Sống ảo, khoe của không chỉ là một thói quen, thậm chí là một nghề. Có thể thấy điều này khi nhiều nghệ sĩ trẻ trong showbiz nổi tiếng không phải bằng những sản phẩm nghệ thuật hay tài năng mà nhờ… khoe của.
Có những trường hợp khán giả thật khó mà tìm ra được ở họ tài năng nhưng họ lại sở hữu những kênh Youtube lượng xem đông và lượng fan đông đảo nhờ những clip “đập hộp” khoe hàng hiệu, những thú vui mua sắm xa xỉ hay các chuyến du lịch sang chảnh, sành điệu ở khắp nơi.
Chẳng hạn như trước kia, Ngọc Trinh vốn nổi tiếng với những màn phát ngôn đầy thực dụng, những chiêu trò khoe thân mọi lúc mọi nơi, thì nay, khi tất cả những chiêu trò ấy đã trở nên nhạt nhẽo, nhàm chán với khán giả, thì ekip xung quanh người mẫu này được cho là “hâm nóng” tên tuổi bằng giá trị vật chất mà họ đang phô phang.
Một trường hợp khác là nữ diễn viên Lý Nhã Kỳ. Dư luận biết nhiều đến nghệ sĩ này không phải vì cô hát hay hay có những vai diễn để đời, mà bởi những biệt thự triệu đô, những bộ cánh hàng hiệu, bản giới hạn, những cuộc làm quen, những mối quan hệ giao tiếp của cô với giới nhà giàu, giới nghệ sĩ nổi tiếng khắp nơi.
Hay như Sỹ Thanh, nữ ca sĩ trẻ với hành trang nghệ thuật lận lưng là vài bài hát bị phản ứng vì phản cảm, đôi lần khoe thân và những màn chạy theo trào lưu đập hộp, khoe của những bị bóc mẽ vì xài… hàng nhái cho bằng chị bằng em.
Có thể chứng kiến khá nhiều những trường hợp như thế trong showbiz Việt. Tài năng không nhiều, thậm chí dường như không có, nhưng nhờ lối sống ảo, thích khoe của, thích hàng hiệu, đánh vào tâm lý tò mò, choáng ngợp trước vật chất của một bộ phận khán giả thị hiếu không cao mà trở thành sao, thành người nổi tiếng, bước chân vào giới nghệ sĩ, nhưng hành vi có vẻ như không mấy liên quan đến nghệ thuật.
Ngược lại, không ít nghệ sĩ được hâm mộ bởi tài năng, bởi sự nỗ lực với nghề nghiệp, cái tâm với khán giả, có lượng fan đông đảo lại chẳng bao giờ phô phang những thứ mang trên người, những gì có trong ngôi nhà mình. Thanh Lam, Mỹ Linh, Trần Thu Hà hay Mỹ Tâm…, những ngôi sao gạo cội của làng nhạc nhẹ, nếu có khoe, thì là “khoe” những dự án âm nhạc với sáng tạo mới mẻ, “khoe” những tình cảm mà khán giả dành cho mình.
Showbiz Việt cũng như đời sống, ở đó, người ta có thứ gì thì khoe thứ ấy. Và chỉ khi tâm hồn cạn cợt, tài năng có hạn thì mới phải dùng đến hạ sách là khoe của mà thôi.
Lê Thị Minh Nga, chuyên viên tư vấn tâm lý: Khoe của là một hội chứng gây nghiện
Thực ra, khoe của cũng là một loại hội chứng gây nghiện. Ban đầu là sự rụt rè, thăm dò dư luận khi đưa ra những thông tin về món đồ mình mua sắm, của cải mình đang có. Rồi nhận được sự tung hô, ngưỡng mộ, người khoe càng ngày càng say mê với việc khoe của mình, từ đó sa vào lối sống ảo, thậm chí có một khoe mười, không có cũng khoe cho có.
Hội chứng ấy tồn tại trong giới nổi tiếng mà cũng tồn tại trong đời sống xã hội hàng ngày. Nói một cách khác, hành xử của nhiều ngôi sao trong làng giải trí vừa tiêu biểu cho những gì diễn ra trong đời sống giới trẻ, đồng thời cũng là tấm gương soi chiếu, gây tác động, ảnh hưởng đến đời sống giới trẻ. Giới nổi tiếng “khoe” đến đâu thì giới trẻ cũng học theo, “khoe” đến đấy vì họ coi đó là trào lưu hay ho, là điều đáng học hỏi, tự hào. Cứ thế, lối sống ảo, chuộng vật chất ngày càng lan mạnh.
Để “trị” dứt điểm căn bệnh khoe của, sống ảo, tưởng dễ mà không dễ. Đó là cách sống mà nghệ sĩ lựa chọn, họ có cái quyền ấy, không ai có thể can thiệp hay xử phạt họ cả.
Điều mà khán giả, người hâm mộ thông minh có thể làm chỉ là quay lưng lại, đừng quan tâm đến những điều vô giá trị mà họ nói, họ làm nữa. Chỉ khi nào những clip đập hộp hàng hiệu, những thông tin khoe xe tiền tỉ, nhẫn triệu đô không còn lượt xem đông đảo thì may ra, các nghệ sĩ mới chấm dứt được lối sống ảo của mình.
N.Mai (ghi)