Hàng loạt vụ tái chế khẩu trang
Sáng 1/8/2020, Tổng cục Quản lý thị trường (QLTT), Phòng Nghiệp vụ 1- Cục Nghiệp vụ QLTT và Cục QLTT Hòa Bình phối hợp với C05 và A03 - Bộ Công an tổ chức kiểm tra đột xuất Công ty CP đầu tư may mặc V-Link (Công ty V-Link), do ông Nguyễn Huy Tân làm Giám đốc, địa chỉ tại Khu công nghiệp Lương Sơn, huyện Lương Sơn, tỉnh Hòa Bình. Công ty này có kho hàng cho Công ty cổ phần Tư vấn và Đầu tư xây dựng BM thuê.
Qua kiểm tra, đã phát hiện 1.552 kg găng tay cao su đã phân loại và chưa phân loại, 8 bao tải găng tay thành phẩm, 31 bao tải khẩu trang thành phẩm và 24 bao tải khẩu trang chưa thành phẩm, 154 kg vỏ bao găng tay, 2.409 hộp đựng loại 100 chiếc một hộp.
Khi kiểm tra, công nhân tại xưởng đang phân loại, trực tiếp đóng gói găng tay cao su đã qua sử dụng, không rõ nguồn gốc xuất xứ và chất lượng, an toàn sản phẩm. Hầu hết số găng tay ở đây đều ở dạng rời, không được bảo quản và đóng gói, được đổ thành đống lên sàn xưởng.
Ngoài găng tay cao su tái chế, Công ty BM còn sản xuất khẩu trang với nhãn hiệu khẩu trang y tế cao cấp The World (TW) 4 lớp, HAPAPOLO 4 lớp, An Lành Mask 3 lớp và hơn 2.000 vỏ hộp găng tay cao su nhãn hiệu S23 "Made in Vietnam" của Công ty cổ phần Quốc tế Royal Việt Nam (phường Hà Cầu, Hà Đông, Hà Nội).
Lực lượng quản lý thị trường đã thu giữ toàn bộ số hàng trên, niêm phong xưởng sản xuất, toàn bộ máy móc, vỏ hộp đóng sản phẩm và lấy mẫu khẩu trang thành phẩm, găng tay gửi Viện Kiểm nghiệm An toàn thực phẩm quốc gia kiểm định.
Mở rộng vụ việc, quản lý thị trường tiếp tục kiểm tra một địa điểm liên quan tới Công ty BM tại Đặng Xá (Gia Lâm, Hà Nội), phát hiện 9,5 tấn găng tay cao su tái chế, đang được công nhân phân loại, hấp mới để chuẩn bị đem bán ngoài thị trường. Cơ sở này do bà Nguyễn Thị Hoa - Giám đốc Công ty cổ phần Hoàng Long Bắc Kạn thuê lại từ Công ty BM cách đây hơn một tháng.
Đầu năm 2020, khi đỉnh dịch Covid-19, lực lượng chức năng các địa phương cũng liên tục phát hiện, xử lý nhiều vụ tái chế khẩu trang để bán ra thị trường kiếm lời. Ngày 19/2, Công an huyện Sóc Sơn, Hà Nội đã tiến hành kiểm tra một ngôi nhà tại thôn Đa Hội, xã Bắc Sơn thuộc huyện này.
Quá trình kiểm tra, lực lượng chức năng phát hiện bên trong ngôi nhà có 620 kg khẩu trang đã qua sử dụng. Chủ lô khẩu trang là Nguyễn Minh Nguyên (SN 1996, trú tại Thái Nguyên) đã thu mua số khẩu trang trên từ nhiều nơi trong đó có Vĩnh Phúc rồi mang về cất trữ tại căn nhà trên. Công an huyện Sóc Sơn đã phối hợp với Phòng Y tế huyện thu giữ toàn bộ số khẩu trang trên.
Tháng 4/2020, tại ấp Mới 2, xã Mỹ Hạnh Nam, huyện Đức Hòa, Long An, lực lượng quản lý thị trường tỉnh đã phát hiện 2 cơ sở có hành vi tái chế khẩu trang y tế đã qua sử dụng để đưa ra thị trường tiêu thụ, thu giữ 22.000 khẩu trang đã tái chế và đóng hộp, 2.000 khẩu trang tái chế chưa đóng hộp, 225kg khẩu trang đã qua sử dụng chưa tái chế…
Nguy cơ phát tán mầm bệnh
Trước những thông tin về hàng loạt cơ sở tái chế khẩu trang, găng tay, bảo hộ y tế bị lực lượng chức năng phát hiện xử lý, nhiều người dân tỏ ra bức xúc. “Tôi cho rằng đây là tội ác, gieo rắc dịch bệnh cho nhiều người, chính quyền cần phải xử lý nghiêm để làm gương cho những gian thương này. Cần điều tra xem họ đã bán cho ai, bán bao nhiêu. Sau đó phạt mức án cao nhất, tránh nguy hiểm cho xã hội”, một người nói.
Trả lời báo chí hồi tháng 4/2020, bác sĩ Trương Hữu Khanh - Trưởng Khoa Nhiễm - Thần kinh, Bệnh viện Nhi đồng 1 (TP.HCM) cho biết, nếu mang khẩu trang của ai đó đã sử dụng qua thì nguy cơ bị lây nhiễm bệnh rất cao, có khi bị lây nhiều bệnh khác và không phòng ngừa được bệnh như mong muốn. “Bệnh đầu tiên nguy hiểm nhất là bệnh lao, tiếp đến là các bệnh lây qua đường tiêu hóa, đường hô hấp... cho nên hoàn toàn không được sử dụng”, bác sĩ Khanh nói.
Theo các chuyên gia y tế, khẩu trang sản xuất không đúng quy trình đã không an toàn, vì vậy dùng những chiếc khẩu trang y tế đã qua sử dụng rất nguy hiểm. Để phân biệt khẩu trang mới với khẩu trang đã qua sử dụng, người dân cần lưu ý những đặc điểm sau:
Khẩu trang mới nhìn phẳng phiu, sạch sẽ, không có bụi bẩn, nếp nhăn... Dây đeo khẩu trang nếu đã sử dụng sẽ bị bẩn ở phần quai đai. Đối với khẩu trang còn nguyên hộp, cần kiểm tra: địa chỉ nhà sản xuất, số công bố tiêu chuẩn, ngày sản xuất, lô sản xuất… để tránh mua phải loại khẩu trang y tế kém chất lượng.
Trong bối cảnh dịch bệnh hiện nay, ngoài các nhân viên y tế, khẩu trang y tế chỉ được khuyến cáo dùng cho những trường hợp cụ thể. Người dân có thể dùng khẩu trang vải, vẫn đảm bảo sức khỏe, bảo vệ môi trường, giúp ngăn chặn loại khẩu trang y tế “tân trang” độc hại.
Cảnh báo tình trạng thu gom khẩu trang đã sử dụng tại bệnh viện
Trước tình trạng lực lượng chức năng liên tục phát hiện nhiều cơ sở tái chế, tân trang khẩu trang y tế, Cục Quản lý Khám chữa bệnh vừa có văn bản cảnh báo nguy cơ thất thoát khẩu trang y tế đã sử dụng.
Theo đó, Cục Quản lý Khám chữa bệnh cho biết do nhu cầu sử dụng khẩu trang y tế tăng cao, đã có tình trạng thu gom khẩu trang y tế đã qua sử dụng để tái chế, bán ra thị trường. Theo các chuyên gia, số lượng lớn khẩu trang đã sử dụng như thế này chỉ có thể thu gom tại bệnh viện, nguy cơ phát tán mầm bệnh ra thị trường nếu tái sử dụng là rất cao.
Cục Quản lý Khám chữa bệnh yêu cầu các bệnh viện, Sở Y tế thực hiện nghiêm các quy định về kiểm soát nhiễm khuẩn, đặc biệt là quản lý chất thải y tế và bảo đảm đủ phương tiện phòng hộ cá nhân cho nhân viên y tế, các phương tiện phòng hộ sử dụng phải có có nguồn gốc rõ ràng và đáp ứng đủ tiêu chuẩn chất lượng theo quy định.
Bộ Y tế cũng nghiêm cấm thu gom, vận chuyển, chuyển giao khẩu trang, phương tiện phòng hộ cá nhân đã sử dụng. Các sở y tế, bệnh viện tổ chức giám sát việc thu gom, lưu giữ, chuyển giao chất thải y tế, đặc biệt là khẩu trang. Nếu để xảy ra tình trạng thất thoát rác thải, bệnh viện phải chịu hoàn toàn trách nhiệm.