Nông dân Thái Lan biểu tình đòi Chính phủ trả tiền gạo

Nông dân biểu tình đòi Chính phủ trả tiền mua gạo
Nông dân biểu tình đòi Chính phủ trả tiền mua gạo
(PLO) - Hơn 1.000 nông dân ngày 10/2 đã biểu tình trước trụ sở tạm thời của Chính phủ Thái Lan để phản ứng trước việc Nhà nước không trả tiền mua gạo theo một chương trình trợ giá gây tranh cãi.
Cuộc biểu tình diễn ra trong bối cảnh Chính phủ lâm thời đã thừa nhận đang chật vật để chi trả cho chương trình mua gạo. 
Chương trình thu mua gạo của nông dân với mức trợ giá cao là một chính sách mang dấu ấn của Thủ tướng Yingluck Shinawatra. Chính sách này là một trong những yếu tố giúp bà Yingluck lên nắm quyền vào năm 2011 với sự giúp đỡ của hàng triệu cử tri ở nông thôn. Tuy nhiên, chính chương trình này hiện lại đang trở thành một trong những mối đe dọa lớn nhất đối với việc nắm quyền của bà. 
Ngày 10/2, binh lính đã được huy động để đứng gác phía sau một hàng rào dây thép gai ở trụ sở Bộ Quốc phòng ở phía Bắc Bangkok. Đây là nơi làm việc của bà Yingluck kể từ khi nổ ra các cuộc biểu tình chống Chính phủ làm gián đoạn các hoạt động bình thường ở thủ đô và buộc bà phải chuyển địa điểm làm việc hồi tháng 1 vừa qua. 
Khoảng 30 đại diện của những người nông dân đã được cho vào trụ sở Bộ Quốc phòng để gặp Bộ trưởng Thương mại Niwatthamrong Bunsongphaisan và Bộ trưởng Tài chính Kittirat Na-Ranong. Tuy nhiên, 2 ông này đã rời đi chỉ sau đó chưa đầy nửa giờ. Những người này nói với các phóng viên rằng không hề có tiến triển nào sau cuộc nói chuyện. 
“Chúng tôi sẽ không chịu đựng việc này thêm nữa. Chúng tôi sẽ chiếm kho gạo của Chính phủ trên khắp cả nước để Chính phủ không thể lừa dối chúng tôi nữa” – ông Kittisak Ratanawarahal, Chủ tịch mạng lưới nông dân phía Bắc Thái Lan tuyên bố. 
Tình trạng bạo lực sau nhiều ngày yên ắng cũng đã nhen nhóm trong ngày 10/2, khi một quả bom phát nổ làm bị thương 6 công nhân môi trường của thành phố Bangkok đang cắt cây ở gần cầu Phan Fa, trong đó có 2 người bị thương nặng. “Chúng tôi chưa thể kết luận liệu thiết bị nổ đó được đặt nhằm mục đích gây thương tích cho người biểu tình hay không. Quả bom có thể đã được giấu ở đó trong nhiều tuần” – ông Nopparut Chitman, cảnh sát viên chịu trách nhiệm điều tra vụ việc cho hay. 
Quyền lực hạn chế
Bà Yingluck đã lãnh đạo Chính phủ lâm thời từ tháng 12/2013, khi bà giải tán Quốc hội và kêu gọi tiến hành một cuộc bầu cử nhằm nỗ lực chấm dứt các cuộc biểu tình trên đường phố. Việc giải tán Quốc hội đã kéo dài thêm tình trạng bất ổn chính trị đã sang năm thứ 8 tại Thái Lan, bắt đầu với vụ việc anh trai của bà là ông Thaksin Shinawatra bị lật đổ trong một cuộc đảo chính hồi năm 2006. 
Việc cuộc tổng tuyển cử hôm 2/2 bị gián đoạn đã khiến cho cuộc bầu cử không thể hoàn thành trên cả nước. Điều này đồng nghĩa với việc Chính phủ hiện nay vẫn chỉ là chính quyền lâm thời với các quyền chi tiêu hạn chế cho đến khi các ghế trống trong Quốc hội được lấp đầy. Giai đoạn này có thể sẽ kéo dài trong nhiều tháng, trong bối cảnh tình trạng tê liệt về chính trị đang ngày càng ảnh hưởng đến nền kinh tế vốn đã suy yếu của Thái Lan. 
Chính phủ hiện không có đủ quyền chuyển tiền từ ngân sách trung ương để chi trả tiền gạo mà họ đã cam kết mua của nông dân, trong đó có những người đã không được trả tiền trong nhiều tháng trời. Các ngân hàng lớn cũng từ chối các khoản vay bắc cầu vì không tin Chính phủ có thẩm quyền để yêu cầu các khoản vay này. 
Theo một nguồn tin, Bộ trưởng Thương mại Niwatthamrong đã nói với lãnh đạo của những người nông dân rằng Chính phủ trong 2 tuần qua đã cố gắng vay tiền từ một số ngân hàng để trả tiền cho nông dân nhưng đã bị từ chối. “Chúng tôi đã làm mọi thứ trong khả năng của mình nhưng đều không thể gây được quỹ. Có những nhóm đang đe dọa các ngân hàng này không được giúp đỡ chúng tôi” – ông Niwatthamrong nói. 
Cho đến nay, những người nông dân vẫn là những người ủng hộ chính của bà Yingluck và anh trai của bà. Những người nông dân vẫn tránh xa phong trào biểu tình chống Chính phủ dù những lãnh đạo của phe đối lập đang tìm cách để tận dụng sự bất mãn của những nông dân. Thủ lĩnh nhóm biểu tình Suthep Thaugsuban ngày 10/2 đã dẫn đầu một cuộc tuần hành từ quận trung tâm kinh doanh của Bangkok tới các khu vực Thonglor và Ekkamai để quyên tiền cho nông dân. “Chúng tôi không phải phe áo vàng hay phe áo đỏ. Chúng tôi chỉ ở đây để nhắc nhở về số gạo của chúng tôi” – một người nông dân nói. 

Tin cùng chuyên mục

Đọc thêm

Loạt thảm họa xảy ra trên thế giới tuần qua

Loạt thảm họa xảy ra trên thế giới tuần qua
(PLVN) - Tuần qua, thế giới chứng kiến hàng loạt sự cố khiến nhiều người chết và bị thương, từ vụ cháy rừng kinh hoàng ở California, va chạm tàu điện tại Pháp, nổ trạm xăng tại Yemen... đến những tai nạn giao thông nghiêm trọng ở Cuba, Pakistan và Nam Phi.

Bác sĩ quân y thừa nhận lạm dụng tình dục 41 nạn nhân

Bác sĩ quân y thừa nhận lạm dụng tình dục 41 nạn nhân
(PLVN) - Bác sĩ quân y Michael Stockin đã nhận tội lạm dụng tình dục hàng chục binh sĩ tại căn cứ Lewis-McChord, Washington, Mỹ. Vụ việc được xem là một trong những bê bối lạm dụng tình dục lớn nhất trong lịch sử quân đội Mỹ, đặt ra yêu cầu khẩn cấp về việc giám sát và cải thiện chính sách tuyển dụng trong quân đội.

Đã có ít nhất 125 người thiệt mạng trong vụ động đất ở Tây Tạng, Trung Quốc

Những ngôi nhà bị hư hại được chụp ảnh sau trận động đất (Ảnh: Reuters)
(PLVN) - Trận động đất mạnh 7,1 độ richter đã xảy ra tại khu vực hẻo lánh ở phía nam Tây Tạng, gần biên giới Trung Quốc và Nepal, khiến ít nhất 125 người thiệt mạng và 188 người bị thương. Sự kiện đau lòng này đã làm sụp đổ hàng nghìn ngôi nhà và gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống của người dân địa phương.

Phát hiện thi thể một nhà báo chống tham nhũng trong bể phốt

Nhà báo Mukesh Chandrakar (Ảnh: The Guardian)
(PLVN) - Anh Mukesh Chandrakar, một nhà báo nổi tiếng ở bang Chhattisgarh, Ấn Độ, đã bị phát hiện tử vong trong một bể phốt với dấu hiệu bị sát hại. Sự việc gây chấn động dư luận và đặt ra yêu cầu cấp bách về việc bảo vệ an toàn cho các nhà báo trong môi trường làm việc nguy hiểm.