Trước đó, Chính phủ đã phê duyệt 8 tuyến đường sắt đô thị của TP HCM, với tổng chiều dài 220km. Đến nay, đã qua gần 20 năm, tuyến metro số 1 (Bến Thành - Suối Tiên) mới hoàn chỉnh được khoảng 98%; đang vào giai đoạn cuối để cố gắng vận hành trong năm nay, nếu giải quyết dứt điểm được một số vướng mắc còn tồn đọng.
Theo Bí thư Thành ủy, trước khi triển khai đề án này, TP đã tổ chức các chuyến đi nghiên cứu, học tập mô hình nước ngoài. “Nhiều chuyên gia, nhà quản lý nói rằng TP không có hệ thống đường sắt hoàn chỉnh là bất ổn. Chúng ta phải quyết tâm để không rơi vào tình cảnh đó. Với tuyến metro số 1, chúng ta đã nhiều lần thất hứa, có những thứ cứ tưởng dễ dàng thực hiện nhưng lại vướng nhiều thủ tục. Mà những vướng mắc này không thể tháo gỡ hay vượt qua bằng quyết tâm chính trị. Nếu 200km còn lại mà làm như thế thì không thể chấp nhận được”, ông Nên nói.
Tại Hội nghị, ông Dương Anh Đức, Bí thư Quận ủy quận 1 cũng nêu một trăn trở khác. Đó là ngay giữa trung tâm TP HCM nhưng có những khu vực người dân sống trong điều kiện rất chật chội. Như khu chợ Gà, chợ Gạo (phường Cầu Ông Lãnh), nhiều hộ dân sinh hoạt trong không gian chật hẹp, tiềm ẩn nguy cơ cháy nổ cao. “Có gia đình khi đi ngủ phải chia ca vì chật chội. Có khu đất chỉ rộng 15m2 nhưng có tới 4 - 5 hộ dân sinh sống”, ông Đức nói.
Quận 1 đã kêu gọi đầu tư chỉnh trang đô thị các khu vực trên. Song, do nằm trong khu 930ha bị hạn chế về chỉ số sử dụng đất, chiều cao… nên nhiều nhà đầu tư đến rồi đi. Có nhà đầu tư tuyên bố không tính lãi, đủ chi phí để làm, quận cũng tạo điều kiện tối đa, nhưng cũng không triển khai được. “Nếu áp dụng các quy định hiện nay, chắc chắn không có lời giải cho bài toán chỉnh trang đô thị”, ông Đức nói.
Những nhận định trên của Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Nên cũng như Bí thư quận 1 Dương Anh Đức, là dám nhìn thẳng vào sự thật. Dự án metro số 1 đã kéo dài quá lâu, “đội” vốn quá nhiều, mà vẫn chưa thể đưa vào sử dụng, ảnh hưởng mỹ quan đô thị, chưa phát huy hiệu quả. Một số khu dân cư xập xệ giữa lòng TP đã tồn tại quá lâu, gây khổ sở cho người dân và chính quyền địa phương.
Để giải quyết những khó khăn này, với vấn đề khu dân cư xập xệ, Bí thư quận 1 đề xuất Ban Thường vụ Thành ủy có cơ chế đặc biệt như cho xây dựng công trình vượt độ cao, tăng hệ số sử dụng đất. “Nếu chúng ta không có chính sách đặc biệt, sau 50 năm nữa những khu vực như vậy vẫn sẽ tồn tại”, ông Đức nói. Với 200km đường sắt đô thị còn lại, Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Nên yêu cầu phải đổi mới cách làm, có tính đột phá thì rút ngắn thời gian và thực hiện có hiệu quả. Bí thư Thành ủy yêu cầu để cụ thể hóa chủ trương trên, trong việc chuẩn bị Nghị quyết Đại hội Đảng bộ TP HCM lần thứ XII tới, phải đưa tính đột phá vào nghị quyết. Và cùng với việc TP đã được trao một số cơ chế đặc thù theo Nghị quyết 98/223/QH15, tin rằng nhất định đô thị lớn nhất cả nước sẽ sớm thành công giải quyết những vấn đề tồn tại nêu trên.