nay, tôi tranh thủ tuyên truyền, lên án âm mưu của thực dân Pháp. Tôi đã hỏi bà sơ người Pháp: “Tại sao Hiệp định Giơ-ne-vơ có hiệu lực mà quân Pháp vẫn bắn chết người”, bà sơ đó chỉ cúi đầu nói câu “xin lỗi”. Bọn địch càng điên cuồng chống phá, không khí chuẩn bị cho ngày tiếp quản càng sôi động. Gia đình nào cũng được phát cờ, lực lượng thanh niên công khai tổ chức các hoạt động chuẩn bị. Ngày 9-5, trên 2 tuyến đường chính mà đội quân tiếp quản sẽ tiến vào thị xã, 2 cổng chào được dựng lên ở khu vực sân bay Kiến An và chùa Đại Giác. 1 giờ sáng 10-5, trên đường rút quân, tên quan ba Pháp còn tức tối đạp đổ chiếc cổng chào mới dựng ở gần chùa Đại Giác, phố Cháy (nay là phố Trần Thành Ngọ)...
Sinh ra trong gia đình nông dân nghèo ở Quy Tức (Kiến An), Nguyễn Thị Quyên sớm giác cách ngộ cách mạng. Năm 1946, chị là một trong 4 nữ du kích đầu tiên của thị xã tham gia chiến đấu, bao vây diệt bọn Quốc dân đảng ở nhà Bảo Hương. Chị tham gia nhiều hoạt động với đại đội Ký Con, làm cán bộ mật giao thuộc đội biệt động thị xã, cán bộ nữ công...với những mật danh như Nguyễn Thị Mùi, Trần Phùng, Nguyễn Thị Nấng…Với vai trò là cán bộ mật giao, chị Quyên trực tiếp tham gia nhiều hoạt động chuẩn bị cho ngày đoàn quân vào tiếp quản thị xã Kiến An, từ công tác binh vận, đến trực tiếp đấu tranh bảo vệ tài sản…
|
Bác Nguyễn Thị Quyên vinh dự được nhận huy hiệu 40 năm tuổi Đảng, Huân chương Kháng chiến chống Mỹ hạng nhất, …Bác Quyên trân trọng giữ gìn những kỷ vật vô giá này. Bác kể thêm, nhiều người phụ nữ có chồng đi lính cho Pháp năm xưa, được bác tuyên truyền, cùng bác tham gia dựng cổng chào, vẫn đang sinh sống ở Kiến An. Nữ cán bộ mật giao năm xưa nay ở tuổi 80. Họ vẫn nhớ tới bác với tình cảm chân thành. Như cai Tình, xưởng trưởng cơ khí đúc bom đạn của địch ở sân bay Kiến An hồi ấy được bác vận động không di cư vào
Nguyên Mai