Lâm Đồng, cũng như nhiều địa phương làm nông nghiệp khác luôn trăn trở việc làm thế nào để tìm đầu ra cho nông sản, tăng giá trị, tăng thu nhập cho nông dân. Làm sao để người nông dân liên kết được với các doanh nghiệp trongn việc sản xuất và tiêu thụ sản phẩm, giúp cả hai bên chủ động trong việc lên kế hoạch phát triển cũng là một trong những hoạt động của Dự án Cạnh tranh nông nghiệp tại Lâm Đồng. Và một trong những liên minh nhà nông - doanh nghiệp đầu tiên đã được hiện thực hóa, đó chính là Liên minh Hợp tác phát triển bò sữa giữa 54 hộ chăn nuôi thuộc Hợp tác xã (HTX) chăn nuôi bò sữa Hiệp Thạnh với Cty CP Sữa Đà Lạt (Dalatmilk).
Hiệp Thạnh, Đức Trọng là vùng đất có khí hậu ôn hòa, đồng cỏ tốt tươi vốn phù hợp với nghề chăn nuôi bò sữa. Bà con nông dân nơi đây cũng có kinh nghiệm gắn bó với bò sữa từ nhiều năm nhưng từ xưa tới nay, sữa làm ra vẫn bán theo kiểu “thuận mua vừa bán”. Bởi vậy, không tránh khỏi người nuôi bò có những lúc gặp chuyện bị ép giá, thanh toán tiền chưa sòng phẳng hay bị hạ giá vì người mua giảm chất lượng sữa. Bởi vậy, khi Dự án Cạnh tranh nông nghiệp tỉnh mở hướng hỗ trợ cho bà con bằng việc lập thành liên minh chăn nuôi và một công ty sẽ bao tiêu sản phẩm, bà con rất mừng nhất là khi đối tác lại chính là Dalatmilk, một công ty cũng đóng chân trên địa bàn và cũng đang tiến hành thu mua sữa của nông dân. Ông Lê Hồng Duyên, Chủ nhiệm HTX Chăn nuôi bò sữa Hiệp Thạnh cho biết: “Chúng tôi nuôi bò sữa nhiều năm rồi, xưa giờ vẫn bán tự do trên thị trường. Nay tham gia liên minh chăn nuôi với Dalatmilk, bà con rất phấn khởi vì vừa được hỗ trợ bò sữa, máy vắt sữa, lại được công ty bao tiêu sữa và được đào tạo về kỹ thuật. Hiện bà con rất trông đợi và đang tiến hành làm thủ tục để có thể phát triển mạnh đàn bò sữa của gia đình”. Riêng gia đình ông Duyên, ngoài đàn bò sẵn có, ông còn được Dự án hỗ trợ thêm 3 con bò và một số máy móc phục vụ việc chăn nuôi, nhẩm tính ông đã thấy thu nhập gia đình trong thời gian tới sẽ tăng đáng kể. Với 54 hộ xã viên của HTX tham gia liên minh, dự án sẽ hỗ trợ gần 1,9 tỷ đồng và bà con đối ứng 2,8 tỷ, chủ yếu bằng đàn bò và tài sản hiện có.
Đối tác của bà con nuôi bò chính là Dalatmilk, một thương hiệu mới nổi trong “làng” sản xuất sữa Việt Nam với thương hiệu “sữa tươi thanh trùng Dalat”. Hiện Dalatmilk đang thu mua sữa trên địa bàn Đơn Dương, Đức Trọng và Bảo Lộc với sản lượng xấp xỉ 9-10 tấn/ngày, phục vụ cho sản xuất tại nhà máy và cung cấp cho các công ty khác.
Điểm mạnh của Dalatmilk chính là việc sản xuất sữa thanh trùng, một hướng đi mới trong thị trường sữa nội. Nhờ vào khí hậu và thổ nhưỡng đặc biệt, “sữa tươi từ cao nguyên Lâm Đồng” có một vị ngon, béo riêng biệt, được người tiên dùng chấp nhận và dần dần có chỗ đứng trong thị trường. Chính vì vậy, Daltmilk thu mua sữa của bà con với giá cả rất khả quan và nhất là, công ty luôn đặt tiêu chí minh bạch trong thu mua. Sữa bò tươi của nông dân được kiểm nghiệm độ béo, độ khô và trả kết quả ngay tại trạm, chất lượng sữa ra sao bà con nắm được ngay tại chỗ, giá thu mua vì vậy luôn được nông dân tin tưởng. Nếu con bò nào cho sữa kém chất lượng, công ty sẵn sang hỗ trợ về mặt kỹ thuật, giúp bà con nâng cao chất lượng sữa. Bởi vậy, tham gia “liên minh sữa” lần này, Dalatmilk được coi như một đối tác đầy trách nhiệm.
Ông Nguyễn Đắc Cường, Phó Tổng giám đốc Dalatmilk khẳng định: “Chúng tôi khẳng định việc liên kết với nông dân nằm trong kế hoạch kinh doanh dài hạn của công ty. Mặc dù dự án là 18 tháng nhưng dù hết dự án, chúng tôi vẫn tiếp tục ký hợp đồng thu mua sữa lâu dài với nông dân, đảm bảo một giá cả hợp lý cũng như hỗ trợ về kỹ thuật để nông dân luôn đồng hành cùng Dalatmilk nhằm hướng tới việc xây dựng một thương hiệu sữa Lâm Đồng ngon, sạch”.
Một liên minh chặt chẽ giữa nông dân và doanh nghiệp sau khi Dự án kết thúc cũng là mong muốn của những người thực hiện. Như lời của ông Chu Bá Thông, Trưởng Ban quản lý Dự án Cạnh tranh nông nghiệp: “Chúng tôi mong có thêm nhiều doanh nghiệp liên kết với nông dân, để người nông dân có cơ hội tham gia chuỗi sản xuất từ nông trại tới bàn ăn, để ngông nghiệp của chúng ta ngày càng phát triển theo hướng lành mạnh và tăng sức cạnh tranh”.
Diệp Quỳnh