Cô giáo dạy Sử say mê nghiên cứu sưu tầm
Bà Nhị tốt nghiệp ngành sư phạm Sử rồi lên làm giáo viên cấp 3 dạy môn Lịch sử tại tỉnh Lạng Sơn. Với cảm hứng được thầy giáo truyền cho khi còn theo học đại học, khi đứng lớp, bà luôn tìm tòi, sưu tầm những tư liệu ít có trong sách vở, khai thác những khía cạnh rất đời thường của những nhân vật lịch sử… để đưa vào bài giảng. Nhờ đó, những tiết học của bà thoát ly khỏi giáo án, luôn thu hút được sự yêu thích của học sinh.
Tháng 10/1979, bà Nhị về Hà Nội, công tác tại Bảo tàng Cách mạng Việt Nam. Nếu như trước đây bà luôn lấy làm tiếc vì các giờ dạy toàn là dạy “chay”, ít có tư liệu, hình ảnh thì khi về đây, bà có điều kiện tiếp xúc với nguồn tài liệu vô tận, với những hình ảnh, tài liệu, hiện vật để minh chứng cho các sự kiện lịch sử. Vì vậy bà đã say mê nghiên cứu, sưu tầm và phát huy những giá trị của những tài liệu ở đây.
Tại bảo tàng, ban đầu, bà Nhị làm thuyết minh, hướng dẫn tham quan. Trong thời gian này, bà sử dụng các tư liệu, hiện vật hình ảnh tại bảo tàng để truyền cho khách tham quan những kiến thức về lịch sử, về Đảng, về Bác Hồ; giúp nhiều giáo viên dạy học bằng giáo cụ trực quan.
Cùng với đó, bà Nhị cũng tham gia thực hiện các cuộc triển lãm lưu động để giới thiệu về lịch sử cách mạng Việt Nam và cuộc đời hoạt động của Chủ tịch Hồ Chí Minh tại các địa phương trên cả nước.
“Những năm đó, ở các tỉnh không có bảo tàng mà chỉ có nhà truyền thống hay những cơ sở khác. Vì vậy, tôi và các đồng nghiệp thường chọn những chuyên đề như Đời hoạt động của Bác Hồ hoặc các chuyên đề phù hợp để mang đi triển lãm. Những cuộc triển lãm đó được người dân ở các tỉnh đón nhận rất nhiệt tình”, bà Nhị kể.
Bà Nhị đã tham gia thực hiện nhiều đề tài nghiên cứu, nhiều cuốn sách, tài liệu tuyên truyền về cuộc đời hoạt động cách mạng của Bác |
“Những kỷ vật, tài liệu gắn bó với cuộc đời hoạt động cách mạng của Bác Hồ có sức lay động rất lớn, chạm đến tình cảm trong sâu thẳm tâm hồn mỗi con người”, bà Nhị nói.
Gần 30 năm gắn bó với những kỷ vật về Bác
Khi chuyển sang làm quản lý tư liệu, bà Nhị càng có nhiều điều kiện tiếp xúc với những kỷ vật, tư liệu của Bác Hồ. Nhờ nguồn tài liệu này mà bà càng thấy được sự vĩ đại của Bác. “Bác Hồ là người tiết kiệm vô cùng.
Trong thời kỳ kháng chiến chống Pháp nhiều khó khăn, gian khổ, khi viết điều gì Bác thường tận dụng giấy, ví dụ như Bác tận dụng lại mặt sau của các giấy tờ, văn bản mới sử dụng một mặt để viết hoặc đánh máy lên mặt còn lại. Hay những văn bản chỉ có vài dòng thì Bác lại cắt phần thừa ra để dùng vào việc khác”, bà Nhị nói.
Cũng qua những trang tư liệu đó, bà thấm thía hơn tình cảm yêu thương của Bác dành cho các cháu thiếu nhi. “Trong 9 năm kháng chiến chống Pháp, năm nào Bác cũng làm thơ tặng các cháu thiếu nhi. Mỗi bài thơ đều thể hiện sự quan tâm của Bác đối với những mầm non của đất nước, đồng thời thể hiện được tiến trình của cuộc kháng chiến”, bà Nhị chia sẻ.
Qua các tài liệu và hiện vật về Bác, bà càng thấy rõ, hiếm có vị Chủ tịch nước nào trên thế giới tận tụy với công việc lại giản dị, tiết kiệm, gần gũi với nhân dân và có tình yêu thương con người bao la như Bác Hồ.
Trong thời gian này, bà Nhị tham gia thực hiện nhiều đề tài nghiên cứu, nhiều cuốn sách, tài liệu tuyên truyền về cuộc đời hoạt động cách mạng của Bác, trong đó bà tâm đắc nhất là đề tài “Tư liệu hóa sưu tầm các tài liệu của Chủ tịch Hồ Chí Minh chưa công bố hiện lưu giữ tại Bảo tàng Cách mạng Việt Nam”.
Công trình này bao gồm “Lời kêu gọi” của Bác ghi ngày 10/1/1947; Thư gửi cho các cán bộ, chiến sỹ, các đơn vị, cá nhân; Thư gửi ông Vũ Trọng Khánh - Giám đốc Tư pháp Liên khu 10... Qua các bài viết trong bộ sưu tầm, người đọc dễ dàng nhận thấy tình hình Việt Nam từ năm 1946 đến năm 1947,… Đồng thời, cũng qua các bài viết cho thấy rõ vai trò lãnh đạo, tài năng lỗi lạc, sự mẫn cán, sáng tạo và năng lực làm việc phi thường của Người.
Truyền cảm hứng về Bác theo cách riêng
Sau nhiều năm gắn bó với công việc bảo tàng, năm 2008, bà Nhị về hưu. Bà tích cực tham gia nhiều hoạt động đoàn thể tại địa phương và đảm nhận một số công việc trước khi nhận vai trò Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ phường Phương Liên.
Bà được đánh giá luôn gần gũi, quan tâm chia sẻ giúp đỡ các hội viên; tích cực vận động mọi người thực hiện tốt chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; thực hiện tốt công tác xóa nghèo thông qua hoạt động hỗ trợ phụ nữ vay vốn để phát triển kinh tế. Đến nay, Hội Phụ nữ phường được đánh giá là quản lý vốn tốt, cho 161 hội viên khó khăn vay, phát triển kinh tế, với số dư 4,3 tỷ đồng.
Dù đã về hưu, bà Nhị vẫn có cách học tập và làm theo tư tưởng và tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh rất riêng. Bà lựa chọn những câu chuyện phù hợp, biên soạn các bài nói chuyện hấp dẫn, lôi cuốn về cuộc đời cách mạng của Bác để kể lại trước mỗi buổi giao ban của Ban Chấp hành Hội hay trong các đợt tuyên truyền kỷ niệm, những ngày lễ lớn trong năm tại phường.
Bà cũng tích cực tổ chức cho mọi người đi thăm các khu di tích lịch sử gắn liền với cuộc đời hoạt động cách mạng của Bác. Qua những câu chuyện và những chuyến đi như vậy, hình ảnh đẹp của Bác Hồ dễ dàng đến được với người nghe. Nội dung học tập và làm theo tấm gương đạo đức và phong cách của Bác nhờ đó cũng đến với mọi người một cách hiệu quả.
“Tôi học tập tư tưởng, đạo đức, phong cách Bác bằng việc sưu tầm các câu chuyện về Người. Chỉ đơn giản vậy thôi nhưng các phong trào mà tôi vận động như tiết kiệm điện nước, tiết kiệm trong tiêu dùng, tiết kiệm tiền để ủng hộ những người nghèo đều được mọi người rất ủng hộ”, bà Nhị vui vẻ cho biết.
Cho đến nay, bà Nhị vẫn đang miệt mài với những công việc của mình. Trước những lời khen ngợi của mọi người, bà luôn nói rằng học tập và làm theo tư tưởng đạo đức phong cách Hồ Chí Minh là việc làm cần thiết ở mọi thời điểm để mọi người sống có ích. Với những thành tích này, năm 2019, bà Nhị đã được Chủ tịch UBND TP Hà Nội tặng danh hiệu “Người tốt, việc tốt” năm 2019.
Trong thời gian công tác tại Bảo tàng, bà Nhị và các đồng nghiệp còn đến Đài Tiếng nói Việt Nam để đọc những bài mà họ viết về Bác Hồ cho các thính giả nghe. Bà say mê với công việc, với những cuộc triển lãm lưu động đó đến mức khi con mới đầy tuổi đã sẵn sàng đi công tác ở miền Nam hay đi các tỉnh. Có năm, bà về đến nhà sau một cuộc triển lãm đã là chiều 30 Tết. Trên đường từ Ga Hàng Cỏ về, gặp đồ gì, bà tranh thủ sắm Tết luôn đến đó.