Từ di tích lịch sử oai hùng
Trong không khí se lạnh pha chút sương mong manh của mùa đông, suối Lênin trong vắt, xanh ngọc, uốn lượn dưới chân núi trập trùng với ngọn núi cao được Bác đặt tên Núi Các Mác, là điểm dừng chân của rất đông du khách tham quan, ríu rít lưu lại những khoảnh khắc đáng nhớ tại địa danh lịch sử thiêng liêng còn vẹn nguyên nét hùng vĩ, hoang sơ.
Men theo dòng suối Lê-Nin, dừng chân tại Hang Cốc Bó, nơi lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc từng ở. Du khách đứng quanh chiếc giường đã bạc màu thời gian của Người không khỏi bồi hồi và khâm phục tài trí của nhà lãnh đạo kiệt xuất nhưng hết mực giản dị, đời thường.
Sau 30 năm ra đi tìm đường cứu nước và hoạt động ở nước ngoài, ngày 28/01/1941, trở về Tổ quốc qua cột mốc 108, Người đã chọn Pác Bó làm nơi ở và hoạt động cách mạng và mở các lớp huấn luyện về chính trị và quân sự cho các cán bộ cách mạng tỉnh Cao Bằng, dịch cuốn Lịch sử Đảng Cộng sản Liên Xô ra tiếng Việt, soạn thảo và xuất bản nhiều tài liệu cách mạng… Hang Cốc Bó, trong tiếng Nùng, có nghĩa “đầu nguồn”, là một hang đá nằm bên sườn núi Các Mác, ở gần nơi dòng nước chảy ngầm từ núi thành suối tạo thành một địa thế hiểm trở.
Với những giá trị đặc biệt về lịch sử, văn hóa, khoa học, Khu di tích lịch sử Pác Bó với nhiều địa danh như Hang Bo Bam, bãi Cò Rạc, suối Nậm, lán Khuổi Nặm… đã trở thành một trong những khu di tích quan trọng của cả nước về Chủ tịch Hồ Chí Minh và Trung ương Đảng. Từ năm 1975, nơi đây đã được Bộ Văn hoá xếp hạng di tích lịch sử cách mạng.
Sơn nước hữu tình, linh thiêng
Thác Bản Giốc hùng vĩ, nên thơ |
Thác Bản Giốc trong tiết trời đông, không dữ dội như khi vào mùa nước đổ, Thác Bản Giốc trong xanh, hiền hòa cũng đủ khiến du khách phải choáng ngợp với vẻ đẹp ngút ngàn, hùng vĩ của mình. Thác Bản Giốc, động Ngườm Ngao, sông Quây Sơn, cánh đồng Phong Nậm, Hồ Bàn Viết… cùng với với các loại hình nghệ thuật dân gian đặc sắc của dân tộc Tày, Nùng đã góp phần đưa du lịch Trùng Khánh trở thành ngành kinh tế mũi nhọn trong những năm gần đây.
Chùa Phật Tích Trúc Lâm Bản Giốc - ngôi chùa đầu tiên được xây dựng ở nơi biên cương Tổ quốc. Chùa nằm trên núi Phia, cách thác Bản Giốc 500m đang tiếp tục được hoàn thiện.
Các hạng mục của chùa như Tam quan, lầu tượng Bồ Tát, Tam bảo, nhà tổ… được xây dựng theo phong cách kiến trúc Phật giáo truyền thống Việt Nam, trang nghiêm và linh thiêng, khiến mỗi du khách, khi có dịp đặt chân tới, đều cảm thấy tâm hồn thư thái, thanh lọc, hòa quyện cùng với thiên nhiên nơi đây.
Hòa vào với non nước Cao Bằng, những bản tình ca vẫn da diết, lưu luyến cứ như còn mãi níu chân du khách, ai tới rồi cũng chẳng nỡ rời xa:
Mời Anh lên Cao Bằng quê em
Mời rượu cả chum, mời quả cả cây
Tết tháng Giêng hẹn từ tháng Bảy
Tin nhau không nói nhiều lời
Lên Cao Bằng đâu cũng gọi nàng ơi
Lên Cao Bằng đâu cũng nhớ người ơi…