Lê Vân là người thông minh nhất nhà
Cùng thời điểm nhận được lời mời của đạo diễn phim “Mẹ ơi, bố đâu rồi?”, NSND Lê Khanh nhận được 3 lời mời khác, ở cả phim truyền hình và điện ảnh. Nhưng chỉ với dự án của đạo diễn Bùi Tiến Huy, chị mới thực sự thuyết phục vì tìm thấy sự đồng điệu.
Chị chia sẻ: “Đây là lần đầu tiên tôi được trải nghiệm một kịch bản phim đúng khái niệm “đưa vào cuộc sống”. Ở đó tái hiện tất cả những gì gần gũi nhất trong nhịp sống hàng ngày. Một sự trùng hợp thú vị đó là trong phim tôi phải làm mẹ của 3 cô con gái giống ngoài đời thực của gia đình tôi. Phim có rất nhiều màu sắc sinh động với những câu thoại, tình huống, câu chuyện… rất hài hước, đời thường mà chúng ta vẫn thường gặp trong mỗi gia đình”.
Vì sự đồng điệu ấy mà khi làm phim, NSND Lê Khanh cũng được sống lại những cảm xúc trong căn nhà tập thể, nơi chị có tuổi thơ phong phú bên chị gái Lê Vân và em Lê Vi.
Chị nhớ lại: “Nhà tôi có 3 chị em gái, tuổi lại sàn sàn như nhau nên chuyện chành chọe, chí chóe là điều khó tránh khỏi. Nhiều lúc, mẹ tôi - NSƯT Lê Mai không thể chịu đựng được đã phải hét lên: “Tao phải giết một trong 3 đứa”. Chị Lê Vân vốn thông minh nhất nhà nên nghe mẹ nói thế là chạy vèo đến bảo với mẹ: “Mẹ có giết thì giết con Khanh ấy, vì con còn bế được em Vi”. Vậy là mẹ hết “tăng xông” vì chúng tôi luôn.
Khi chị Vân học hết lớp 10 thì vào trường Múa Việt Nam và sống nội trú ở đó luôn. Cuối tuần chị mới về nhà, vậy mà vẫn cứ “chí cha, chí choé”. Mẹ phải phân công công việc cụ thể cho mỗi đứa, như đứa rửa bát, giặt quần áo, dọn nhà… nhưng mỗi khi đến phiên mình thì tôi lại tìm cách “lỉnh”.
Nhưng để “qua mặt” được người thông minh như chị Vân thì khó lắm. Mới nẩy ra ý định thôi là chị đã “bắt thóp” và ngăn chặn ngay rồi. Trái lại, còn bị chị “bẫy” bằng cách, cứ tối đến là bảo lên giường nằm trước. Hóa ra là để nằm cho ấm chỗ, chị chỉ việc lên nằm mà không bị lạnh nữa”.
Sống trong thời bao cấp, cái gì cũng thiếu thốn, khó khăn nhưng theo NSND Lê Khanh, điều đó lại mang đến nhiều kỷ niệm khó quên cho thế hệ của chị. Chị kể: “Ngày xưa bố mẹ tôi đều là nghệ sĩ nên chế độ cũng đầy đủ nhưng dù sao cũng phải hòa vào sự khó khăn chung. Có hôm, nhà không có gì ăn, tôi đi học về đói quá, phải “ăn vã” nước mắm. Chị Vân lại “tố” với mẹ Mai. Cứ hiền hiền như em Vi lại được cả nhà thương.
Tôi nhớ có hôm mẹ nấu chè, hai bà chị cũng “đánh” vèo một phát hết sạch còn em Vi thì bao giờ cũng để dành chứ không ăn ngay. Chính vì thế mà hai bà chị lại có dịp “trổ tài” nịnh nọt. Vi là người thảo ruột, thấy các chị xin lại bón cho chị này một thìa rồi chị kia một thìa. Chỉ đến khi bị mẹ phát hiện, ra tay giải cứu thì em Vi mới được “yên ổn” ăn phần của mình”.
Từng là gương mặt “ăn khách” của điện ảnh
Hỏi NSND Lê Khanh, có bao giờ phải đau đầu vì các con của mình hay không, chị chia sẻ: “Hai con tôi thì một trai, một gái nên sự “đau đầu” lại ở một dạng khác. Chị Hến thì dịu dàng, chịu đựng nên hay bị cu Thóc bắt nạt. Có lúc vô cớ cũng đấm chị bùm bụp. Nhiều khi chú Chí Trung thấy xót quá phải can thiệp: “Hến ơi, sao con cứ để em đánh thế?”. Cũng may là hai cháu rất thân và yêu thương nhau. Chúng cũng chưa lớn hẳn nên tôi chưa có cảm giác hụt hẫng như người mẹ trong phim”.
Có một chi tiết thú vị là, cả hai lần mang bầu của NSND Lê Khanh đều liên quan đến đạo diễn Việt kiều Trần An Hùng. Năm 1995, khi chị vừa nhận lời tham gia phim “Xích lô” của đạo diễn Trần Anh Hùng thì sau đó đành phải lỗi hẹn vì phát hiện mình có bầu con gái đầu lòng. Đến năm 1997, nghĩ sẽ rảnh rang để tham gia phim “Mùa hè chiều thẳng đứng” nên đạo diễn Trần Anh Hùng tiếp tục mời chị tham gia thì lại phát hiện có bầu lần hai.
Các nghệ sĩ trong đoàn cứ trêu đạo diễn “mát tay”, hễ “dính” đến Trần Anh Hùng là Lê Khanh mang bầu. Như thể phim có duyên với chị nên nhờ việc đạo diễn sửa lại kịch bản, mà thời gian sửa kịch bản lại kéo dài mất một năm, cũng là thời điểm chị đã sinh con xong nên cuối cùng vẫn tham gia được.
Phim phát hành năm 2000, kể về câu chuyện gia đình của 3 chị em gái: Sương (Như Quỳnh), Khanh (Lê Khanh) và Liên (Trần Nữ Yên Khê) quanh ngày giỗ mẹ tại Hà Nội. Phim sau đó được công chiếu tại Liên hoan phim Cannes ở hạng mục "Một góc nhìn" và nhận được những phản hồi tích cực, với nhiều lời khen ngợi chỉ đạo của Trần Anh Hùng.
Nhắc đến Lê Khanh, khán giả cũng từng rất ấn tượng với rất nhiều vai diễn trong các phim truyền hình, điện ảnh, như vai nữ tu Băng Thanh (phim Săn bắt cướp), vai Lan trong “Chuyện tình bên dòng sông”, vai Kiều Loan trong “Chiếc mặt nạ da người”.
Với phim truyền hình, ấn tượng nhất là vai diễn sắc sảo, nhiều tham vọng trong phim “Người Hà Nội”, từng “làm mưa làm gió” trên sóng truyền hình. Bộ phim còn nổi tiếng với ca khúc “Chị tôi” của nhạc sĩ Trọng Đài, do ca sĩ Mỹ Linh thể hiện. Đến mức, bài hát sau đó đã có đời sống độc lập, trở thành hit một thời gian dài của Diva người Hà Nội.
Với lần trở lại này, NSND Lê Khanh tự tin mình sẽ làm khán giả thích thú bởi câu chuyện gia đình vừa gần gũi, vừa sinh động. Chị nói: “Cứ như họ lấy chất liệu từ những chiếc máy nghe trộm trong mỗi gia đình nên không khách sáo, không giả vờ. Nó sinh động nhưng lại rất thật. Nhiều khi tôi còn giật mình không hiểu vì sao lại sinh động được đến như thế”.