Án mạng xôn xao dư luận
Phiên tòa xét xử Phạm Thị Hường (67 tuổi, ngụ xã Hậu Thành, huyện Yên Thành, tỉnh Nghệ An) về tội “Giết người” thu hút sự chú ý của dư luận. Bởi đây là phiên tòa đặc biệt khi bị cáo và bị hại có mối quan hệ thân thiết: bà – cháu. Cũng chính vì vậy mà khán phòng xử án ngày hôm đó có đông người đến tham dự. Những người này cho biết, dù không có quan hệ máu mủ với hai bên nhưng vẫn thu xếp công việc, bắt xe khách, vượt quãng đường hơn 70 km đến tòa mặc cho thời tiết Nghệ An những ngày này nắng gắt oi bức.
Cho đến hôm nay, hơn nửa năm sau vụ án mạng nhưng nhiều người vẫn chưa hiểu động cơ vì sao người bà được xem là hết mực với con cháu lại ra tay sát hại cháu một cách tàn nhẫn như vậy. Đông đảo người dân chăm chú ngồi theo dõi phiên tòa để tìm ra câu trả lời cho băn khoăn đó. Bởi theo bà con lối xóm, trước khi xảy ra sự việc, Phạm Thị Hường là người sống hòa nhã với láng giềng. Dù đã nhiều tuổi nhưng đã nhiều năm nay vợ chồng bà Hường chăm sóc, nuôi nấng mấy đứa cháu nội (con của anh Chung) chu đáo.
Được biết, vợ chồng anh Chung vì cuộc sống mưu sinh nên để các con ở nhà cho bố mẹ chăm sóc rồi vào miền nam làm thuê. Mỗi năm, đôi vợ chồng này chỉ về thăm con vào dịp lễ tết. Do vậy, đã không ít lần người dân thấy Hường bón cơm, lo cho các cháu từng miếng ăn, giấc ngủ. Cũng vì thế mà mối quan hệ bà – cháu trong ngôi nhà này luôn khăng khít.
Khán phòng chật kín, hàng trăm người dân tham gia theo dõi phiên tòa xử người bà máu lạnh |
Thế rồi, thông tin Phạm Thị Hường chính là người giết hại đứa cháu nội Nguyễn Thị Thanh T. (SN 2008) khiến dư luận quê lúa một phen xôn xao, bàn tán. Đó là ngày 3/11/2019, Hường đi xe đạp đến nhà em gái chơi. Một lúc sau, con trai là Nguyễn Duy Chung đi xe máy đến nhưng không chào mẹ. Cho rằng con trai khinh thường mình nên Hường bực tức ra về.
Đầu giờ chiều, Hường tình cờ gặp cháu Nguyễn Thị Thanh T. ngoài đường. Người cháu này sau khi lễ phép chào bà thì tiếp tục đi sinh nhật bạn. Khoảng 16h cùng ngày, Hường gặp lại cháu nội nên cả hai đi một xe đến nhà người quen chơi. Trên đường về, Hường và cháu T. nói chuyện về anh Chung. Vốn đã có bực tức với con trai nên khi nghe cháu nhắc đến Chung, Hường ngắt lời: “Đừng nhắc đến cha mi (bố - PV) làm bà đau đầu”. Cháu T. tiếp tục nói về bố làm Hường tức giận và có suy nghĩ “không trị được cha thì trị con”.
Sự lạnh lẽo vô cảm của nữ bị cáo U70 khiến người ta rùng mình ớn lạnh và ám ảnh |
Do đó, khi đến đập Bàu Ganh (thuộc xã Hậu Thành), Hường rủ cháu cùng vào để lau người cho mình nhưng mục đích là sát hại. Để thực hiện ý đồ đen tối, Hường dẫn cháu đi sâu vào phía trong cho khuất người. Trong lúc cháu đang kỳ lưng, Hường đã dùng tay đẩy cháu T. xuống nước. Hường cũng bị ngã theo, nhưng do gần mép bờ đập hơn nên bám được vào kè đá, leo lên bờ. Phạm Thị Hường ngồi trên bờ nhìn xuống dưới nước khoảng 3 phút không thấy gì nên biết cháu đã chết.
Sau đó, Hường bình thản trở về, mua bộ quần áo khác để thay, rồi bắt xe khách ra Hà Nội. Lại nói về gia đình, sau một đêm không thấy con gái về, gia đình đã anh Chung đã trình báo công an việc việc cháu T. mất tích. Ngày 5/11/2019, người dân phát hiện thi thể cháu T. nổi ở đập Bàu Ganh. Riêng Phạm Thị Hường sau khi từ Hà Nội trở về đã đến công an đầu thú.
Lời khai lạnh lùng của bà nội
Tại tòa, lúc đầu, Phạm Thị Hường quanh co chối tội, không thừa nhận hành vi giết cháu nội, nhưng bị cáo không kêu oan. Bị cáo Hường cho rằng cháu T. đã tự ngã xuống đập nước dẫn đến tử vong. Tuy nhiên, sau một hồi khai quanh co, bị cáo thừa nhận hành vi giết người. Hường khai nguyên nhân của vụ án là do bị cáo xích mích với con trai trong quá trình sinh sống. Khi “không trị được con thì trị cháu”, bị cáo nghĩ vậy nên đã lừa cháu nội ra đập nước rồi lựa thời cơ ra tay sát hại. Mục đích của bị cáo là sát hại cháu để làm con trai của mình đau khổ.
Những lời khai lạnh lùng của bị cáo khiến nhiều người tham dự tòa ngỡ ngàng. Phạm Thị Hường khai từng có thời gian theo “Hội thánh Đức chúa trời” nên có quyển sách Cựu ước và tân ước. Tuy nhiên, sau một thời gian theo đạo này thì bị cáo đã nghỉ, do vậy vụ án này không liên quan đến Hội thánh đức chúa trời như dư luận xôn xao. Bị cáo cũng cho biết có mua 2 hợp đồng bảo hiểm nhưng tình tiết này cũng không liên quan đến động cơ giết cháu của mình. Đến tham dự phiên tòa với tư cách đại diện cho bị hại, anh Chung trình
bày: “Bát đũa còn có lúc xô nhau”, cuộc sống trong gia đình không thể tránh khỏi những xích mích. Tôi thừa nhận điều đó nhưng không ngờ mẹ mình lại có thể sát hại cháu như vậy. Dù rất đau đớn trước nỗi buồn mất con nhưng anh Chung cùng người vợ đã viết đơn xin giảm án cho mẹ mình. Đồng thời người con trai này mong mẹ nhận ra lỗi lầm của mình để cải tạo tốt, làm lại cuộc đời. Anh cũng không yêu cầu bị cáo bồi thường về dân sự cho gia đình. Được biết, sau khi xảy ra sự việc đau lòng, mẹ của bị hại đã về quê để sinh sống cùng các con. Vợ chồng anh Chung hiện vẫn sống chung trong ngôi nhà của bố mẹ mình.
HĐXX nhận định bị cáo có hành vi phạm tội đặc biệt nguy hiểm, có tính chất côn đồ, giết người dưới 16 tuổi. Bị cáo nhận thức được việc đẩy cháu T. xuống nước là cháu sẽ chết đuối vì cháu không biết bơi nhưng vẫn thực hiện nên không thể xem bị cáo vô ý giết người. Chỉ vì mâu thuẫn nhỏ nhặt với con trai mà bị cáo nhẫn tâm hại chết cháu T. Mục đích của bị cáo là sát hại cháu để làm cho con trai của mình đau khổ. Bị cáo thực hiện hành vi cố ý giết người, coi thường tính mạng của người khác, tước đoạt quyền sống của cháu T.
Ngoài ra, hành vi của bị cáo còn gây tổn thương cho gia đình, người thân, gây hoang mang, lo lắng bất bình trong nhân dân, do đó phải áp dụng hình phạt nghiêm minh phù hợp với tính chất, hành vi phạm tội của bị cáo. Tuy nhiên, việc bị cáo phạm tội lần đầu, có nhân thân tốt, gia đình bị cáo có công với cách mạng, gia đình bị hại có đơn xin giảm án cho bị cáo là những tình tiết giảm nhẹ. Xem xét toàn diện vụ án, tòa tuyên phạt Phạm Thị Hường 12 năm tù về tội Giết người.
Phiên tòa kết thúc trong cái nắng gắt xế trưa, Phạm Thị Hường lầm lũi ra xe bịt thùng để về trại tạm giam. Theo sau là người chồng tóc bạc và hai đứa con gái với đôi mắt đỏ hoe đang cố động viên mẹ cải tạo. Từ người bà hết mực chăm sóc, nuôi nấng các cháu, Phạm Thị Hường trở thành hung thủ, phải chịu bản án của pháp luật nhưng có lẽ bản án nghiêm khắc hơn cả là sự dằn vặt trong lương tâm….