Làng hoa Tây Tựu những ngày sau Tết rực rỡ sắc vàng của cúc, sắc tím của violet. Hoa nở rộ, còn khuôn mặt của người nông dân thì ủ rũ vì những luống hoa này "đỏng đảnh" không chịu đón Tết.Người tính không bằng trời tính Làng Đăm, xã Tây Tựu là một trong những "vựa hoa" lớn nhất của thủ đô. Đến làng Đăm những ngày này, hẳn không ít người ngơ ngác bởi sắc vàng rực rỡ của những luống cúc Vàng Đông. Hỏi ra mới biết, đó là vết tích còn sót lại của một mùa hoa thất bát. Quanh năm suốt tháng trồng hoa, vợ chồng chị Nguyễn Thị Thanh (Làng Đăm 2, xã Tây Tựu) chỉ chờ vụ hoa Tết để có đồng vào đồng ra. Chính vì vậy, vợ chồng chị tính toán và đầu tư cho vụ hoa Tết rất kỹ lưỡng.
Hết mùa chơi hoa, cô Nguyễn Thị Thanh đành phải bấm bụng dọn vườn violet đang lúc trổ bông để trồng gối vụ rau (Ảnh La Hoàn) |
Vườn rộng hơn một sào, một nửa chị dùng để trồng hoa. Từ những ngày đầu tháng 9 âm lịch năm ngoái, vợ chồng chị đã tất bật làm đất, gieo mầm cho vụ hoa Tết. Theo tính toán của anh chị, sau 3 tháng rưỡi vườn hoa violet sẽ cho thu hoạch đúng Tết Tân Mão. Nhưng người tính không bằng trời tính, trận rét đậm rét hại kéo dài đã khiến cho 7 luống violet của chị "sợ hãi" không dám trổ bông. Chị Thanh rầu rĩ: "Hồi trong Tết hoa đắt như tôm tươi, nhưng "mót" cả vườn cũng chỉ được 1/10 hoa nên thu hoạch. Bây giờ trời nồm hoa nở rộ thì lại hết mùa chơi, chỉ còn cách nhổ bỏ". Hoa violet chỉ dùng để cắm kèm với cúc, dơn, chủ yếu chơi trong dịp Tết. Hồi trong Tết chị bán được 5.000 đồng/cành thì giờ đây "bán đống bán mớ" một nửa giá đó thôi cũng khó."Như này là lỗ vốn, nhặt lại được đồng nào thì hay đồng ấy thôi. Đã không có lãi mà lại còn mất công dọn vườn", chị Thanh thở dài. Vườn hoa nhà chị Thanh lỗ vốn nhưng tiền đầu tư cho hoa violet không quá lớn nên vợ chồng chị vẫn còn "tâm trạng" dọn vườn. Với những nhà trồng cúc, bỏ một khoản tiền lớn ra đầu tư, đến khi thất bát mới đáng sợ. Chăng đèn, làm mái chống rét nhưng cả sào hoa cúc nhà anh Nguyễn Văn Vinh không có một bông nào kịp đón Tết. Bây giờ cả vườn hoa lại thi nhau nở rộ. Sau Tết, Rằm Tháng Riêng hoa cúc vẫn được chuộng nhưng anh không còn tâm trí nào để thu hoạch nữa Giá hoa đã hạ từ 6.000 đồng/bông trong Tết xuống còn 500 đồng/bông thời điểm hiện tại. Anh Vinh đau đớn để mặc vườn hoa khoe sắc giữa cánh đồng. Khi được hỏi tại sao ngày Rằm mà anh không hái hoa đi bán, vớt vát được chút nào hay chút đó, anh Vinh chua xót: Hoa "đắt" quá nên không bán nổi."Con nhà nông lấy công làm lãi" Dù rầu rĩ vì một mùa hoa thất bát, nhưng rất hiếm khi đất vườn làng Đăm bị bỏ hoang. Tết Tân Mão qua đi, nông dân lại bắt tay ngay vào mùa trồng cấy mới. Khi chúng tôi đến, chị Nguyễn Thị Ngát đang cặm cụi nhổ từng cây cúc trắng dù hoa vẫn đang thời rực rỡ. Hoa rẻ, lại khó bán nên chị quyết định nhổ bỏ đề trồng gối vụ rau. "Người ta chỉ chơi hoa nhiều vào mùa xuân thôi. Đến mùa hè hoa rẻ, khó bán nên phải chuyển sang trồng thứ khác. Trồng rau ngắn ngày đến hết hè quay lại trồng hoa Tết là vừa", chị Ngát chia sẻ. Chị Ngát bày tỏ rằng, làm nghề trồng hoa phải chấp nhận cái cảnh "lúc lên voi lúc xuống chó". Được mùa thì ăn không hết, mất mùa thì trắng tay. "Xưa nay làm nghề nông vẫn vậy, lấy công làm lãi", chị Ngát nói. Cái nghề bán mặt cho đất, bán lưng cho trời là vậy. Dù vất vả hay lỗ lãi thế nào nhà vườn cũng không nỡ để một tấc đất bị bỏ hoang. Không cấy lúa thì trồng hoa, không trồng hoa thì trồng rau, vụ nào cũng có thứ để thu hoạch. Những ngày này làng Đăm không nhộn nhịp cảnh mua bán như trước Tết nhưng vẫn đều đều tiếng xớt đất gối vụ. Một mùa hoa thất bát không có nghĩa mùa xuân không đến, nhà vườn vẫn còn hi vọng bội thu trong mùa Tết năm sau.
Theo La Hoàn
VNN
VNN