Tôi theo chân NSƯT Trần Hạnh về ngôi nhà nhỏ trên phố Trần Quý Cáp. Ông mặc chiếc áo sơ mi trắng ngà đã rách lỗ và chiếc quần kaki bạc phếch, tất tả trong chiếc dép lê cũ khiến tôi liên tưởng đến những nhân vật… khốn khổ mà ông vẫn thường đóng. Người ông nhỏ thó, bàn tay khẳng khiu đến nỗi khi ông mở cửa, tôi lo sợ ông sẽ không kéo nổi cánh cửa sắt to để vào nhà. Và ấn tượng nhất có lẽ là cái lối xưng hô “bố - con” của Trần Hạnh, làm cho người lần đầu tiên nói chuyện với ông cũng cảm thấy như thân quen từ bao giờ…
Anh thợ giầy say mê ánh đèn sân khấu
Duyên nợ nào đã đưa Trần Hạnh đi theo con đường nghệ thuật?
Bố lập gia đình khi mới ngoài 20 và dù đã vợ con bìu ríu nhưng không sao bỏ được những buổi "chơi" kịch. Ban ngày đi làm giầy, ban đêm về bố lại "ham hố" tập kịch tại gò Long Vân (nhà nổi trên hồ Thuyền Quang bây giờ) đến 11 -12 giờ đêm mới lọ mọ về nhà. Hồi đó, bố chỉ nghĩ rằng nó là sự vui vẻ tạm thời, nó như sự giải khuây trong chốc lát sau những giờ làm việc vất vả để được hòa mình vào một đời sống khác, một cảnh huống khác, một tâm trạng khác của cuộc đời vốn đa diện này.
Khi mọi người vào học khóa đầu tiên đào tạo diễn viên chính quy của trường Sân khấu thì bố đành phải rẽ ngang về Đoàn kịch Hà Nội bởi lý do duy nhất là phụ cấp ở đó cao hơn 10 đồng. Giá như chuyện đời suôn sẻ thì anh thợ đóng giầy là bố đây đã được an nhàn tuổi già chứ không còn phải theo các đoàn làm phim long đong nay đây mai đó. Biết làm sao khi trong bố cái máu ham vui, ham văn nghệ đã ngấm tự bao giờ.
Nguyên nhân nào khiến bác toàn nhận những vai bình dân?
Bố là trai gốc 4 đời ở Hà Nội đấy chứ. Người Hà Nội thường được tiếng hào hoa phong nhã, nhưng hình thức là của trời cho, đâu phải ai cũng giống ai. Mặt bố nhàu nhĩ, đau khổ nhiều nếp nhăn, dáng điệu dúm dó, theo logic, người ta sẽ phân cho những vai nhà quê, nghèo khổ. Thế cũng chẳng sao, phố thị nào chẳng mọc từ nông thôn, anh thành phố nào chẳng có gốc gác nông dân? Trong khi đó, bố biết đi cày, bừa, biết tát gầu dai, gầu sòng. Hồi đi làm đường sắt cùng sống với bà con nông dân, ở trong nhà người ta, người ta làm gì, mình bắt chước mình làm hộ người ta. Đâm ra biết, từ chỗ biết rồi làm thử, làm thử đâm ra quen, lên phim cứ thế mà làm thôi.
Bố đang có ưu thế ở những vai bình dân, đạo diễn chẳng dại gì bỏ thế mạnh của mình để đánh cược với sự thành công. Họ thích ăn sẵn hơn, bố phải chiều theo chứ diễn viên ai chẳng thích được thử sức? Thế nên, bố vẫn cứ mong được sắm vai nào giàu có, sung sướng một tí, kể là diễn thôi cũng thấy mãn nguyện rồi.
Vậy đâu là phần thưởng lớn nhất trong cuộc đời làm nghệ thuật của bác?
Đó là còn có nhiều người ưa thích và muốn xem bố diễn, còn "quý lão nông Trần Hạnh". Là bố còn được "phục vụ".
Những năm tháng làm nghệ thuật là những ngày thần tiên trong đời bố. Bố đã học được tình yêu thiêng liêng với nghề nghiệp từ những giọt nước mắt của NSND, đạo diễn Nguyễn Đình Nghi khi cụ nhìn thấy phông màn nhà hát nhăn nheo; học được sự đam mê công việc từ câu thơ một người bạn nghề: "Những ngày sân khấu không làm việc/ Nhà hát buồn như một nghĩa trang."
Và sân khấu cũng như màn ảnh nhỏ sẽ ra sao nếu bác không còn yêu thích nó nữa?
Bố vẫn đi xe máy đến các tỉnh Hòa Bình, Hưng Yên, Phú Thọ… cùng các đoàn làm phim. Mặt mũi phờ phạc cả đi. Nhưng vui và phấn chấn lắm. Các đạo diễn, dù già hay trẻ, dù chuyên nghiệp hay nghiệp dư, thậm chí là sinh viên làm bài tốt nghiệp giữa kỳ vẫn tín nhiệm mời bố vào vai. Và khi đã nhận vai, dù lớn hay nhỏ, bố đều hết mình như thể đó là vai diễn cuối cùng trong đời. Gần nửa thế kỷ hoạt động nghệ thuật, đã có lúc do làm việc quá sức, bố phải nằm liệt trên giường bệnh hơn 3 năm trời. Thế nhưng bố vẫn cố gắng cải thiện sức khỏe để tiếp tục cống hiến cho nghề. Bố chỉ sợ khán giả bỏ mình thôi chứ không sợ mình từ bỏ niềm đam mê nghề diễn.
Tình yêu đến sau hôn nhân
Một ngày bình thường của Trần Hạnh diễn ra như thế nào?
Hàng ngày, bố dậy từ 5- 6h sáng, tự tay cơm nước, chợ búa, giặt giũ, quét tước nhà cửa, thu dọn chăn màn, vệ sinh cho vợ bị liệt nửa người sau một lần bị tai biến mạch máu não. Nhiều đêm trở trời, bố nằm trằn trọc, lo lắng liệu bà lão có ngủ ngon giấc? Thế là bố nằm đấy, nhưng mắt cứ mở thao láo, thức cùng đêm dài. Thằng út sau một lần bị tai nạn ảnh hưởng đến thần kinh, cũng không được minh mẫn, cứ lẩn tha, lẩn thẩn. Mặc dù hiện nay đã hơn 40 tuổi mà vẫn chưa có vợ con, lớn tồng ngồng mà chả khác nào đứa trẻ nên ngày ngày bố vẫn phải chăm sóc, bảo ban…
Những lúc đi đóng phim, bố phải nhờ cô con dâu thứ 2 sang chăm sóc mẹ và em. Anh em "kiến giả nhất phận", "con chăm cha không bằng bà chăm ông", trong nhà mình là người khỏe nhất thì phải chăm người yếu hơn thôi. Rảnh rỗi, không có việc gì làm, bố lại lôi những kịch bản phim cũ ra đọc, xem mình đóng vai đó có lỗi gì không, thiếu cái gì, chưa được chỗ nào hoặc là học thuộc lời thoại trong những kịch bản mới, vì giờ có tuổi rồi - phải thẩm thấu rất lâu mới thuộc lời nhân vật.
Giờ đã nghỉ hưu, thú vui tuổi già của bác là gì?
Trà đá, thuốc lào, thuốc lá Thăng Long, nói chuyện tào lao ở quán nước đầu ngõ. Đó là điểm hẹn quen thuộc mà mọi người vẫn thường gặp để nghe bố trang trải chuyện đời, chuyện nghề, lúc lại ký hợp đồng đóng phim, có lúc, quán nước ấy thành nơi trung chuyển kịch bản cho bố, nếu bố không có mặt ở nhà.
Bố thường ngồi một mình và thích "nhìn ngó lung tung". Cuộc sống cũng như một dòng nước, nó cứ chảy cuồn cuộn như thế còn thân phận mình không khác gì một cánh bèo dạt. Nhưng bố vẫn thấy vui vì cái thân phận bèo dạt ấy. Bố an lòng với tất cả những gì mà số phận đã dành cho và ít khi buồn lắm. Có chăng, đó là khoảng thời gian ít ỏi lúc trời nhập nhẹm tối. Trong ánh chiều nhá nhem, thấy bà lão nằm co quắp, yên lặng trên giường, bố thấy xót xa vô cùng…
Tại sao bác có thể vui vẻ với cuộc sống như thế?
Miễn là mình sống được, chứ có làm sao đâu con. Nói thật, ở đây bố còn sung sướng chán. Đi nhiều nơi làm phim, thấy người ta khổ lắm. Có lần bố lên Hòa Bình, trời rét kinh khủng, thế mà trẻ con cỡ 5 – 7 tuổi chỉ có manh áo, cởi truồng đi đất. Mình thì áo trong áo ngoài, đi hai bít tất, đi giày mà còn rét run cầm cập, thế mà chúng nó chịu rét như vậy.
Vả lại con xem, thế là trải qua bao nhiêu năm lấy nhau, không có chuyện gì lớn xảy ra với cuộc sống vợ chồng bố. Ngày trước, bà ấy còn khoẻ mạnh, vui đùa, dạy dỗ con cái, giờ nằm yên đó, không suy nghĩ, không vướng bận. Đôi khi, trong đau khổ, người ta cũng tìm được hạnh phúc cho mình. Bố quan niệm, trong cuộc sống, mọi thứ diễn ra đều rất bình thường, người sướng, người khổ, kẻ ốm yếu, người khoẻ mạnh là lẽ đương nhiên, giống như mặt trời mọc xong thì lặn vậy. Nếu cứ ngồi ân hận cuộc đời, cay cú với xã hội, sẽ sớm chết vì mệt mỏi.
Con dâu bác nói rằng, bố chồng mình là một người đàn ông yêu vợ hiếm thấy. Bác chia sẻ đôi chút về chuyện tình của lão nghệ sĩ Trần Hạnh được chứ?
Ngày đó, bố đang đi làm ở công trường thì bà nội đánh điện: về ngay, mẹ ốm sắp chết. Được lãnh đạo ký quyết định cho nghỉ 3 hôm, bố hớt hải nhảy xe từ Lào Cai về Hà Nội, trong lòng bồn chồn không yên. Ấy vậy mà về tới nhà mới biết đó là "tin vịt". Cả gia đình "lập mưu" lừa bố về nhà, ép cưới vợ. Và trong vỏn vẹn 3 ngày nghỉ đó, bố lập gia đình. Bà lão lúc ấy làm ở công ty ăn uống Thủy Tạ, sống ở số nhà 24, còn gia đình bố ở số nhà 50, cùng ngõ Phát Lộc (Hàng Bạc, Hà Nội). Hai bên gia đình biết nhau từ lâu, nhưng bố không hề biết nhiều về cô gái sẽ làm vợ mình. Chuyện cưới xin được an bài trước, bố không còn lý do nào cãi lại, đành chịu cưới. Bố về hôm trước, hôn lễ được tổ chức ngay hôm sau.
Tân hôn được đúng một hôm, lại ngược lên Lào Cai làm việc. Hoàn thành công việc tại công trường Lào Cai, bố được điều về công trường Thanh Hoá làm cầu Hàm Rồng. Làm việc được một thời gian thì bị ngã nước, ốm yếu quá, nên xin về nhà. Lúc đó, bố mới có thời gian gần vợ. Thời bố, không mấy ai tự do tìm hiểu mà đều là người lớn sắp đặt. Thế nhưng bố ưng ý. Đến tận bây giờ vẫn rất hài lòng. Cũng có thể xem là kiểu tình yêu đến sau hôn nhân.
Cảm ơn bác về những chia sẻ, chúc bác mạnh khỏe và hạnh phúc!
Thu Hồng (thực hiện)