Hiện tượng của xã hội
Tìm hiểu nhiều vụ tự tử trong vài năm qua, đều có nguyên nhân từ việc nạn nhân không tìm được lối thoát trong cuộc sống đang quá bế tắc. Như anh Hoàng Văn D. ở Đống Đa, Hà Nội, vì áp lực phải kiếm được tiền thì bạn gái mới chịu làm đám cưới. Bản thân D. đã rất cố gắng, song với mức thu nhập khoảng 10 triệu đồng/tháng của cậu chỉ có thể mỗi tháng tích lũy được chừng 5 triệu đồng, đó là còn nhờ sự hỗ trợ của bố mẹ.
Trong khi đó, bạn gái liên tục so sánh D. với những người bạn cùng trang lứa, nay đã có nhà riêng, sắm được ô tô… điều đó càng khiến D. rơi vào trầm cảm, lo lắng và một ngày kia, không chịu được, D. đã tự tử. Cũng may gia đình phát hiện kịp thời, cứu sống.
Một số vụ việc diễn ra gần đây như bị cáo Vũ Văn Minh ở xã Đông Lỗ (Ứng Hòa, Hà Nội) đầu tháng 6/2016 đã bị Tòa án nhân dân TP Hà Nội tuyên phạt bảy năm tù giam. Nguyên nhân được xác định vì áp lực gia đình, lại bị ông Vũ Văn Khuê là bố đẻ mắng nên Minh uất ức, ra tay sát hại ông khiến gia đình rơi vào thảm cảnh.
Cách đây không lâu, ngày 23/8/2015, một vụ thảm án xảy ra tại Gia Lai gây rúng động cả nước. Hung thủ Vũ Văn Đản (39 tuổi) theo miêu tả với hai con dao trong tay, đối tượng đã làm chết bốn ngươi và ba người khác bị thương, trong các nạn nhân có cả người nhà hung thủ. Tháng 4/2016, TAND tỉnh Gia Lai đã tuyên mức án chung thân đối với đối tượng này. Trong bản cáo trạng vụ án xác nhận đối tượng Vũ Văn Đản, trước khi gây án đã có những biểu hiện rối loạn nhân cách, rối loạn hành vi, do loạn thần.
Hàng chục bạn trẻ quyên sinh trong thời gian qua, như uống thuốc độc, nhảy cầu xuống sông Hồng, rạch tay. Nhiều trường hợp không tự tử thì tìm cách gây sự với người xung quanh, dễ nổi nóng và giết người… cho thấy sự trầm cảm, loạn thần đang trở nên rất báo động. Theo kết quả điều tra đã được Bộ Y tế công bố, tỷ lệ mắc 10 bệnh tâm thần phổ biến là 15% (khoảng 12 triệu người); tỷ lệ có những biểu hiện rối loạn tâm thần khoảng 20 – 30%. Tốc độ tăng số người mắc các “trục trặc” về tâm lý tại Việt Nam khá cao (hơn 10% hàng năm).
Những nỗi đau nhỏ góp thành nỗi đau lớn
Để rõ hơn hậu quả của căn bệnh đang gia tăng trong cuộc sống, dẫn đến giết người, chúng tôi đã liên hệ với các cơ quan chức năng, được biết con người càng hiện đại thì càng dễ tủi thân, bị tổn thương.
Ngay trong cuộc sống gia đình, do áp lực mưu sinh, bận rộn, vợ chồng, cha mẹ không quan tâm chăm sóc nhau được, rất dễ sinh ra những biểu hiện tiêu cực. Nhất là những cặp vợ chồng trẻ ở các vùng quê ra thành phố mưu sinh. Họ vừa phải đối mặt với cuộc sống, vừa chịu áp lực tìm việc làm, sinh con, chăm sóc con và phải tính toán chuyện mua nhà.
Như chuyện của chị Trần Thị Đông, ở quận Hoàng Mai - Hà Nội. Hai vợ chồng chị đều là người dân ngoại tỉnh, ra Hà Nội thuê trọ học, rồi lấy nhau. Đông sinh con nhưng đứa nhỏ lại quấy khóc, bệnh tật thường xuyên mà gia đình nội, ngoại đôi bên chẳng có điều kiện đỡ đần. Người chồng phải gồng mình lên lo chuyện cơm áo, công việc chăm sóc con dồn lên vai vợ. Từ những chuyện nhỏ bé ấy, Đông sinh nghĩ ngợi. Chị nhìn những người bạn học cùng mình nay đã lấy được chồng giàu có, nhà cửa đàng hoàng ở phố, ngẫm phận mình mà thấy tủi thân.
Sau khi gửi được con đi học trường mầm non, chị Đông đi làm, nhờ kết nối tham gia kinh doanh bán hàng trên mạng, thậm chí tham gia kinh doanh đa cấp với ước mơ… nhanh giàu. Vốn đã kém ăn, công việc gặp thất bại, bệnh chị càng nặng. Cuộc sống của vợ chồng chị vô cùng mệt mỏi. Chính chị Đông còn kéo chồng là anh Hoàng rơi vào trầm cảm. Nhưng thương vợ con anh Hoàng vẫn động viên và mua thuốc an thần để dùng và động viên vợ hãy sống lạc quan.
Anh Hoàng tâm sự: “Có lúc tôi lâm vào cảnh không biết mình nên tồn tại hay không. Thi thoảng tôi vẫn đi khám bác sĩ và lấy thuốc an thần để uống và chịu khó tập thể dục hơn. Quả thật có những khoảng trống trong tâm hồn phải lấy gì để lấp cho đầy?”.
Đáng nói, người có biểu hiện như chị Đông, anh Hoàng đã trở nên phổ biến và căn bệnh này chẳng trừ bất kỳ ai. Nhẹ thì như vậy, nhiều trường hợp nặng như hơn 500 bệnh nhân tâm thần đang điều trị tại Bệnh viện Tâm thần Trung ương I (thị trấn Thường Tín) mới đáng thương làm sao. Điều trị tại đây, như chị Hà Thị Ánh (24 tuổi) đến từ Mai Châu, Hòa Bình là còn nhẹ. Nếu gặp chị ở ngoài đời, không ai nghĩ người phụ nữ trẻ này đã trải qua những ngày tháng kinh khủng về sức khỏe tinh thần.
Gặp chúng tôi, chị rụt rè kể: “Bốn năm trước, tôi có những dấu hiệu trầm cảm nặng, không kiểm soát được bản thân. Gia đình đã đưa chị xuống Hà Nội điều trị. Sau khi khỏi bệnh, tôi về quê, đến năm 2014 thì lấy chồng. Trong thời gian ở nhà chồng áp lực dồn nén, bị cha chồng mắng mỏ, bệnh cũ của tôi lại có dấu hiệu tái phát. Đỉnh điểm là sau lần chồng tôi đến chợ băm nát sạp hoa quả, làm cho tức nước vỡ bờ. Nếu không có con, tôi đã buông xuôi tất cả rồi”.
Trao đổi với phóng viên, TS Tô Thanh Phương - Phó Giám đốc Bệnh viện Tâm thần Trung ương cho biết: “Có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng sức khỏe tâm thần bị sa sút, không chỉ là áp lực mà sử dụng chất kích thích nhiều, môi trường ô nhiễm… cũng dẫn đến những hiện tượng tiêu cực, án mạng ở cả đối tượng là thanh niên và người có tuổi. Điều đáng nói, các trường hợp bị rối loạn thần kinh hiện chưa được cả gia đình và cơ quan chức năng quan tâm đúng mức. Hầu hết chỉ bị phát hiện bệnh lý sau khi đã gây án”. Lý giải thêm về hiện tượng này, TS Phương cho rằng, những người bị tổn thương sức khỏe tâm thần đều mang trong mình tâm lý e ngại, họ thường cầu cứu các trung tâm tư nhân, tệ hơn có cả trường hợp tin vào thầy bói, thầy phù thủy. Chỉ đến khi bệnh phát mạnh mới đến bệnh viện tâm thần, lúc này đã rất khó điều trị dứt điểm.