Lo ngại tour “phá giá”
Nhiều năm gần đây, phía các công ty du lịch đều khẳng định, lượng khách đi du lịch Tết năm sau tăng hơn năm trước. Khảo sát thị trường du lịch Tết chỉ ra rằng giá tour vẫn ổn định, thậm chí nhiều tour trong, ngoài nước của các hãng lữ hành uy tín như Vietralvel, Saigon Tourist… còn khuyến mãi, giảm giá.
Theo đó, dù kỳ nghỉ dài nhưng do du khách vẫn dành khoảng thời gian nhất định cho Tết Nguyên đán cổ truyền, nên nhu cầu của du khách tập trung vào những tour ngắn ngày, như các tour nội địa có thời gian 3-4 ngày, giá 5-8 triệu đồng/người; hoặc các tour du lịch nước ngoài dài 3-5 ngày, giá từ 9-39 triệu đồng/người.
Với các tour trong nước, khách tại khu vực miền Bắc có khuynh hướng du lịch tránh rét cuối năm tại các vùng biển miền Trung, miền Nam như: Đà Nẵng, Huế, Nha Trang, Phan Thiết, Côn Đảo... Trong khi đó, khách khu vực miền Trung và Nam có xu hướng du lịch ra các tỉnh phía Bắc, đặc biệt là các địa điểm Tràng An, Tam Cốc - Bích Động, Hạ Long, Sa Pa, hành trình con đường di sản miền Trung (Đà Nẵng, Huế, Hội An)...
Các tour quốc tế tới Hàn Quốc, Thái Lan, Campuchia, Singapore, Nhật Bản, Hồng Kông (Trung Quốc), Dubai, Bali, Ấn Độ, Bhutan... vẫn đang được du khách ưa thích. Cùng với đó là các hoạt động mua sắm giảm giá trong mùa lễ hội, thưởng ngoạn ngắm hoa, nghỉ dưỡng, hoặc hành hương về đất Phật…
Lợi dụng tâm lý ham rẻ của du khách, xuất hiện những lời mời chào du lịch theo dạng “siêu rẻ”, “phá giá”, chỉ bằng một nửa, hoặc một phần ba so với giá (thậm chí giá sau khi giảm) bởi các công ty lữ hành có uy tín. Ví như, du lịch Nha Trang 3 ngày 2 đêm (xuất phát từ Hà Nội) giá 1,95 triệu đồng; du lịch Việt Nam, Lào, Campuchia, Thái Lan có giá chỉ 6 - 7 triệu đồng... Kéo theo những lời mời chào hấp dẫn về giá cả là rất nhiều rủi ro.
Nhiều công ty “ma” không có giấy phép kinh doanh, chất lượng dịch vụ kém, không đưa khách đi đúng cung đường đã cam kết, thậm chí có hiện tượng quảng cáo trá hình, lừa ép du khách mua hàng chất lượng thấp với giá “cắt cổ”… Để tránh tình trạng nhập nhèm chất lượng, đại diện các công ty lữ hành giải thích: Các công ty có thương hiệu thường có chính sách giá tốt là do liên kết với đối tác nhằm gia tăng quyền lợi cho khách hàng mà không phải cắt giảm dịch vụ hay chất lượng để nhằm bảo toàn lợi nhuận.
Cẩn trọng vé máy bay giá rẻ “ảo”
Mặt khác, thị trường bán vé dịp Tết cũng nhiều trường hợp “vàng thau lẫn lộn”, nhiều du khách đã phải “té ngửa” khi lầm tưởng mua được vé rẻ nhưng lại hoá… vé ảo. Tự nhận là đại lý vé máy bay của các hãng hàng không lớn và có thể bán vé với giá ưu đãi, nhiều đối tượng đã lợi dụng dịp lễ, Tết để lừa du khách mua vé “ảo” nhưng chuyển tiền thật. Hiện tượng này thường xảy ra tại các “chợ online” trên mạng xã hội và Internet.
Một bẫy lừa phổ biến thủ đoạn đặt vé ảo lấy mã rồi cung cấp cho khách hàng, sau đó nhận tiền của khách và không thanh toán cho đại lý chính thức hoặc hãng, lợi dụng sự thiếu hiểu biết của khách về các chính sách của hãng bay.
Dự báo lượng du khách tăng mạnh vào dịp Tết Nguyên đán 2020. |
Cụ thể, các hãng bay như Vietnam Airlines, Vietjet… đều có chính sách cung cấp mã giữ chỗ, tức trong vòng 24h người đặt thanh toán thì mã giữ chỗ sẽ trở thành vé thật; còn nếu quá thời hạn này người đặt không có lệnh thanh toán, mã sẽ tự động huỷ, đồng nghĩa khách đặt cũng không có vé.
Nhiều du khách chưa nắm rõ các quy định trên, lại không kiểm tra, xác nhận mã vé với hãng bay, nên đã bị kẻ gian lừa gạt trả tiền một gói khứ hồi nhưng chỉ chiều đi hợp lệ, còn chiều về thì không. Để nguỵ trang, tạo sự tin tưởng với khách hàng, các đối tượng lừa đảo có thể tạo ra những website bán vé, bán tour online, tạo ra những thông tin ảo nhằm khiến khách hàng hiểu lầm là đại lý của hãng bay.
Mặt khác, mạng xã hội cũng là một “sân chơi” đối với những đối tượng lừa đảo vé máy bay giá rẻ. Việc truy tìm những đối tượng này có phần tinh vi hơn. Đơn cử, vào tháng 9/2019, Công an TP Hà Nội đã bắt tạm giam Ngô Thị Hoàng Điệp (SN 1983, quê Hà Nam) và Phạm Văn Hòa (SN 1996, quê Nam Định) về tội “Sử dụng mạng máy tính, mạng viễn thông, phương tiện điện tử thực hiện hành vi chiếm đoạt tài sản”, quy định tại Điều 290 Bộ luật Hình sự 2015. Các đối tượng này đã dùng nick ảo lên trang facebook đăng thông tin bán vé máy bay giá rẻ. Khi có người hỏi mua, các đối tượng yêu cầu khách chuyển thông tin cá nhân để đặt vé.
Tất nhiên, vé không được đặt, các đối tượng này đã dùng thủ thuật sửa thông tin vé từ trạng thái “chờ thanh toán” thành “đã xác nhận”, rồi chụp lại màn hình thông tin giao dịch, gửi cho khách tạo lòng tin. Sau khi khách hàng chuyển tiền vào tài khoản đã được chuẩn bị trước, các đối tượng này xóa tin nhắn, bỏ sim rác, rồi “bốc hơi” cùng số tiền của những người bị hại. Bằng thủ đoạn trên, các đối tượng đã lừa bán vé máy bay cho hơn 20 người Việt Nam tại Đài Loan (Trung Quốc), chiếm đoạt hơn 600 triệu đồng.
Còn rất nhiều thủ đoạn, bẫy lừa khác trong dịp lễ, Tết. Khi xảy ra những tình huống như trên, đại diện hãng bay chia sẻ họ không thể can thiệp, hỗ trợ xử lý các sự vụ mà chỉ có thể cảnh báo, tư vấn, khuyến cáo khách hàng nên nâng cao cảnh giác. Tuy vậy, dù đã có nhiều cảnh báo người dân nên đặt vé chính hãng, nhưng vẫn không ít du khách mắc bẫy. Kết cục, không ít người rơi vào cảnh “tiền mất, tật mang”, không mua được vé rẻ mà niềm vui từ chuyến du lịch “xả hơi” cuối năm cũng không được trọn vẹn.
Du lịch đắt đỏ đành bỏ ý định du xuân
Đối với nhiều người, Tết là dịp hiếm hoi để có thể đi du lịch cùng gia đình, tận hưởng quãng thời gian thảnh thơi để tiếp sức cho một năm làm việc mới. Tết Nguyên đán cũng là thời gian bùng nổ hàng loạt tour du lịch hành hương hay ngắm hoa xuân, trẩy hội.
Nhiều du khách lo ngại dịp Tết Nguyên đán sắp sửa cận kề làm các chặng bay trở nên khan hiếm, giá vé tăng đến 30-40%. Cơn “sốt” vé máy bay thực sự làm cho nhiều du khách phải từ bỏ ý định du xuân. Bởi thực tế Tết đến nhiều gia đình phải lo đủ thứ tiền như ăn uống, sinh hoạt, thờ cúng… những chuyến du lịch đắt đỏ khiến nhiều gia đình đều lựa chọn ở nhà ngày Tết.
Trong dịp lễ lớn của năm, các dịch vụ du lịch như ăn uống, ngủ nghỉ, gửi xe, vui chơi giải trí, mua bán tại điểm đến thi nhau “đội giá”, “chặt chém” để trục lợi từ lâu đã diễn ra, nhưng cách giải quyết vẫn còn nhiều vướng mắc. Thậm chí, kể cả khi du khách đã kiểm tra giá cả và đặt trước trên Internet và mạng xã hội, đến nơi họ vẫn không tránh khỏi tình trạng bị “chặt chém”.
Đặc biệt, khi du lịch tự túc, du lịch “bụi” ngày càng phổ biến hiện nay, các du khách trẻ tuổi có xu hướng tự lên lịch trình, kế hoạch cho chuyến đi của mình. Nỗi e ngại đến những vùng đất mới bị “chặt chém”, tăng giá vô lý lại rước bực vào người khiến họ ngày càng không muốn đi du lịch vào ngày Tết.