Tăng cường tiêu thụ nội địa
Sản lượng nông sản phía Bắc năm nay lại được mùa với khoảng 160.000 tấn vải thiều Bắc Giang và 400.000 tấn các loại quả (xoài, mận, nhãn…) ở Sơn La. Các địa phương này đã từng đứng trước nỗi lo tiêu thụ nông sản khi dịch Covid-19 bắt đầu diễn ra ở Trung Quốc bởi đây là thị trường tiêu thụ chính của nông sản phía Bắc.
Nhưng trước đây nhiều tháng, chính quyền địa phương cũng như các cơ quan chức năng của địa phương, Bộ Công Thương đã triển khai công việc nhằm lo đầu ra cho các loại nông sản này.
Ông Vũ Đức Thuận, Phó Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Sơn La cho biết, ngay khi dịch bệnh Covid-19 xảy ra, Sơn La đã thành lập Ban Chỉ đạo nhằm hỗ trợ bà con nông dân tiêu thụ nông sản. Không thể tổ chức được các hội nghị xúc tiến như thường lệ, Sở đã thay đổi phương thức xúc tiến bằng cách chỉ đạo các cơ quan ban ngành tăng cường xúc tiến, quảng bá trên các trang thông tin của Sở và các trang mạng xã hội để các sản phẩm trái cây, nông sản an toàn Sơn La đến với người tiêu dùng một cách nhanh nhất.
Ngoài ra, tỉnh Sơn La cũng tổ chức họp trực tuyến để quảng bá các sản phẩm nông sản, trái cây của địa phương đến từng thị trường, song song với việc giúp bà con nông dân đảm bảo quy chuẩn, tiêu chuẩn sản phẩm để đáp ứng các thị trường tiêu dùng và giữ vững thị trường tiêu thụ.
Ngay khi dịch Covid-19 tạm an toàn, các hoạt động xúc tiến tiêu thụ nông sản đã rộn ràng trở lại. Sơn La đã tiếp tục phối hợp với các thị trường lớn như Hải Phòng, Thanh Hóa, Quảng Ninh, Hà Nội… tổ chức quảng bá dưới hình thức trưng bày các gian hàng để duy trì thị trường. Chưa hết, Sơn La cũng đã làm việc với Sở Công Thương Hà Nội để đề nghị tạo điều kiện giúp Sơn La có các gian hàng quảng bá các sản phẩm của Sơn La tại Hà Nội để các sản phẩm của Sơn La trở nên phổ biến và dễ tìm hơn tại Thủ đô.
“Tôi mới đề nghị siêu thị Big C tại Hà Nội dành cho Sơn La một khu vực riêng để quảng bá sản phẩm của tỉnh. Đây chính là một kênh để người tiêu dùng tiếp cận được với sản phẩm của Sơn La. Tiếp tới là tăng cường quảng bá sản phẩm để vào các siêu thị khác như Vinmart, BRG… chứ tỉnh không thể xây dựng hệ thống phân phối riêng vì chi phí lớn, hiệu quả chưa chắc cao” - ông Thuận thông tin thêm.
Tỉnh Bắc Giang cũng đã có nhiều hoạt động để xúc tiến tiêu thụ vải ở thị trưởng trong nước như tổ chức lễ hội quảng bá vải thiều. Ngoài ra, tỉnh cũng phối hợp với các đầu mối tiêu thụ lớn, tổ chức các chuyến xe xuất hàng tiêu thụ vải thiều từ Bắc Giang đi Hà Nội và vào miền Nam. Thông tin từ UBND huyện Lục Ngạn cho biết, năm nay các siêu thị lớn đều đã làm việc với các hợp tác xã để bao tiêu thu mua vải cho bà con.
Giữ vững tiêu thụ ở thị trường Trung Quốc
Theo thống kê từ các tỉnh, sản lượng nông sản năm nay đều tăng hơn so với năm 2019. Ví dụ, sản lượng xoài Sơn La đã tăng từ 35.000 tấn lên đến 45.000 tấn; nhãn từ 65.000 tấn lên 80.000 tấn. Vải thiều Bắc Giang cũng tăng thêm 10.000 tấn trong vụ thu hoạch 2020. Trong số này, khoảng 50% sẽ xuất khẩu, trong đó thị trường Trung Quốc chiếm tới 92-95% sản lượng. Do vậy, việc tạo điều kiện để các thương nhân Trung Quốc sang Việt Nam thu mua nông sản đã được đặt ra ngay từ đầu mùa thu hoạch.
Ông La Văn Nam, Chủ tịch UBND huyện Lục Ngạn cho biết, ngay từ đầu vụ, huyện đã đề nghị tỉnh phương án cho thương nhân Trung Quốc sang Việt Nam. Tỉnh đã có văn bản xin phép Chính phủ cho phép thương nhân Trung Quốc đủ điều kiện sang cách ly tại huyện Lục Ngạn 14 ngày sau đó mới ra thị trường thu mua vải cho bà con.
Hiện hơn 300 thương nhân Trung Quốc đã bắt đầu sang Việt Nam. Huyện cũng đã lên các phương án cụ thể để đón thương nhân Trung Quốc tại cửa khẩu Hữu Nghị, đưa thẳng về các khu cách ly của huyện. Tổng cộng đã có 29 khách sạn, nhà hàng, nhà nghỉ với 338 phòng, nằm trên địa bàn của huyện đã sẵn sàng đón thương nhân Trung Quốc sang cách ly.
Sơn La lại có cách khác để đảm bảo tiêu thụ ổn định ở thị trường Trung Quốc. Theo ông Thuận, do vụ thu hoạch các loại quả bắt đầu ngay trong mùa dịch Covid-19 nên các thương nhân Trung Quốc không thể sang thu mua được. Do đó, Sơn La đã làm việc với Lạng Sơn, đề nghị Lạng Sơn hỗ trợ đẩy nhanh thông quan các sản phẩm nông sản của Sơn La sang thị trường Trung Quốc và đề nghị Lạng Sơn tăng cường quảng bá sản phẩm Sơn La đến với doanh nghiệp Trung Quốc.
Theo đó, các thương lái Trung Quốc sẽ thông qua hệ thống doanh nghiệp của Lạng Sơn và Lào Cai để có các đầu mối thu mua nông sản ở Sơn La, sau đó vận chuyển lên cửa khẩu để giao hàng. Bằng cách này, nông sản Sơn La vẫn tiếp tục xuất sang thị trường Trung Quốc.
Ông Thuận thông tin thêm, tỉnh đang tập trung tiêu thụ quả xoài. Hiện các doanh nghiệp thu mua đã đến tận vườn đặt hàng và lượng tiêu thụ đã đạt khoảng 2/3 sản lượng xoài hiện có của tỉnh.