Thời gian này, giá mực lá đại dương trên 50 nghìn đồng/kg, có bữa 55 nghìn đồng/kg. Giá cao nhưng không có tàu nào phục hồi nghề cũ. Điều này chứng tỏ nghề câu mực không còn là lựa chọn của ngư dân. Ông Lương Hữu Trúc, Trưởng phòng Kinh tế quận Thanh Khê cho biết: Năm nay câu mực đạt hiệu quả khá cao. Từ đầu năm đến nay, 9 tàu đã đưa về hơn 1.000 tấn.
Những tàu câu mực trở về sau chuyến biển dài ngày. |
Đa số chuyến biển đều có lãi. Vấn đề đặt ra hiện nay là ổn định số tàu câu mực còn lại để bảo đảm sự đa dạng ngành nghề đánh bắt của địa phương. Tuy vậy, về giá cả rất cần sự can thiệp của cơ quan chức năng, tức là sớm tổ chức việc đấu giá để hạn chế tình trạng đầu nậu khống chế về giá cả, gây thiệt hại cho ngư dân.
Trao đổi về định hướng phát triển ngành nghề đánh bắt trên biển, ông Hồ Phó, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT cho rằng: Ngư dân là người quyết định nghề đánh bắt. Nghề nào hiệu quả là họ triển khai. Đối với nghề câu mực, không chỉ nguy hiểm, lắm rủi ro mà thị trường đầu ra sản phẩm không nhiều, chỉ có khách hàng Trung Quốc. Hơn nữa, do rất mạo hiểm, nên lao động cho nghề này ngày càng ít, nhất là khi đời sống không còn chật vật như trước. Từ đó mà ngành không có chủ trương phục hồi và phát triển nghề câu mực. Tàu nào giữ nghề này thì tùy họ. Tuy nhiên, ngành vẫn hỗ trợ tối đa các trang bị cho các tàu câu mực có điều kiện bám biển như máy bộ đàm, thiết bị cứu sinh, trong tương lai gần sẽ tổ chức đấu giá sản phẩm.
Nói về xu hướng phát triển ngành thủy sản của Đà Nẵng, ông Phó cho biết: Hiện nay, đội tàu đánh bắt xa bờ chỉ còn 160 chiếc, giảm 23 chiếc so 3-4 năm trước. Hầu hết trong số này công suất chỉ từ 90 đến 165CV, đóng đã lâu nên bị xuống cấp. Cũng vì vậy mà năng lực đánh bắt ngày càng giảm. Vấn đề cấp bách nhất hiện nay là phải đầu tư đóng mới, nâng cấp để 5-10 năm tới ở Đà Nẵng có đội tàu đánh bắt xa bờ khoảng 300 chiếc. Các tàu này phải kiêm nghề và ưu tiên phát triển các nghề cá nổi như lưới cản, lưới vây ngày vây đêm, câu, hạn chế thấp nhất nghề lưới kéo.
Để ngành thủy sản Đà Nẵng xứng tầm với tiềm năng, đáp ứng nhu cầu phát triển theo hướng CNH-HĐH, nâng cao năng lực đánh bắt, thành phố cần có chính sách hỗ trợ và kích cầu hợp lý. Cụ thể, cần tạo điều kiện cho ngư dân vay vốn ưu đãi để đóng mới tàu công suất lớn, có chính sách hỗ trợ nhiên liệu, hay khi gặp rủi ro... Vấn đề không kém phần cấp thiết hiện nay là sớm hình thành đội tàu hậu cần nghề cá, ít nhất 2-3 chiếc. Đội tàu này không chỉ tạo cơ hội cho các tàu khai thác bám biển dài ngày mà sẽ góp phần ổn định được thị trường, hạn chế tình trạng đầu nậu ép cấp, ép giá.
Nghề câu mực, thế mạnh của ngư dân Đà Nẵng đã giảm đi rất nhanh, nhất là từ sau biến cố kinh hoàng của bão Chanchu. Song đó cũng là xu thế tất yếu của một nghề không có nhiều đặc tính ưu việt. Vấn đề đặt ra hiện nay là đầu tư các nghề mới có tính bền vững hiệu quả với đội tàu đánh bắt xa bờ hùng hậu, để ngành thủy sản Đà Nẵng tiếp tục đưa về nguồn lợi lớn từ biển và góp phần tích cực vào việc bảo vệ biển, đảo thiêng liêng của Tổ quốc.
Bài và ảnh: NGUYỄN CẦU