Hàng chục hộ dân ở huyện Thới Bình (Cà Mau) đang bước vào mùa thu hoạch tôm càng xanh trái vụ với nhiều niềm vui khi vừa trúng mùa, vừa trúng giá.
Các hộ nuôi cho biết, nếu sản xuất theo cách làm truyền thống trước đây, khi đến vụ thu hoạch đồng loạt họ bị thương lái ép giá, nên nhiều hộ đã mạnh dạn đầu tư nuôi nghịch mùa.
“Hiện tại do khan hiếm nguồn tôm càng xanh nguyên liệu nên giá tăng cao, nông dân có lãi lớn sau mấy tháng thả nuôi”, ông Trần Văn Giàu ở xã Tân Bằng phấn khởi nói.
Theo ông Giàu, trước đây bà con thả con giống vào khoảng cuối tháng 12 của năm trước, thu hoạch vào tháng 6 năm sau, nhưng hiện nay họ bắt đầu sản xuất từ trung tuần tháng 3, đến cuối tháng 9 là thu hoạch.
“Cách làm mới sẽ cho thu hoạch sớm hơn 3 tháng so với cách làm cũ, nhưng năng xuất tăng cao gấp đôi”, ông Giàu nói và cho biết, năng xuất bình quân đạt 400 kg trên héc ta.
Có chung niềm vui như ông Giàu và các hộ nuôi khác, anh Lư Hải Đăng cho biết vừa thu hoạch được gần 1,2 tấn tôm trên diện tích nuôi 3 héc ta. “Tôm đạt từ 8 đến 10 con một kg, bán với giá 180.000 đồng mỗi kg (cao hơn khoảng 50.000 đồng một kg so với mùa chính vụ), sau khi trừ hết chi phí gia đình lãi gần 200 triệu đồng”, anh Đăng nói.
Mô hình này đang được nhiều hộ dân ở các vùng ngọt hóa của Cà Mau như huyện Thới Bình; Trần Văn Thời và U Minh áp dụng. Theo bà con, con tôm càng xanh khi thả nuôi đã thích ứng rất tốt với điều kiện tự nhiên, rủi ro dịch bệnh thấp, hạn chế sử dụng hóa chất độc hại, tạo ra sản phẩm sạch và tăng thu nhập trên cùng một diện tích cho bà con trồng lúa.
Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn huyện Thới Bình Nguyễn Hoàng Lâm cho biết, diện tích nuôi tôm càng xanh của địa phương không ngừng tăng lên trong các năm qua, hiện có hơn 16.500 héc ta.
“Giá tôm càng xanh giống toàn đực mua ở An Giang hiện khoảng 500 đồng mỗi con; riêng giống thường là 200 đồng, còn hiệu quả mang lại đã thấy rõ sau 6 tháng thả nuôi”, ông Lâm nói và cho biết ngành nông nghiệp địa phương sẽ nhân rộng mô hình nuôi trái vụ trong thời gian tới.