Tôi đến làng Xối Chì, xã Nam Thanh, huyện Nam Trực (Nam Định) vào một ngày mưa lất phất. Con đường vào làng đang được sửa lại, nhem nhép bùn đất. Bánh xe đã quyện đầy đất, không dám đi vì sợ trơn trượt, tôi đành phải dắt bộ.
Mưu sinh bên “chảo lửa”
Ra mở cổng cho tôi là một phụ nữ trung niên, da ngăm đen, tươi cười mời tôi vào nhà. Bước vào đến sân, đập vào mắt tôi là những mảnh thủy tinh được chất đống, chia làm hai góc, một loại màu xanh, một loại màu trắng, bên cạnh là một nhà xưởng xếp đầy những chiếc cốc vại và vài chiếc bình thủy tinh lớn.
Nghe kể, để cho ra lò một chiếc cốc, các khâu đoạn sản xuất cũng hết sức phức tạp. Đầu tiên là khâu làm sạch thủy tinh. Người thợ đổ thủy tinh vào chậu, xả dưới vòi nước rồi dùng tay rửa như rửa rau, phân loại màu sắc rồi cuối cùng mới đưa vào nồi nấu.
Đây là khâu rất quan trọng, bởi muốn chiếc cốc không bị nổi bọt khí thì phải rửa thật sạch.
Để đảm bảo an toàn người lao động cũng như chất lượng sản phẩm, nồi nấu phải cao chừng 1,2m, lòng nồi phải rộng khoảng 1m, được đắp bằng một loại đất sét chuyên dụng, dẻo và trắng được mua từ vùng Hải Dương, phơi đến khi rắn lại mới đưa vào lò.
Nguyên liệu dùng để đốt lò là than đá. Lửa trong lò phải cháy đượm và nhiệt độ đảm bảo ở 1800 độ C trong vòng 6 tiếng thì thủy tinh mới nóng chảy.
Tiếp theo, người thợ dùng một chiếc ống dài khoảng 1,5cm (ống tán), đưa vào nồi lấy thủy tinh ra và dùng hơi thổi trực tiếp vào ống để tạo ra những sản phẩm có khuôn hình sẵn. Sau đó, chiếc cốc được đưa vào cắt mép, làm tròn miệng và đem đi ủ nguội bằng tro.
Thời gian ủ kéo dài khoảng 12-15 tiếng. Khâu cuối cùng là lấy cốc ra, lót rơm giữa các cốc khi chồng vào nhau để tránh va vỡ trong quá trình vận chuyển.
Nhìn có vẻ dễ, tôi kì kèo xin thổi thử bằng được và thu được một sản phẩm có hình dạng hết sức... kì dị. Bác Vinh (60 tuổi) bộc bạch: “Nhìn thì có vẻ dễ lắm nhưng thực ra rất khó cô ạ. Những người thổi thường có kĩ thuật cao, biết cách lấy hơi, điều tiết hơi thì mới ra hình được”.
Gần chục người thợ, mồ hôi túa ra ướt đẫm những bộ quần áo bạc phếch, thủng lỗ chỗ vì thủy tinh nóng bắn phải. Dù có năm bảy cái quạt công nghiệp chĩa vào nhưng vẫn chẳng thể át được phần nào cái nóng của “chảo lửa”.
Theo cô Nga – chủ lò ở đây cho biết, lò ở đây phải hoạt động cả ngày nên thợ chia làm hai ca ngày và đêm. Ngoài việc nuôi cơm thợ, mỗi ngày cô chi trả 180.000 – 200.000 đồng/người/ngày công.
Đến năm 2000, cả làng Xối Chì chỉ còn 8 lò sản xuất hoạt động nhưng tính đến thời điểm hiện tại, số lò chỉ còn lại 3 |
Người làng Xối Chì kể lại, cách đây 70 năm về trước, cuộc sống khó khăn, đói kém, một người tên Phạm Văn Đạo theo thanh niên trong làng đi tha phương để kiếm sống. Người thanh niên ấy đến làm thuê cho một gia đình người Hoa.
Nhờ tính chất phác, thật thà lại cần cù chịu khó nên được gia đình đó truyền dạy nghề thổi thủy tinh và cho phép về làng để làm ăn sinh sống.
Học được nghề, Phạm Văn Đạo háo hức trở về Xối Chì mở lò sản xuất và dạy nghề cho tất cả những ai muốn theo học. Vào thời điểm đó, có cái nghề là dựng được cơ nghiệp. Dân làng Xối Chì say sưa làm việc, mê mải với thủy tinh.
Có đến 85% tổng số hộ gia đình theo nghề, cũng là thời kì vàng son của nghề. Từ đó, làng Xối Chì được gọi là làng nghề và cụ Phạm Văn Đạo được coi là ông tổ nghề của làng.
Cũng vào thời điểm đó, bia hơi được coi là thức uống đặc sản của Hà Nội. Thế hệ người già, người trung niên bây giờ không lạ gì hình ảnh xếp hàng mua bia thời bao cấp và hình ảnh những chiếc cốc vại ở những quán bia cỏ hay hàng nước vỉa hè.
Làng nghề Xối Chì cũng vì thế mà thịnh với vô số đơn hàng đặt mua. Tuy nhiên, đến năm 2000, cả làng Xối Chì chỉ còn 8 lò hoạt động nhưng tính đến thời điểm hiện tại, số lò chỉ còn 3.
Theo chủ lò, thủy tinh được thu mua từ những vùng lân cận với giá 1.000 đồng/kg. Trung bình mỗi ngày lò sản xuất được 1.500 chiếc cốc, bán cho những quán bia ở Hà Nội với giá 5.000 đồng/cốc. Vốn bỏ ra để xây lò nhiều mà tiền thu về cũng chẳng lời lãi bao nhiêu, công việc lại vất vả, người làm nghề cũng không ai còn mặn mà với thủy tinh như trước.
Cô Nga là chủ của một trong ba lò thổi thủy tinh hiện vẫn còn “đỏ lửa”, nối nghiệp cha gần chục năm nay xót xa: “Thổi thủy tinh là nghề gia truyền của dòng họ chúng tôi, duy trì được mấy chục năm nay rồi. Cũng là nghề của tổ tông để lại nên vẫn muốn duy trì hoạt động. Nhưng mà cũng bấp bênh lắm cô. Hàng Trung Quốc bây giờ nhiều vô số kể, cái gì cũng đẹp, cũng nhiều mẫu mã. Dân người ta cũng chuộng những mặt hàng đó hơn là những đồ thủ công này.
Trước ở đây cũng làm nhiều loại lắm nhưng có bán được đâu. Chỉ có cái cốc vại này là vẫn được quán bia trên Hà Nội họ chuộng. Nên chúng tôi chỉ thổi cốc thôi, làm hàng theo đơn đặt…”.
Cô vừa nói, vừa lắc đầu, rồi lại chẹp miệng: “Chả biết là còn làm được đến bao giờ nữa. Con trẻ bây giờ nó cũng đi học, rồi đi làm xa, muốn truyền nghề lại cũng khó. Trước ở đây nhiều nhà làm lắm, nhưng bây giờ còn có 3 lò, trong đó 1 lò của thằng em thì chắc là sắp đập rồi…”.