Mô hình kinh tế thời kỳ 4.0
Với diện tích 17 ha và được chia làm 2 khu: Khu vực 1 khoảng 5 ha đẩy mạnh yếu tố về hạ tầng kỹ thuật cao để phục vụ đáp ứng nhu cầu của cổ đông; Khu vực 2 rộng 12 ha là công viên nông nghiệp sinh học để du khách có thể tham gia trực tiếp vào quy trình sản xuất.
Các loại gia súc, gia cầm và các loại rau ở đây được nuôi, trồng trong điều kiện tốt nhất, được tưới tắm, chăm sóc thường xuyên để tránh mắc phải sâu, bệnh hại cũng như đảm bảo chất lượng. Tại các chuồng bò sữa, mỗi ngăn đều có hệ thống quạt và hệ thống phun sương hiện đại để cho bò được thư giãn, khi lấy sữa thì đạt được hiệu quả về chất lượng. Trong chăn nuôi lợn, mỗi chuồng lợn sẽ có 4 ô ruộng để làm sân chơi cho lợn. Khi lợn chuyển sang ô bên cạnh thì ô cũ được làm đất, bón phân giun quế, rải mầm rau mầm cây để đợi 20 ngày sau khi quay lại lợn sẽ có sân chơi và thức ăn xanh. Lợn còn thường xuyên được tắm mát, sưởi ấm, chải lông, massagge và nghe nhạc giao hưởng. Các loại thực phẩm sau khi được sơ chế tại nhà máy của nông trại sẽ được đưa tới các hộ gia đình thành viên trong nông trại để đảm bảo độ tươi ngon của sản phẩm.
Ông Lương Văn Hùng, Tổng Giám đốc hệ thống Công ty Nông trại chia sẻ Sharefarm (ở cụm 9 xã Ngọc Tảo, huyện Phúc Thọ, Hà Nội) cho biết, Sharefarm là mô hình nông trại sinh thái khép kín phát triển dựa trên nền nông nghiệp công nghệ cao kết hợp với phát triển du lịch và giáo dục. Đây là một trong những mô hình trang trại cộng đồng có tiềm năng phát triển bền vững tại Việt Nam, Sharefarm đảm bảo theo tiêu chuẩn 4.0 gồm: Vườn ao chuồng 4.0 là hệ sinh thái lành mạnh trên nền tảng nông nghiệp công nghệ cao; Tự cung, tự cấp 4.0 (các hộ gia đình được tập hợp để chung đầu tư và tiêu thụ sản phẩm của trang trại trên quy mô đã được hiện đại hóa, công nghiệp hóa và tối ưu toàn bộ chu trình: đầu tư - quản lý và sản xuất - phân phối - tiêu thụ).
“Điều khác biệt lớn nhất là chúng tôi tổ chức mô hình VAC và các bạn nhỏ đến không phải chơi trong một mô hình mang tính chất trình diễn, mô hình cơ bản giáo dục mà đó là mô hình sinh thái sống, ví dụ: hôm nay các cháu đến tham gia hoạt động này, nhưng ngày mai đến, hoạt động đó không còn nữa mà sẽ là hoạt động mới của chu trình sản xuất” - Tổng Giám đốc Sharefarm chia sẻ và cho rằng điều quan trọng nhất sau những buổi du lịch trải nghiệm như vậy là các em nhỏ biết phân biệt các loại cây, con vật nuôi; các bậc phụ huynh sẽ chứng kiến được cách chăn nuôi gà sạch, trồng và chăm sóc các loại cây ăn quả, rau, từ đó quảng bá hình ảnh của trang trại đến người dân trong và ngoài thành phố.
Tuy mới đi vào hoạt động từ đầu năm 2018, nhưng nông trại đã đón rất nhiều đoàn khách du lịch, nhiều gia đình về tham quan, trải nghiệm. Tại đây, những vị khách này sẽ trở thành những người nông dân thực sự.
Các bé sẽ hiểu hơn về nghề nông từ những trải nghiệm thú vị tại Sharefarm |
Ý tưởng từ quyết tâm nền nông nghiệp sạch
Chia sẻ về ý tưởng để tạo ra mô hình sinh thái nông nghiệp, ông Hùng cho biết, trước khi tạo ra mô hình này, ông đã từng sản xuất ở nhiều mô hình nông nghiệp hữu cơ khác, trong quá trình sản xuất cũng như phân phối bản thân ông nhận thấy khá nhiều bất cập. Trong khi đó, quan điểm của ông là người tiêu dùng phải được hưởng sản phẩm thật nhất, thật cả về chất lượng và giá trị.
Khi quan sát thị trường, ông thấy đa phần người tiêu dùng bị chi phối bởi những “ông lớn” trong sản xuất hay những tập đoàn. Họ hầu như không có sự lựa chọn nhiều, thêm vào đó họ lại không biết được quy trình nuôi trồng cũng như sản xuất khiến ông trăn trở suy nghĩ. Đó cũng chính là nguồn động lực thôi thúc ý tưởng đưa đến cho người tiêu dùng những sản phẩm hữu cơ an toàn nhất.
Thời gian đầu triển khai mô hình, ông Hùng gặp rất nhiều khó khăn, từ việc xây dựng niềm tin cho khách hàng cho tới vấn đề về quỹ đất. Vì làm nông nghiệp sinh thái nên cần một quỹ đất khá rộng mà phần đất này lại thuộc quyền sở hữu của nhiều hộ dân và các xã khác nhau. Để có được mô hình như hiện tại, ông đã phải vận động đến 10 xã với hàng trăm cuộc tiếp xúc họp dân và cuối cùng đã đạt được thành quả với mô hình nông trại sinh thái rộng tới 17ha.
Bên cạnh đó, nông trại cũng giải quyết được nhiều công ăn việc làm cho người dân địa phương. Nguồn lao động chính của nông trại gồm 14 người, lao động thời vụ 30 người. Đặc biệt, những hộ gia đình cho thuê đất sẽ được tạo điều kiện việc làm tại nông trại, làm việc trên mảnh đất của chính mình.
Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội Tạ Văn Tường nhận định, Nông trại chia sẻ Sharefarm là mô hình mới ở Hà Nội. Với hình thức Sharefarm, những nhà đầu tư có năng lực và ứng dụng những công nghệ thông minh nhất để phục vụ cho trang trại cũng như công nghệ quy trình sản xuất hữu cơ, thân thiện với tự nhiên được áp dụng để có sản phẩm an toàn… “Hiện, chúng tôi đang tham mưu kế hoạch tái cơ cấu, trong đó có đưa ra việc phát triển các trang trại chia sẻ, các trang trại giáo dục kết hợp du lịch. Đây là một trong những hướng đi cho sản xuất nông nghiệp của TP Hà Nội” – ông Tường cho biết.