Nữ 63 tuổi mới được về hưu, quyết định của Nga khiến cả thế giới tranh cãi

Thủ tướng Nga Dmitry Medvedev chủ trì cuộc họp của chính phủ ngày 14/6/2018 về việc nâng tuổi về hưu
Thủ tướng Nga Dmitry Medvedev chủ trì cuộc họp của chính phủ ngày 14/6/2018 về việc nâng tuổi về hưu
(PLO) - Ngày 14/06/2018, trong khi người dân đang náo nức với không khí lễ hội của mùa World Cup, chính phủ Nga bất ngờ thông báo tăng độ tuổi về hưu từ 55 lên 63 tuổi đối với nữ giới và từ 60 lên 65 tuổi đối với nam giới.  

Độ tuổi về hưu 55 và 60 tuổi như hiện nay là quy định có từ năm 1932 và không hề thay đổi trong suốt gần 90 năm qua. Thủ tướng Nga Dmitri Medvedev thông báo cải cách của Matxcơva sẽ được triển khai ngay lập tức, kể từ năm 2019. 

Tại một đất nước mà tỉ lệ thất nghiệp năm 2018 là 5,1%, một trong những tỉ lệ thất nghiệp thấp nhất từ trước tới nay, chính quyền đang phải đối mặt với nguy cơ thiếu lao động. Theo ông Medvedev, các biện pháp này vừa cho phép cải thiện mức lương hưu vốn rất khiêm tốn, vừa đảm bảo thị trường lao động được cân bằng. 

Mọi người vẫn nói Nga là một trong những nước có tuổi về hưu thấp nhất thế giới. Vậy người dân Nga phản ứng thế nào trước thông báo của chính phủ? Liên đoàn Lao động Nga đã đưa lên mạng internet bản kiến nghị chính phủ giữ nguyên độ tuổi về hưu, vì theo họ, hiện nay đã có tới 40% nam giới và 20% phụ nữ qua đời trước khi sang tuổi 60. Bản kiến nghị đã thu được chữ ký của 2,5 triệu người dân. 

Trong khi đó, có ý kiến kêu gọi tổ chức tuần hành tại nhiều thành phố trên khắp cả nước, bất chấp lệnh cấm tuần hành trong kỳ World Cup 2018. Tuy nhiên, do ảnh hưởng của World Cup và các quy định an ninh nghiêm ngặt trong mùa bóng đá, các cuộc tuần hành, mít tinh không thu hút được nhiều người. Một tờ báo nước ngoài phân tích: 

“Theo kết quả thăm dò dư luận, có đến 80% người dân Nga cho rằng họ không ủng hộ kế hoạch cải cách tuổi về hưu này của chính phủ, bởi vì họ sợ nhất là không sống được đến tuổi về hưu, chứ đừng nói là tận hưởng số lương hưu mà họ đã tích cóp cả cuộc đời. Ngày 1/7, các đảng phái đối lập đã tổ chức biểu tình, đúng hơn là mít-tinh ở 30 thành phố trên toàn bộ lãnh thổ của nước Nga.

Thế nhưng, trong không khí chào đón thể thao rất cuồng nhiệt trên tất cả các thành phố của Nga, thì tất cả các thông tin về các cuộc mít-tinh, cũng như sự bất bình dường như bị chìm đi, người ta nghe thấy nó, nhìn thấy nó một cách rất yếu ớt. 

Mặc dù như vậy, nhưng các nhà kinh tế cho rằng vấn đề cải cách tuổi về hưu này là vô cùng cần thiết, bởi vì hiện nay quỹ lương hưu của chính phủ bị thâm thủng nặng nề, và vì vậy đồng lương hưu trung bình của người về hưu ở Nga rất thấp, chỉ có 13.000 rúp, có nghĩa là khoảng 200 đô la Mỹ. Và như vậy, đời sống của người về hưu không tốt, rất bấp bênh.

Với chính sách thay đổi tuổi về hưu này, người ta thấy rằng trong thời gian tới, đồng lương hưu sẽ được tăng lên một cách đáng kể. Từ nay đến năm 2024, lương hưu sẽ tăng lên 35%, có nghĩa là được khoảng 350 đô la Mỹ. Và như vậy, nó sẽ giúp đời sống của người về hưu được đảm bảo hơn”. 

Nghe qua thì phụ nữ Nga có vẻ bị ảnh hưởng ít hơn nam giới, vì tuổi thọ trung bình của nữ giới là gần 70 tuổi, cao hơn so với tuổi thọ trung bình 66,5 tuổi của nam giới, nhưng trên thực tế, nếu theo luật mới, phụ nữ sẽ phải làm việc thêm 8 năm trong khi nam giới chỉ làm thêm 5 năm. Vậy phụ nữ Nga phản ứng thế nào trước sự khác biệt này? Tờ báo trên giải thích: 

“Trong sự phản ứng, có thể nói rằng người dân Nga nói chung lo lắng là độ tuổi về hưu tăng cao như vậy, thì họ sẽ không kịp sống đến tuổi về hưu, chứ không phải chỉ có phụ nữ. Theo thống kê từ xưa tới nay thì phụ nữ bao giờ cũng sống thọ hơn nam giới. Và trong 10 năm tới, người ta cho rằng tuổi thọ của nữ giới sẽ còn tăng cao hơn nữa, trong khi tuổi thọ của nam giới 2 thập niên trước đây chỉ có 57 tuổi thôi và đến giờ thì đã tăng lên được đến 66 tuổi. 

Và người ta cho rằng trong vòng 10 năm nữa, khi mà cải cách lương hưu này bắt đầu được thực hiện một cách toàn phần thì tuổi thọ của nam giới sẽ không chỉ như bây giờ, chỉ có 66 tuổi, mà sẽ là trên 70 tuổi như các nước phát triển khác. Chính vì dự báo được tuổi thọ trung bình ở nước Nga sẽ mỗi năm một tăng cao hơn, cho nên người ta đã quyết định là để nam giới về hưu vào lứa tuổi 65 và để nữ giới về hưu ở lứa tuổi 63. 

Tuy nhiên, phụ nữ gánh một trọng trách rất lớn trong việc chăm lo con cái và gia đình. Vì vậy, cho nên khi nữ giới phải làm việc thêm 8 năm nữa, họ rất lo lắng là như vậy sẽ không thể ngồi nhà chăm sóc các cháu để cho con cái yên tâm đi làm.

Ở Nga, vấn đề thuê người giúp việc trong nhà rất hiếm và rất đắt, cho nên hầu hết những người dân Nga bình thường và trung lưu tự nuôi dưỡng và chăm sóc con cái chứ không thuê người giúp việc trong nhà. Ông bà bao giờ cũng là chỗ dựa đáng tin cậy cho các cháu.

Vì thế, khi mà ông bà bây giờ phải làm việc thêm từ 5 đến 8 năm nữa thì có nghĩa là các cháu bây giờ không có ai để trông. Đấy cũng là một điều đáng lo ngại cho thanh niên hiện nay, cũng như những bà mẹ chuẩn bị lên chức bà”.  

Vào năm 2005, ông Putin đã hứa: “Chừng nào tôi còn là tổng thống, một quyết định như vậy sẽ không bao giờ được đưa ra”. Báo chí Pháp cho biết theo một thăm dò ý kiến của viện Levada, một viện nghiên cứu độc lập, điểm tín nhiệm của tổng thống Valdimir Putin đã giảm 12 điểm chỉ trong một tháng.Trong khi đó, phát ngôn viên điện Kremlin, ông Dmitri Peskov, khẳng định cải cách hưu trí là trọng trách của chính phủ chứ không phải quyết định của tổng thống. Bài báo giải thích: 

“Mặc dù về mặt phân quyền, giữa trọng trách của tổng thống và chính phủ có nhiều khác biệt và những vấn đề liên quan đến chính sách kinh tế ở trong nước thì chắc chắn thuộc thẩm quyền của chính phủ chứ không phải của tổng thống, nhưng ở nước Nga thì là chế độ tổng thống là quan trọng.

Vì vậy, thực sự các quyết định trong quốc gia thì người ta đều cho rằng thuộc trọng trách của tổng thống. Dù người quyết định trực tiếp là thủ tướng hay bộ trưởng thì điều đó đều không quan trọng. Có những vấn đề rất đơn giản liên quan đến người dân thì người ta cũng kêu lên tận tổng thống, chứ không kêu lên thủ tướng hay chủ tịch tỉnh… 

Người Nga đã quen với việc tổng thống là người quan trọng nhất, có tiếng nói quyết định nhất, cho nên mọi thành công thì người ta đều cho rằng đó là nhờ ảnh hưởng của tổng thống và mọi vấn đề cũng đều là lỗi của tổng thống. Cho nên việc người dân Nga giảm sự tin cậy của mình vào tổng thống Putin trong một khoảng thời gian rất ngắn cũng là điều rất dễ hiểu”.

Tin cùng chuyên mục

Giải thưởng Nhà giáo Ghana 2024 là một trong những giải thưởng cao quý nhất để công nhận, tôn vinh những đóng góp của các giáo viên khắp cả nước này. (Ảnh: UNICEF)

Nghề giáo bốn phương

(PLVN) - Giáo viên tại các quốc gia đang phát triển thường xuyên đối diện với nhiều thách thức lớn như nghèo đói, thiếu hụt nguồn lực, lớp học quá tải, điều kiện công nghệ hạn chế. Tuy nhiên, họ vẫn luôn kiên trì và tận tâm, không ngừng nỗ lực vượt qua mọi khó khăn để mang lại tri thức và hy vọng cho từng học sinh, dù cho điều đó đôi khi vượt xa trách nhiệm công việc của họ.

Đọc thêm

Nghề độc đáo ở Nhật Bản: Ra sức 'nhồi nhét' khách lên tàu, mỗi năm thu nhập trên 800 triệu đồng

 Số lượng người dân đi tàu điện ngầm ở Nhật Bản lúc nào cũng quá tải. (Ảnh: Japan Insider)
(PLVN) - Nhật Bản vốn nổi tiếng là đất nước sử dụng tàu điện ngầm là phương tiện giao thông chính và quan trọng, phục vụ hàng triệu người mỗi ngày. Với hệ thống tàu điện hiện đại, hiệu quả và có mặt khắp các thành phố lớn, việc sử dụng tàu điện là cách tốt nhất để di chuyển trong và ngoài thành phố.

Úc cấm trẻ em dưới 16 tuổi sử dụng mạng xã hội

Hình minh họa
(PLVN) - Chính phủ Úc vừa cam kết sẽ ban hành luật giới hạn độ tuổi sử dụng mạng xã hội là 16 tuổi, kèm theo hình phạt cho các nền tảng không tuân thủ. Tuy nhiên, vẫn chưa rõ làm thế nào để các ông lớn công nghệ như Facebook, Instagram, TikTok... có thể thực thi hiệu quả quy định này.