Ngồi nhà, mất khoảng 3 phút để nộp phạt
Mới đây, Cục Cảnh sát giao thông đường bộ cùng các bộ, cơ quan đã tổ chức trải nghiệm thực tế của người dùng trên Cổng dịch vụ công quốc gia với 5 dịch vụ công: Nộp tiền xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ; Nộp lệ phí trước bạ ô tô, xe gắn máy; Nộp thuế cá nhân; Nộp thuế doanh nghiệp; Hủy tờ khai hải quan.
Trong đó, trải nghiệm nộp tiền xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ được thực hiện với các trường hợp vi phạm giao thông thực tế. Người dùng có thể lựa chọn 2 trường hợp thanh toán và nhận kết quả: Thứ nhất là thanh toán trực tuyến và nhận kết quả tại cơ quan xử phạt; thứ hai là thanh toán trực tuyến và nhận kết quả tại nhà.
Trường hợp người dùng chọn thanh toán trực tuyến và nhận kết quả tại nhà sẽ sử dụng dịch vụ bưu chính công ích để trả kết quả tại nhà cho người dân. Với việc thanh toán trực tuyến, hiện tại người dân có thể lựa chọn thanh toán qua các ngân hàng thương mại như VietcomBank, ViettinBank hoặc kết nối và thanh toán với 30 ngân hàng khác thông qua cổng thanh toán của VNPT Pay hay ví điện tử MoMo...
Chỉ cần trong thẻ có tiền và có mạng, ở bất cứ đâu bạn cũng có thể đóng tiền lệ phí trực tuyến |
Cục Cảnh sát giao thông đường bộ nêu nhận định, dịch vụ thanh toán trực tuyến và nhận kết quả tại nhà trên Cổng dịch vụ công quốc gia mang lại lợi ích thuận tiện cho người dân, hạn chế sự đi lại của người dân trong thời điểm đang chống dịch bệnh Covid-19. Theo Tổng Công ty Bưu điện Việt Nam, từ ngày 13/3/2020, căn cứ trên biên bản xử phạt, người dân trên cả nước nếu vi phạm giao thông tại các tỉnh, thành phố như: Hà Nội, TP HCM, Hải Phòng, Đà Nẵng, Bình Thuận chỉ mất khoảng 3 phút để truy nhập vào Cổng dịch vụ công quốc gia nộp phạt và lựa chọn đăng ký nhận kết quả tại nhà qua bưu điện (Vietnam Post).
Người sử dụng có thể chọn hình thức chuyển phát nhanh hoặc chuyển phát thường. Căn cứ vào địa chỉ nhận giấy tờ và hình thức đăng kí chuyển phát của người sử dụng, hệ thống sẽ hiển thị thời gian và mức phí chuyển phát giấy tờ. Như vậy, thay vì mất rất nhiều thời gian đi lại, chờ đợi để nhận lại giấy tờ tạm giữ từ cơ quan Công an, giờ đây, người vi phạm giao thông chỉ cần ngồi ở nhà đăng ký nhận kết quả tại nhà qua bưu điện. Khi hồ sơ vi phạm giao thông đến hạn trả cho người vi phạm, cơ quan Công an sẽ bàn giao cho bưu điện để chuyển trả đến tận địa chỉ người sử dụng đăng ký trên Cổng dịch vụ công quốc gia.
Tiếp tục chú trọng đến thanh toán trực tuyến
Trên đây mới chỉ là 5 trong tổng số 169 dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4 được đưa lên Cổng Dịch vụ công quốc gia để phục vụ người dân, doanh nghiệp (tính đến ngày 13/3) chỉ sau hơn 3 tháng khai trương Cổng. Theo Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng, sau thời gian triển khai khẩn trương, nghiêm túc, các Bộ: Công an, Tài chính, Lao động, Thương binh và Xã hội, Tư pháp và 58 địa phương đã tích hợp, đưa thêm 11 dịch vụ công trực tuyến lên Cổng dịch vụ công quốc gia. Cụ thể, ngoài 5 dịch vụ trên còn có các dịch vụ: Nộp thuế môn bài; Khai bổ sung tờ khai hải quan; Đăng ký cung ứng hợp đồng lao động; Đăng ký mã số đơn vị quan hệ ngân sách; Đăng ký khai sinh tại 45 tỉnh, thành phố; Cấp phiếu lý lịch tư pháp tại 58 tỉnh, thành phố.
“Chính thức từ thời điểm này (ngày 13/3 - PV), người dân, doanh nghiệp khi truy cập vào Cổng dịch vụ công quốc gia theo địa chỉ dichvucong.gov.vn có thể thực hiện được các dịch vụ công nêu trên không phụ thuộc vào thời gian, địa giới hành chính”, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ cho biết. Thống kê mới nhất - đến 15h ngày 21/3, đã có khoảng 91 nghìn tài khoản, trên 3 triệu hồ sơ đồng bộ trạng thái và trên 16,4 nghìn hồ sơ được thực hiện qua Cổng dịch vụ công quốc gia. Cổng dịch vụ công quốc gia cũng tiếp nhận hỗ trợ gần 7 nghìn cuộc gọi, tiếp nhận trên 4,7 nghìn phản ánh, kiến nghị của người dân, doanh nghiệp.
Trong thời điểm hiện nay khi cả nước đang quyết liệt chống dịch bệnh Covid-19, theo Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ, việc đưa thêm các dịch vụ công tích hợp lên Cổng Dịch vụ công quốc gia càng có ý nghĩa quan trọng khi những dịch vụ công này chú trọng đến thanh toán trực tuyến. “Việc này hạn chế sự tiếp xúc trực tiếp và tạo thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp”, Bộ trưởng, Chủ nhiệmVăn phòng Chính phủ nhận định.
Tại Hội nghị sơ kết 3 tháng vận hành Cổng Dịch vụ công quốc gia diễn ra mới đây, Thủ tướng Chính phủ đã gửi lời khích lệ, động viên tới tất cả cán bộ thuộc các bộ, cơ quan đã tích cực tham gia để góp phần vào quá trình cải cách thủ tục hành chính mạnh mẽ của Chính phủ. Đặc biệt, trong bối cảnh hiện nay, việc không tiếp xúc với tiền bạc, giấy tờ, không gặp mặt trực tiếp góp phần phòng chống dịch bệnh.
“Cái gì có lợi cho người dân thì chúng ta nên thực hiện, có lợi cho doanh nghiệp, giảm chi phí thì chúng ta nên quan tâm”, Thủ tướng nói và biểu dương một số bộ, ngành gồm Bộ: Thông tin và Truyền thông, Công an, Tài chính, Công Thương, Kế hoạch và Đầu tư, Y tế, Giao thông vận tải, Tài nguyên và Môi trường; Bảo hiểm Xã hội Việt Nam, Tập đoàn Điện lực Việt Nam, Ngân hàng Vietcombank, Tập đoàn Bưu chính - Viễn thông Việt Nam, Ban Cơ yếu Chính phủ, TP HCM, Hà Nội, Tây Ninh, An Giang, Khánh Hòa, Yên Bái... và Tổng cục Thuế, Hải quan, Cảnh sát giao thông đã có nhiều nỗ lực để có được những kết quả trêm.
Tuy nhiên, Thủ tướng nêu ra một số vấn đề như “người ta lấy hồ sơ, giấy tờ bị phạt ở đâu hay có bảo đảm bí mật đời tư khi mà đăng nhập vào Cổng dịch vụ công quốc gia hay không?”. Các vấn đề này cần tính toán chặt chẽ, cần tiếp tục đổi mới, cải tiến quy trình, đơn giản hóa thủ tục, nâng cao chất lượng phục vụ. “Chúng ta không chỉ dừng lại ở những kết quả đã làm được, mà cần phải thực sự cải tiến, đổi mới để chất lượng tốt hơn, thuận lợi nhất cho người dân, doanh nghiệp”, Thủ tướng yêu cầu.
Bên cạnh đó, theo Thủ tướng, cần tiếp nhận, giải quyết đúng tiến độ, chất lượng đối với các dịch vụ công đã tích hợp, cung cấp trên Cổng dịch vụ công quốc gia, đồng thời, thường xuyên cải tiến, đổi mới quy trình, thủ tục để nâng cao chất lượng phục vụ. Với các dịch vụ mới tổ chức thí điểm tại một số tỉnh, thành phố như nộp phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ; kê khai và thu phí, lệ phí trước bạ ô tô, xe máy; kê khai và thu thuế doanh nghiệp…, Thủ tướng yêu cầu các Bộ: Công an, Tài chính, Giao thông vận tải tiếp tục phối hợp với Văn phòng Chính phủ để hoàn thiện và triển khai toàn quốc trước ngày 30/6/2020.
Thủ tướng cũng yêu cầu đẩy mạnh thanh toán trực tuyến phí, lệ phí, thuế, tiền phạt xử lý vi phạm hành chính và các nghĩa vụ tài chính khác trong giải quyết thủ tục hành chính, thực hiện dịch vụ công trên Cổng Dịch vụ công quốc gia, Cổng Dịch vụ công cấp bộ, cấp tỉnh, góp phần thực hiện thành công giải pháp đẩy mạnh thanh toán không dùng tiền mặt…