Ông Đỗ Văn Mười, Chủ tịch Hội Nông dân xã Hiệp Thạnh (huyện Đức Trọng), khẳng định: “Bây giờ, chuyện trồng trọt, chăn nuôi theo công nghệ cao đối với nông dân của xã không còn là chuyện quá xa vời. Ngược lại, ở đất này, nhiều người đã giàu lên trông thấy chính nhờ ở cách làm mới ngay trên mảnh đất trước kia”. Tuy nhiên, cũng theo ông Mười, ẩn phía sau những con số thể hiện sự giàu có của nhà nông, vẫn còn tồn tại không ít những nỗi niềm...
Nhiều hộ nông dân ở Hiệp Thạnh đang cần nguồn vốn lớn để sản xuất nông nghiệp công nghệ cao. |
Sự vươn lên của nhà nông xã Hiệp Thạnh trong những năm gần đây có thể được nhìn thấy qua những con số do ông Chủ tịch Hội Nông dân xã Đỗ Văn Mười cung cấp: Năm 2007, cả xã có 1,3ha đất canh tác theo công nghệ nhà lưới nhà kính. Đến nay, diện tích này là 7ha; đồng thời, cả xã còn có thêm 189ha được tưới bằng hệ thống tưới tự động, 2ha được tưới bằng hệ thống tưới nhỏ giọt và 63ha được phủ màng polyme. “Không cứ gì Đà Lạt mà ở ngay xã Hiệp Thạnh này cũng đã có hộ mỗi năm thu nhập từ 250 triệu đồng trở lên trên 1ha diện tích đất canh tác” – ông Mười cho biết.
Riêng ở thôn Bồng Lai, năm 2007, dưới sự chỉ đạo của Hội Nông dân xã Hiệp Thạnh, một tổ chăn nuôi bò sữa đã được thành lập để những hội viên nông dân giúp đỡ nhau trong chăn nuôi. Ông Đỗ Văn Mười nói thêm: “Nhờ đó, đàn bò sữa của xã đã tăng từ 97 con năm 2007 lên 296 con hiện nay. Trong đó, có nhiều hộ cùng một lúc nuôi đến trên dưới 20 con. Đặc biệt, dưới sự giúp đỡ của Tổ Chăn nuôi bò sữa Bồng Lai, vấn đề chuồng trại của hầu hết các gia đình đều được xây dựng thoáng mát; các hộ đều đã có máy băm cỏ, máy vắt sữa và chăn nuôi theo quy trình khép kín. Một trong những điển hình trong chăn nuôi bò sữa ở Hiệp Thạnh là ông Lê Hồng Duyên.
Trước kia, hoàn cảnh ông Duyên hết sức khó khăn, bản thân phải đi làm thuê làm mướn mới đủ tiền đong gạo qua ngày. Nhưng giờ thì gia đình ông đã khác: Đàn bò sữa 22 con cho mỗi ngày 20 lít sữa/con (với giá hiện tại là 6.500 đồng/lít) đã giúp ông Duyên đổi đời. Từ nguồn phân bò, ông Duyên không những làm bioga cho riêng gia đình mình mà còn vận động cả xóm làm bioga, hiệu quả kinh tế mang lại cao hơn trước rất nhiều. Còn ở thôn Phú Thạnh, hộ nông dân Nguyễn Kim Xuyên thì nổi lên với nghề trồng chuối đặc sản – chuối laba. Ông Xuyên trước đây là Chủ tịch Hội Nông dân huyện Đức Trọng; về hưu, ông càng nổi tiếng nhờ nghề trồng chuối. Hiện ông Xuyên có 3 sào chuối laba (mỗi sào trồng được 130 bụi chuối).
Nếu không kể bán chuối giống thì 3 sào chuối laba này mỗi tháng cũng đã cho ông Xuyên “lãi ròng” 8 – 10 triệu đồng từ tiền bán chuối buồng. “Còn muốn tính cây chuối giống thì cứ nhân lên: Mỗi bụi chuối trung bình mỗi tháng cho 2 cây giống, mỗi cây giống được mua từ 20.000 đến 30.000 đồng” – ông Đỗ Văn Mười đưa ra phép tính. Rồi nữa, một mô hình khác: Hộ nông dân Lê Sa ở thôn Bắc Hội là hộ hiếm hoi trồng tiêu hiện nay ở xã Hiệp Thạnh với diện tích 5 sào (0,5ha). Điều đáng nói, mặc dầu không có ai hướng dẫn nhưng ông Lê Sa đã tự mày mò tìm hiểu kỹ thuật và xuống tận Bình Phước rồi ra tận đảo Phú Quốc để học hỏi kinh nghiệm, tìm nguồn cây giống đưa về phát triển vườn tiêu của mình lên đến từng ấy diện tích. Với năng suất khoảng 5 – 7 tấn/ha và với giá từ 30.000 đồng/kg vài tháng trước nay tăng lên 90.000 đồng/kg, 5 sào tiêu của ông Lê Sa hiện đang là “tâm điểm” chú ý của nhiều người trong việc tìm kiếm một mô hình canh tác mới ở huyện Đức Trọng hiện nay.
Chủ tịch Hội Nông dân xã Hiệp Thạnh cho biết thêm: Ở xã Hiệp Thạnh, năm 2005, tính bình quân mỗi hecta đất nông nghiệp cho thu nhập 28 triệu đồng/ năm; đến nay, con số này đã tăng lên 70 triệu đồng. “Hiệu quả mang lại sẽ cao hơn nếu như chúng ta “giải tỏa” được một vài “nỗi niềm” của nhà nông hiện nay” – ông Chủ tịch Hội Nông dân xã tỏ rõ băn khoăn. Theo ông Mười, việc ngân hàng khống chế định suất cho vay 30 triệu đồng/ha như hiện nay là chưa có tác dụng kích thích cao để nhà nông làm giàu. Ông nói: “30 triệu đồng chỉ mới đủ làm hệ thống nhà kính nhà lưới trong canh tác rau cao cấp mà thôi!”. Còn với cây chuối laba, theo ông Mười, hiện chương trình phục hồi loài cây đặc sản này của Đức Trọng đang thực hiện theo mô hình trồng cây giống từ nuôi cấy mô; điều này có thể không mang lại hiệu quả kinh tế cao. “Từ thực tiễn sinh động, nhà nông chúng tôi nhận thấy cây giống nuôi cấy mô chỉ được hai đời “bố” và “con” mà thôi; đến đời “cháu”, buồng chuối không còn nhiều nải, và trái cũng nhỏ hơn nhiều” – ông Mười giải thích.
Đặc biệt, với cây tiêu thì nhà nông ở đây càng “tâm tư”. Bởi lẽ, hiện ông Lê Sa chưa thể nhân giống một cách đại trà được, trong khi bà con trong vùng rất cần cây giống, mà cán bộ kỹ thuật thì hầu như không dám “động đến” vì huyện và tỉnh không có chương trình phát triển cây tiêu ở Đức Trọng. “Nhìn ông Lê Sa đành lòng bấm ngọn tiêu vứt đi, thấy xót lắm, nhưng đành chịu vì khâu kỹ thuật nhân giống tiêu ở Hiệp Thạnh còn kém lắm!” – vẫn theo lời ông Đỗ Văn Mười.
“Vốn và kỹ thuật (nhất là kỹ thuật đối với một số cây trồng mới như cây tiêu) đang là vấn đề nan giải đối với nhà nông Hiệp Thạnh nói riêng và nhà nông Đức Trọng nói chung hiện nay!” – ông Chủ tịch Hội Nông dân xã Đỗ Văn Mười kết luận như một đề nghị muốn nhắn gửi.
Khắc Dũng