Sinh con ra ai chẳng muốn con ngoan ngoãn lớn khôn thành người có ích, thế nhưng “hạt giống đỏ” mơ ước lại bị biến thành “mầm bệnh” của xã hội, hết cờ bạc cá độ thì kéo côn đồ về nhà trấn tiền của cha mẹ và người thân…
Nhiều đêm trăn trở tìm “phương thuốc” chữa bệnh sa ngã của quý tử mà không thành, vợ chồng ông Nguyễn Văn Ân (42 tuổi) và bà Trương Thị Bích Lệ (38 tuổi, ngụ thôn Hòa Thạch, xã Đại Quang, huyện Đại Lộc, tỉnh Quảng Nam) làm đơn tố cáo đến công an để đưa đứa con trai độc nhất Nguyễn Linh Phụng (SN 1991) vào tù.
Chuỗi ngày dày vò tâm tư
Về Đại Quang hỏi chuyện nhà ông bà Ân, hầu như ai cũng biết bởi dân ở đây đều nắm rất rõ về “lai lịch” phá phách của cậu con trai ông bà và cái cách đôi vợ chồng này viết đơn đưa con vào tù.
Ông Ân đã mở đầu câu chuyện bằng lời tâm sự: “Tôi hết cách dạy nó, chừ chỉ còn biết nhờ chính quyền dạy dỗ vì càng ngày nó càng thể hiện bản chất côn đồ. Và tôi thấy việc làm này đã đúng”.
Vợ chồng ông bà Ân sinh được 3 người con, trong đó Phụng là con trai độc nhất của gia đình. Gia đình làm nông ở miền quê nghèo nhưng cũng có dư dả nên từ nhỏ cha mẹ luôn tạo những điều kiện tốt nhất cho Phụng ăn học. Tuy nhiên, từ năm học cấp 2 Phụng đã có những dấu hiệu hư hỏng như liên tiếp nghỉ học, thích tụ tập cùng thanh niên trong xóm đánh bài, chơi trò chơi điện tử.
Sợ con ngày càng lún sâu vào sai phạm, lên lớp 10 gia đình đưa Phụng ra Đà Nẵng để đi học tại trường nội trú, hy vọng con có điều kiện học tốt hơn và cũng vì muốn tách Phụng ra khỏi đám bạn “bất hảo” ở quê nhà. Nhưng đáp lại sự kỳ vọng của gia đình, Phụng lại dần đi chệch hướng và sa vào con đường cá độ bóng đá, đánh số đề. Số tiền gia đình chu cấp hàng tháng không đủ để Phụng nướng vào những đam mê tai hại.
12 năm đèn sách kết thúc và khi Phụng bước chân vào Trường Cao đẳng nghề số 4 Đà Nẵng cũng là khoảng thời gian mà bố mẹ của “quý tử” này sống trong đau khổ, tủi nhục vì đứa con bất trị. Ông Ân với khuôn mặt nhàu nát khắc khổ cho biết có được cậu con trai duy nhất để nối dõi tông đường nên quả thật cả dòng họ ai cũng yêu mến, trông đợi vào Phụng. Chính vì áp lực từ bà con, làng xóm mà nhiều năm liền vợ chồng ông phải cố giấu đi sự thật “con mình là đứa hư hỏng”.
“Nhưng thằng Phụng phá riết, nếu gia đình vẫn cưng chiều, bỏ qua hành vi phạm tội của nó là đồng nghĩa với việc tiếp sức đẩy con vào hố sâu tội lỗi, hối hận có khi sẽ không kịp”, người cha trải lòng. Cho nên khi vợ chọn cách “lạt mềm buộc chặc”, khóc hết nước mắt năn nỉ con thì ông Ân lên phương án cấm cửa nhốt con ở nhà, đi học không cho tiền tiêu xài… Thế nhưng “thuốc” này vẫn chưa chữa được “bệnh”, con trai hư hỏng vẫn hoàn hư hỏng.
Sau liên tiếp những tội lỗi của đứa con mà chính “quý tử” này sẽ kể ra dưới đây cho bạn đọc, ông Ân đã lựa chọn cách thức cuối cùng: Làm đơn tố cáo đến cơ quan công an. Lúc đầu việc làm này không phải dễ, thậm chí vợ chồng ông phải hục hặc giận nhau đến cả tháng trời.
Có được tiếng nói chụng, ông bà Ân chấp nhận “muối mặt” “vạch áo cho thiên hạ xem lưng” bằng việc đi nhờ hàng xóm tư vấn giúp. Đến khi được bà con ở địa phương, họ hàng đồng tình, ông bà quyết định viết đơn và báo toàn bộ vụ việc cho công an Đại Lộc với mong muốn, đưa con vào tù, cải tạo thành người có ích cho gia đình và xã hội.
Ngày 15/11/2011, lãnh đạo Công an huyện Đại Lộc đã chính thức khởi tố vụ án, khởi tố bị can, bắt tạm giam đối với Nguyễn Linh Phụng về hành vi “Trộm cắp tài sản”. Tuy thế, từ khi Phụng bị bắt cũng là khoảng thời gian hai vợ chồng ông bà không thể có được một đêm ngon giấc. Vừa dằn vặt vì những lá đơn của mình gửi tới các cơ quan chức năng, vừa đau lòng vì đứa con hư chịu cảnh tù tội và cũng vừa ngại ngần với một vài người người hàng xóm ra vào có lời dị nghị.
Chân dung “quý tử” bất hảo
Khoảng đầu tháng 2/2012, đối tượng Nguyễn Linh Phụng được cơ quan chức năng cho tại ngoại chờ ngày hầu tòa. Lý do vì trước đó khi đang ở trong khu tạm giam của công an huyện Đại Lộc, Phụng đã từng thắt cổ tự vẫn nhưng may mắn được công an phát hiện và cứu kịp thời.
Hiện Phụng vẫn chịu sự giám sát của gia đình và công an địa phương. Ngày gặp lại Phụng, nhìn dáng người thư sinh, ăn nói cũng nhỏ nhẹ, chúng tôi không khỏi ngạc nhiên về những gì mà Phụng từng gây ra cho gia đình mình.
Cuối năm 2009 là khoảng thời gian đánh dấu mốc cho “chuỗi ngày” ăn chơi ở Đà thành của Phụng khi cậu mượn chiếc xe của bạn cùng quê mang đi cầm được sáu triệu để chơi cá độ bóng đá. Vụ việc sau đó được cha mẹ Phụng giải quyết ổn thoả với suy nghĩ “nó lỡ dại lần đầu”. Thế nhưng, từ lúc đó trở đi, Phụng bỏ ngoài tai những lời khuyên răn của cha mẹ, tỏ ra lì lợm và có hành vi côn đồ. Mỗi lần hết tiền để ăn chơi, Phụng lại về nhà mang tài sản đi bán.
Đặc biệt vào năm 2010, Phụng còn ngang nhiên về nhà bà ngoại của mình lấy 3 bộ lư đồng đem bán, hoặc qua hàng xóm lấy trộm xe mang đi cầm cố lấy tiền tiêu xài. Bước sang năm 2011, Phụng liên tiếp lấy nông sản mà ba mẹ vất vả làm ra chở đi bán “rẻ như cho không”, rồi có lần về nhà thản nhiên mang chiếc xe còn lại của gia đình đi cầm, dù ba mẹ van xin nhưng Phụng chẳng động lòng.
Thế nhưng đã “nướng” tiền vào những vụ cá độ bóng đá thì có “tiền núi” cũng thiếu nên Phụng nghĩ ra “kế độc” là dẫn theo những gã giang hồ bặm trợn từ TP. Đà Nẵng lên nhà để trấn tiền cha, mẹ. Việc làm táo tợn, bất hiếu của đứa con trai hư hỏng diễn ra vào ngày 14/11/2011 khi Phụng dẫn một “đàn anh” về nhà, “ra lệnh” cha mẹ phải nộp 10 triệu đồng, nếu không sẽ lãnh nhận hậu quả tàn khốc.
Chưa dừng lại ở đó, Phụng còn dẫn tiếp “giang hồ” về nhà cô ruột mình, buộc gia đình cô phải đưa số tiền 60 triệu với lí do Phụng cá độ bóng đá nợ giang hồ số tiền trên. “Tụi nó đưa ra một giấy ghi nợ, nói tôi phải đưa tiền nếu không sẽ dẫn côn đồ về giết gia đình. Tôi không ngờ đứa cháu của mình lại làm như thế”, bà cô khi ấy quá bất ngờ bộc bạch.
Đến lúc này biết không thể nào giúp con tu tính, khi Phụng đang thực hiện hành vi tống tiền gia đình cô ruột thì cha mẹ Phụng điện báo cho công an bắt tại trận. Qua quá trình điều tra, công an xác định Phụng thực hiện bốn vụ trộm của ba mẹ, người thân và hàng xóm với tài sản gần 100 triệu đồng; các vụ đều có sự tính toán cùng đồng bọn, có tổ chức; những hành vi và hậu quả của Phụng là gây nguy hiểm cho gia đình và xã hội.
Trải qua thời gian ở khu tạm giam của công an huyện Đại Lộc, giờ được tại ngoại để chờ ngày ra tòa, Phụng đã tỏ ra hối hận khi nghĩ về những tội lỗi của mình. Phụng biện bạch: “Vì không có tiền trả nợ, lại bị uy hiếp nên em mới hành động như thế. Bây giờ em hối hận lắm. Còn sa ngã là do từ ngày đầu, được mấy đứa bạn ở Đà Nẵng rủ chơi cá độ, đánh số đề… nên em cũng muốn chơi cho biết và rồi không dứt ra được. Những lúc đánh thua, em lại càng muốn có tiền để chơi tiếp”.
Thiếu tá Lê Nho Tâm, Phó Trưởng Công an huyện Đại Lộc cho biết: “Việc làm cương quyết của vợ chồng ông Ân đối với đứa con trai hư hỏng là rất đáng hoan nghênh. Sự hối lỗi của Phụng trong những ngày tháng ngồi sau song sắt trại tạm giam là rất thật. Hi vọng sau khi ra tòa, Phụng sẽ hiểu biết hơn nữa để làm lại cuộc đời”.
Vân Anh